Ngàn lẻ một lý do chậm triển khai dự án
Dù không phải là câu chuyện thời sự, nhưng dự án chậm tiến độ luôn là vấn đề được người dân Thủ đô quan tâm. Chỉ ít ngày sau cuộc bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp diễn ra thành công hồi trung tuần tháng 5/2021, UBND TP. Hà Nội đã có báo cáo tổng hợp trả lời 328 ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan tới hàng loạt dự án chậm triển khai tại Hà Nội.
Thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho thấy, tính đến hết 31/3/2021, trên địa bàn Thành phố có 2.907 dự án đầu tư ngoài ngân sách, vốn đăng ký 1,65 triệu tỷ đồng. Trong đó, có 967 dự án đã hoàn thành; 182 dự án đã chấm dứt hoạt động, thu hồi và 977 dự án trễ tiến độ - một con số kỷ lục.
Nếu chỉ xét riêng về các dự án hạ tầng đô thị, con số dự án chậm triển khai theo số liệu công bố cách đây không lâu của Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội cũng chiếm tới 2/5 tổng số dự án treo, tương đương gần 400 dự án, trong đó những quận, huyện có số dự án trễ tiến độ nhiều nhất phải kể đến là Hoài Đức (51 dự án), Mê Linh (47 dự án), Nam Từ Liêm (48 dự án), Hoàng Mai (25 dự án)…
Chia sẻ về những dự án trễ tiến độ trên địa bàn, ông Ðỗ Quốc Toản, Trưởng Phòng Quản lý đô thị huyện Mê Linh cho biết, nhiều dự án được cấp phép từ những năm 2003, 2004, nhưng tới nay vẫn chưa triển khai. Tổng diện tích các dự án đô thị chậm triển khai ở Mê Linh lên tới 1.905 ha, đặc điểm chung là các dự án này đều tìm mọi cách kéo dài thời gian triển khai, chậm xây dựng các hạng mục như thuyết minh trong hồ sơ dự án.
Theo ông Toản, có những dự án không triển khai bất cứ hạng mục nào, khi cơ quan chức năng kiểm tra thì vội vàng làm quấy quá vài công đoạn, cán bộ kiểm tra vừa về thì máy móc, công nhân cũng rút hết. Chủ đầu tư nào “ý tứ” hơn thì dùng tôn quây kín dự án, bên ngoài dựng một vài tấm pa-nô lớn với hình ảnh về dự án để tránh bị “nhòm ngó”.
Hay tại quận Nam Từ Liêm, trong buổi làm việc với Đoàn giám sát của Thường trực UBND TP. Hà Nội hồi đầu tháng 4/2021, Phó chủ tịch UBND quận Nguyễn Quốc Nam khi đó cho hay, quận đã phối hợp các sở, ngành đốc thúc các chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục, triển khai các dự án, nhưng vì còn vướng cơ chế nên gặp nhiều khó khăn.
Chẳng hạn, nhiều dự án dù đã có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng lại phát sinh vướng mắc về đất dịch vụ khi chuyển tiếp từ Luật Đất đai 2003 sang Luật Đất đai 2013, dẫn đến có đơn thư khiếu kiện, việc giải quyết các vướng mắc khi tổ chức thực hiện theo kết luận thanh tra sau giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân tại các dự án cũng còn nhiều khó khăn, từ đó ảnh hưởng tới tiến độ, thời gian thực hiện dự án…
Hay về công tác giải phóng mặt bằng, nhiều chủ đầu tư năng lực tài chính hạn chế và chưa tích cực phối hợp với các sở, ngành và UBND quận hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo quy định, khiến công tác này bị chậm trễ. Chưa kể, việc giá đất bồi thường theo giá Nhà nước thấp hơn giá đất chủ đầu tư thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nên nhiều hộ dân có đất nằm trong diện giải tỏa không phối hợp thực hiện, càng khiến việc giải phóng mặt bằng gặp khó khăn.
“Đơn cử, tại dự án Thành phố Công nghệ xanh ở quận Nam Từ Liêm, chủ đầu tư dự án đã phải gửi đơn kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ để xin điều chỉnh lại quy hoạch, thay đổi giấy chứng nhận đầu tư do vướng giải phóng mặt bằng. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến dự án chậm triển khai hơn 10 năm qua”, ông Nam nêu ví dụ.
Đừng để lãng phí tài nguyên đất
Thực tế, dự án “treo” được ví như “con đường cụt” đối với các cấp, các ngành tại Hà Nội, trong khi hàng nghìn người dân sống trong khu vực bị thu hồi đất vẫn hàng ngày mong ngóng việc tiếp tục triển khai hay thu hồi dự án để ổn định cuộc sống.
Chẳng hạn, tại khu vực Định Công, phường Hoàng Mai, việc chậm đền bù, giải tỏa đối với khu vực quy hoạch làm tuyến đường nội bộ của dự án Khu đô thị Bắc Đại Kim đã biến nơi đây thành khu vực tập kết rác thải, gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị nhiều năm qua. Người dân khu vực này nhiều lần kiến nghị cơ quan quản lý đốc thúc chủ đầu tư là CTCP Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, nhưng chưa có kết quả.
Từ khảo sát thực tế, Đoàn giám sát HĐND TP. Hà Nội nhận định, việc triển khai các dự án sau khi có kết luận giám sát và tới nay là lần tái giám sát thứ hai không có nhiều biến chuyển, việc đôn đốc, kiểm tra các dự án của từng ngành chưa có động thái tích cực, thiếu sự chủ động khi phát hiện sai phạm…
“Đặc biệt, tại quận Nam Từ Liêm, nhiều dự án vướng quy hoạch tới 30 năm. Theo quy định, sau năm 2015, các dự án bị vướng đều phải hoàn thiện điều chỉnh quy hoạch, nhưng trên thực tế, các thủ tục này vẫn chưa được thực hiện, cho dù đã được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phân khu. Điều đáng nói, chiếu theo báo cáo của quận thì không có dự án nào vướng quy hoạch”, đại diện Đoàn giám sát HĐND TP. Hà Nội cho hay.
Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đối với một dự án đã được giao đất, sau 24 tháng nếu chủ đầu tư không triển khai thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ thu hồi hoặc phải gia hạn với một số điều kiện kèm theo. Tuy nhiên, trên thực tế, sau thời hạn này, nhiều chủ đầu tư vẫn “ôm” đất trong nhiều năm tiếp theo dù không triển khai bất cứ hạng mục nào. Do đó, người dân có lý do để đặt câu hỏi liệu “có gì đó” bên cạnh quyết định giao đất không, vì nếu giao đất “có điều kiện” thì rất khó để xử lý, thu hồi do vướng lợi ích của bên này, bên kia.
Còn TS-KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, công tác quản lý dù được thực hiện chặt chẽ ở khâu giao đất, nhưng lại thiếu sự kiểm soát và xử lý trong việc sử dụng đất, thiếu thể chế quản lý tiến độ các dự án…, gây ảnh hưởng tới phát triển kinh tế, an sinh xã hội.
“Những con số về diện tích đất bỏ hoang, sử dụng sai mục đích… được công bố thời gian qua rõ ràng là nguồn quỹ đất lớn cho Hà Nội phát triển. Tất nhiên, việc thu hồi các dự án treo là không hề dễ dàng, nhưng không phải là không thể thực hiện, quan trọng là chính quyền phải thật cương quyết”, ông Nghiêm nhấn mạnh.
Theo Trang Việt/TNCK
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/thu-hoi-du-an-treo-van-bat-coc-bo-dia-a67511.html