Thuốc kê đơn là những loại thuốc cần phải được bác sĩ kiểm soát liều lượng và cách thức dùng bởi dược tính của chúng rất mạnh. Nếu sử dụng không đúng chỉ định, thuốc có thể tác động tiêu cực tới sức khỏe của người bệnh. Hành vi bán thuốc kê đơn không cần đơn có thể trở thành mối đe dọa tới sức khỏe, thậm chí là tính mạng của nhiều người bệnh.
Theo ông Phan Văn Khánh, Trưởng Phòng quản lý Dược, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, việc bán thuốc không kê đơn, đặc biệt là các loại kháng sinh rất nguy hiểm, vì ngoài việc không theo dõi được tình trạng bệnh còn dẫn đến nhiều hệ lụy. Người bệnh không có đơn thuốc sẽ không có căn cứ uống đúng liều lượng thuốc, thời gian, thực phẩm cần kiêng, chống chỉ định với thuốc. Điều này dẫn đến người bệnh có thể gặp rủi ro do phản ứng phụ từ thuốc gây ra. Tự ý điều trị tại nhà trong thời gian kéo dài mà không đúng bệnh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, lãng phí về tiền bạc.
Chưa kể, việc dùng thuốc kháng sinh không có đơn của bác sĩ, dùng không đủ liều sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Một khi đã bị kháng thuốc thì việc dùng thuốc kháng sinh và các liệu pháp điều trị người mắc bệnh do nhiễm khuẩn sẽ không còn hiệu quả hoặc hiệu quả thấp.
Tuy nhiên, VOVTV gần đây đã phản ánh sau khi nhận được thông tin từ bạn đọc về việc Nhà thuốc Long Châu đã có hành vi "bán vaccine hoặc thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc". Cụ thể:
Khi tiến hành khảo sát tại 14 cơ sở của Nhà thuốc Long Châu tại Hà Nội, phóng viên không có đơn kê từ bác sĩ bệnh viện đã mua loại thuốc Doxycycline Capsules BP 100mg với vai trò là người có nhu cầu, đây là thuốc nằm trong danh mục kê đơn theo quy định, trên vỏ hộp của loại thuốc này cũng ghi rất rõ dòng chữ "thuốc bán theo đơn".
Theo điểm đ khoản 3 Điều 59, Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử lý về việc: "Bán vaccine hoặc bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc", hành vi này, sẽ bị xử phạt hành chính từ 5.000.000 đến 10.000.000 đồng. Đồng thời tại điểm đ khoản 8 của điều này quy định hình thức xử phạt bổ sung với hành vi trên là: "Đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn từ 6 tháng đến 9 tháng".
Được biết, chuỗi Nhà thuốc Long Châu thuộc Công ty Cổ phần Dược phẩm FPT Long Châu, FPT Long Châu là một trong 2 hệ thống bán lẻ của Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) thuộc Tập đoàn FPT. Những năm qua chuỗi Nhà thuốc Long Châu đã có mặt tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Hành động bán thuốc kê đơn không cần đơn thuốc của nhà thuốc này là cố tình vi phạm hay vô ý?
Khi chúng tôi đặt vấn đề này lên một nhóm nhà thuốc có hàng trăm nghìn thành viên cả nước, rất nhiều ý kiến đồng tình với nhà thuốc cho rằng nếu chỉ bán thuốc kê đơn khi có đơn thuốc thì nhà thuốc chỉ có nước phá sản.
Một người trong nhóm này cho hay: "Tình hình chung, chứ dân thì muốn khỏi bệnh nhanh mà mua chỉ 2,3 ngày. Còn đơn thuốc thì có được mấy đơn loạt ra ngoài. Nếu thắt chặt như vậy thì nhà thuốc tư chắc ngồi không"
Người dùng có nickname Nguyễn Trương Vỉnh Phúc cho rằng: "Thuốc tâm thần giờ vô bệnh viện dịch không, em phải đi săn lùng tìm kiếm bên ngoài. Nhờ hệ thống nhà thuốc kiểu này đỡ vất vả".
Một người khác khẳng định chắc nịch: "Nhà nào chả bán thuốc kê đơn mà không cần đơn...nhà nào chả sai".
Để thấy tình hình bán thuốc kháng sinh kê theo đơn hiện nay khá "bát nháo" tại Việt Nam. Từ nhiều năm trước, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xếp Việt Nam vào danh sách các nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao trên thế giới. Nhiều bệnh viện, cơ sở y tế đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng của các vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh Cao Hưng Thái cũng từng đánh giá, mức độ kháng thuốc kháng sinh ở nước ta đang hết sức nghiêm trọng. Hầu hết vi khuẩn đều kháng với các thuốc kháng sinh và rất nhiều vi khuẩn là đa kháng với thuốc kháng sinh.
Một con vi khuẩn kháng với rất nhiều loại kháng sinh, dẫn đến rất khó có thể có kháng sinh để điều trị cho những trường hợp bệnh nhân nhiễm con vi khuẩn đó. Ví dụ một số bệnh viện hiện nay, như Bệnh viện Nhi Trung ương có vi khuẩn Klebsiella đã kháng Carbapenems trên 30%, nếu trẻ em nhiễm Klebsiella khó có thể có thuốc để điều trị và nguy cơ tử vong cao. Thêm vào đó, mô hình bệnh truyền nhiễm như các bệnh về nhiễm khuẩn, nhiễm trùng, đặc biệt đại dịch COVID-19 là vấn đề nhức nhối hơn cho tình trạng kháng kháng sinh ở nước ta hiện nay. Một trong nguyên nhân chính gây ra tình trạng kháng thuốc rất đáng lo ngại này tình trạng lạm dụng kháng sinh, người dân tự ý mua kháng sinh về sử dụng, sử dụng thiếu hoặc quá liều.
Trước tình trạng mua bán thuốc không theo đơn của bác sĩ, ngày 7/9/2017, Bộ Y tế đã phê duyệt và ban hành Đề án: "Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn” với mục tiêu chính là “Nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và nâng cao trách nhiệm của cán bộ y tế đặc biệt là người kê đơn thuốc và bán lẻ thuốc trong việc thực hiện quy định của pháp luật về kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn, trọng tâm là kháng sinh qua đó góp phần giảm tình trạng kháng kháng sinh, lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc không hợp lý” và mục tiêu cụ thể là “Đến năm 2020, đạt 100% bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc tại quầy thuốc, nhà thuốc”.
Theo Thùy An/Sức khỏe 24h
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/nhon-thuoc-khang-sinh-do-ban-va-uong-thuoc-ke-don-khong-tuan-thu-theo-chi-dinh-cua-bac-si-a67470.html