Lãnh đạo thôn có tự tung tự tác?
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2017 – 2018, chính quyền xã Tuân Chính tiến hành dồn điền đổi thửa, đưa ruộng nhỏ lẻ manh mún thành những thửa ruộng lớn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân cấy lúa trồng màu. Nhận thấy đây là chủ trương đúng đắn nên người dân đều phấn khởi nhất trí, ký tên. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện kế hoạch, việc dồn điền đổi thửa đang khiến người dân nơi đây “cười ra nước mắt”.
Theo thông tin ban đầu ông Lê Bá Long, trú tại thôn Trung cho biết: “Nhà tôi có 1500m2 đất loại 1, nhưng tháng 12/2018, sau khi dồn điền đổi thửa, tiểu ban dồn điền đổi thửa chỉ cắm trả cho nhà tôi 1320m2. Điều đáng nói là đến tháng 6/2020, trong khi cả gia đình nhà tôi đi vắng, trưởng thôn và bí thư thôn đã tự ý chia lại ruộng của gia đình nhà tôi. Sau nhiều lần làm đơn khiếu nại lên xã, đến tháng 12/2020, thôn mới trả lại ruộng cho nhà tôi nhưng chỉ có 1159m2”.
“Tháng 6/2020 gia đình tôi bị lấy ruộng, đến tháng 8/2020 UBND xã Tuân Chính có biên bản thống nhất là sẽ chia đủ đất loại 1 và loại 2 cho gia đình tôi. Nhưng phải đến tháng 12/2020, thôn mới giao đất cho gia đình tôi cấy lúa trồng màu, mà số diện tích lại không đủ như lúc ban đầu. Điều làm tôi buồn hơn cả là gia đình tôi là gia đình liệt sĩ, có công với cách mạng, vậy mà không những không được tạo điều kiện thuận lợi, còn phải chịu cảnh 6 tháng trời không được cấy cày, đảm bảo mưu sinh”, ông Long bức xúc cho biết.
Ở một diễn biến khác, ông Lê Bá Công, người dân thôn Trung, xã Tuân Chính còn cho biết: “Việc giao đất cho dân không hề có biên bản bàn giao. Đáng lẽ, các ông phải đo đạc tổng diện tích đất loại 1, trừ tất cả mương máng các thứ rồi chia theo đầu bìa đỏ. Đằng này, các ông thu ruộng của dân xong chẳng biết mương máng là bao nhiêu, các ông cứ trừ bạt mạng của dân”.
Quan xã mơ hồ?
Để làm rõ những nội dung này, phóng viên có buổi làm việc với lãnh đạo UBND xã Tuân Chính. Tại buổi làm việc, khi được hỏi vì sao sau 2 lần dồn điền đổi thửa, diện tích đất mà hộ ông Long nhận về lại thiếu hụt nhiều so với ban đầu? Thì bà Nguyễn Thu Hằng – Cán bộ địa chính xã cho biết: “Đó là do hộ ông Long không nhận hết đất loại 1 mà xin nhận sang cái ao sau nhà”.
Song trên thực tế ao sau nhà ông Long là đất loại 3, mà đến thời điểm hiện tại thì tiểu ban dồn điền đổi thửa mới chỉ tiến hành chia đất loại 1 và loại 2.
Tiếp đó, Phóng viên đặt câu hỏi trực tiếp với ông Hoàng Minh Hòa – Chủ tịch UBND xã Tuân Chính, về việc lúc giao đất cho người dân, thôn có đưa biên bản cho họ ký không? Thì ông Hòa khẳng định chắc chắn: “không ký thì làm sao có cơ sở làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.
Tuy nhiên, sau khi được phóng viên cung cấp thông tin phần đông người dân chưa ai được ký vào biên bản, thì vị chủ tịch xã này lập tức lấp liếm bằng cách quay sang viện dẫn lý do là người dân đi kiện cáo nên chưa ký được.
Không những vậy, khi phóng viên đề cập tơi việc ai là người có quyền quyết định việc tự ý chia lại ruộng của người dân khi họ không có mặt? Thì ông Hòa hoàn toàn lảng tránh.
Câu hỏi mà người dân ở đây đặt ra là sau dồn điền đổi thửa, thôn Trung có bao nhiêu mét vuông “bờ xôi ruộng mật” bị bỏ hoang? Bao nhiêu diện tích đất chưa đến tay người nông dân? Có hay không việc tự ý chiếm dụng hàng ngàn mét vuông ở vị trí đất vàng? Chính quyền xã Tuân Chính, chính quyền huyện Vĩnh Tường nói gì về vấn đề này?
Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Theo Minh Thanh/MT&ĐT
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/tuan-chinh-vinh-tuong-bat-cap-trong-cong-tac-don-dien-doi-thua-a67369.html