Thực hư "siêu doanh nghiệp" vốn 500.000 tỉ đồng: Huy động đủ vốn góp là chuyện không tưởng!

Các chuyên gia, luật sư nhận định việc huy động đủ 500.000 tỉ đồng trong vòng 90 ngày như đăng ký của "siêu doanh nghiệp" là bất khả thi

Sau khi Báo Người Lao Động phản ánh việc một công ty vừa mới thành lập với vốn điều lệ đăng ký 500.000 tỉ đồng, nhiều chuyên gia tài chính, luật sư và doanh nhân tỏ ra bất ngờ bởi số vốn trên là không tưởng, lên tới 21,7 tỉ USD.

Huy động vốn không dễ

Theo dữ liệu từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (DN), ông Nguyễn Vũ Quốc Anh (35 tuổi) đăng ký thành lập một loạt công ty trong tháng 5-2021, trong đó có Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động toàn cầu (Auto Investment Group), trụ sở tại TP HCM, vốn điều lệ 500.000 tỉ đồng.

Bố cáo của công ty này cho thấy, có 3 cổ đông sáng lập gồm Nguyễn Thị Diễm Hằng góp 1 tỉ đồng, Lưu Hữu Thiện góp 1 tỉ đồng và Nguyễn Vũ Quốc Anh góp 499.999 tỉ đồng (tương đương 21,7 tỉ USD).

Ông Nguyễn Vũ Quốc Anh khẳng định đang xây dựng một "hệ sinh thái" để phát triển vươn ra toàn cầu, dù các công ty chỉ mới thành lập từ cuối tháng 5 đến nay. Về việc huy động số vốn 499.999 tỉ đồng trong vòng 90 ngày theo quy định, ông chủ "siêu DN" này khẳng định có rất nhiều cách như bán các sản phẩm của DN đang có ra thị trường; huy động từ nhà đầu tư trong và ngoài nước hoặc bán cổ phần của công ty…

Tuy vậy, các chuyên gia, DN được hỏi đều cho rằng số vốn điều lệ đăng ký 500.000 tỉ đồng là chuyện không tưởng, vì vượt xa những tập đoàn lớn của nhà nước và tư nhân như EVN, Vingroup, Vinamilk, Vietcombank… 

Chuyên gia tài chính, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho biết để góp đủ vốn điều lệ 500.000 tỉ đồng như đăng ký ban đầu, cổ đông lớn nhất là ông Nguyễn Vũ Quốc Anh (góp 499.999 tỉ đồng) phải có khoản tiền "siêu khủng". Những khoản tiền này phải được thể hiện ở các tài sản như cổ phiếu trên sàn chứng khoán, tiền gửi tiết kiệm ngân hàng, bất động sản… 

"Nếu huy động vốn từ nhà đầu tư trong nước mà không có tên tuổi, danh tiếng, thương hiệu thì vài tỉ đồng cũng không dễ; còn huy động từ nhà đầu tư nước ngoài cũng không thể từ số 0, chưa kể thủ tục đăng ký đầu tư nước ngoài, dòng ngoại hối ra vào cũng không đơn giản" - luật sư Trương Thanh Đức đặt vấn đề.

Giám đốc một công ty du lịch tại TP HCM nói vui có thể chủ DN nói trên cũng không hình dung được 500.000 tỉ đồng là lớn đến mức nào chứ đừng nói là góp đủ trong vòng 90 ngày theo quy định. 

"Ngay các DN đã thành lập hàng chục năm như chúng tôi muốn huy động vốn cũng không dễ. Bởi, vay ngân hàng thì phải có tài sản thế chấp như bất động sản, nhà xưởng, máy móc. Nếu vay tín chấp phải chứng minh DN đang cần vốn để sản xuất - kinh doanh, có dòng tiền, doanh thu tốt. Còn muốn huy động vốn từ các nhà đầu tư cũng phải là ngành kinh doanh hấp dẫn, có tiềm năng và phải chứng minh được. Vậy công ty vừa thành lập được vài ngày thì cơ sở nào để huy động vốn góp hàng tỉ USD?" - giám đốc công ty du lịch này băn khoăn.

201-1622803734.jpg

Trụ sở một trong những công ty của ông Nguyễn Vũ Quốc Anh

Nên bỏ quy định ghi vốn điều lệ

Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần lớn tại TP HCM cho biết DN vay vốn từ ngân hàng thương mại cho việc sản xuất, kinh doanh đều phải chứng minh được hiệu quả hoạt động. Các DN khởi nghiệp thường không có tài sản thế chấp nên rất khó vay vốn, nếu chỉ thế chấp bằng ý tưởng lại càng khó. "Không ngân hàng nào dễ dàng giải ngân cho vay với những DN mới thành lập, chưa chứng minh được hiệu quả kinh doanh. Việc góp vốn đầu tư lại càng không" - lãnh đạo ngân hàng này thẳng thắn.

Ngay với các ngân hàng thương mại, để tăng vốn điều lệ cũng phải tốn thời gian tính bằng năm, với đủ giải pháp từ chia cổ tức cho cổ đông bằng cổ phiếu, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ… Mỗi đợt tăng vốn điều lệ của một ngân hàng khoảng vài ngàn tỉ đồng. Ngân hàng thương mại có quy mô lớn nhất hệ thống Việt Nam hiện tại là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng chỉ có vốn điều lệ hơn 40.000 tỉ đồng.

Từ câu chuyện của "siêu DN" đăng ký vốn điều lệ 500.000 tỉ đồng và trước đó là một công ty mới thành lập ở Hà Nội cũng đăng ký vốn lên tới 144.000 tỉ đồng sau đó tìm hiểu mới biết do "ghi nhầm", luật sư Trương Thanh Đức cho rằng cơ quan quản lý cần nghiên cứu bỏ quy định DN phải ghi rõ số vốn điều lệ vào hồ sơ đăng ký thành lập. 

"Bởi con số đăng ký chỉ là ảo, phần vốn góp vào thực tế bao nhiêu mới đúng bản chất của DN. Giờ nếu DN đăng ký vốn điều lệ cả triệu tỉ đồng nhưng sau 90 ngày không góp đủ vốn đã đăng ký hoặc không chỉ đăng ký giảm vốn, mức phạt cao nhất cũng chỉ 20 triệu đồng. Quy định về vốn điều lệ trong đăng ký thành lập DN và về con dấu cũng nên bỏ vì không cần thiết, quan trọng nhất trong hồ sơ thành lập công ty chỉ cần tên DN, mã số thuế, địa chỉ" - Luật sư Trương Thanh Đức góp ý.

Theo nhiều luật sư, ở các nước trên thế giới khi đăng ký thành lập DN cũng chỉ cần ghi tên công ty, mã số thuế và trụ sở (bao gồm cả văn phòng ảo). Vốn điều lệ là yếu tố không cần thiết trong hồ sơ đăng ký thành lập DN, vì quan trọng nhất là mức vốn thực góp và điều này được nêu rõ trong quy định nội bộ của công ty. Quan trọng nhất là số vốn giải ngân, chứ không phải số vốn đăng ký ban đầu.

Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đạt Chí phân tích để lập công ty, huy động vốn triển khai dự án, hoạt động kinh doanh cần có lộ trình, kế hoạch cụ thể, bài bản. Đặc biệt là trong trường hợp muốn huy động vốn từ nhà đầu tư cũng phải cần thời gian, không thể có chuyện trong vòng 90 ngày mà huy động tới 500.000 tỉ đồng vào DN. 

Một số lĩnh vực có điều kiện cụ thể như ngân hàng, bảo hiểm cần đòi hỏi nguồn lực thật "tiền tươi thóc thật" ở thời điểm thành lập, như ngân hàng vốn pháp định tối thiểu hiện tại là 3.000 tỉ đồng. Riêng DN các ngành nghề khác pháp luật không quy định mức vốn điều lệ cụ thể, nhưng cũng không có nghĩa đăng ký con số không khả thi như mức 500.000 tỉ đồng ở trường hợp trên.

Đặt tên thiếu lịch sự

Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM vừa tiếp nhận và đang xem xét một hồ sơ đăng ký thành lập DN mới với tên gọi Công ty TNHH Một Mình Tao. Tên công ty này gây bất ngờ và thu hút sự chú ý của dư luận. Luật sư Trương Thanh Đức cho biết Luật DN không quy định việc các cá nhân, tổ chức phải đặt tên công ty, DN của họ ra sao nên đặt tên như trường hợp trên là không sai. Dù vậy, tên DN cũng thể hiện hình ảnh, sự uy tín, tin cậy nên việc chọn một cái tên thiếu lịch sự... sẽ ảnh hướng đến chính hình ảnh của bản thân DN

 

Theo Thái Phương/NLD

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/thuc-hu-sieu-doanh-nghiep-von-500000-ti-dong-huy-dong-du-von-gop-la-chuyen-khong-tuong-a67333.html