Theo ông Nguyễn Nam Hiền - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh, một trong những thương hiệu bất động sản bị "nhái" nhiều nhất thì dù đã đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhiều doanh nghiệp vẫn bị xâm hại thương hiệu và khi bị xâm phạm thì doanh nghiệp lại không thể bảo vệ được thương hiệu của mình.
Ông Hiền cho biết, những doanh nghiệp đi "mạo danh" thương hiệu thường là các đơn vị nhỏ lẻ, vừa thành lập, lựa chọn một thương hiệu lớn để “dựa hơi”, tên doanh nghiệp hoặc tên dự án để bán hàng.
Không những vậy, các doanh nghiệp cố tình nhái thương hiệu thường có tính toán rất kỹ, tên thương hiệu và cả logo sẽ được "biến tấu" một phần nhỏ, khách hàng khi nhìn qua có thể không phân biệt được với thương hiệu gốc.
Đây chính là cách để các đơn vị này lách luật, bởi theo luật thì việc xâm phạm thương hiệu doanh nghiệp phải là toàn bộ tên doanh nghiệp, kèm logo doanh nghiệp đã đăng ký. Do đó, khi có các điểm khác, dù rất nhỏ nhưng doanh nghiệp mà họ nhái và cơ quan chức năng rất khó để xử lý.
Theo tìm hiểu của phóng viên, thực tế, vấn đề bị mạo danh thương hiệu của các doanh nghiệp địa ốc không còn là ngày một ngày hai. Song, câu chuyện xử phạt đằng sau đó thì lại rất kín tiếng và dường như đang rất ít.
Trong đó, một trong những vụ việc mà doanh nghiệp bị nhái thương hiệu khởi kiện thành công được công bố đó là Công ty CP đầu tư Nam Long (Công ty Nam Long) kiện Công ty CP đầu tư phát triển Nam Long Real (Nam Long Real) sử dụng trái phép và xâm phạm quyền sở hữu với nhãn hiệu “Nam Long” đã được bảo hộ độc quyền.
Theo đánh giá của giới luật sư, việc khởi kiện thành công bởi may mắn được Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ và đại diện Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng thuộc Bộ Công an vào cuộc kịp thời.
Tuy nhiên, mạo danh thương hiệu kinh doanh bất động sản - một loại hàng hóa có giá trị rất lớn nhưng mức xử phạt mà đơn vị mạo danh bị phạt chỉ là 20 triệu đồng và bị buộc chấm dứt sử dụng, loại bỏ yếu tố “Nam Long” hay “Namlong” trên tất cả phương tiện kinh doanh, các biển hiệu, giấy tờ giao dịch mà đơn vị này đang sử dụng trái phép.
Theo các luật sư, mặc dù hành lang pháp lý cho việc bảo vệ tên thương mại và nhãn hiệu đã có nhưng từ thực tiễn, thị trường BĐS nội địa đã từng chứng kiến một số tranh chấp lớn liên quan đến việc vi phạm nhãn hiệu, hình ảnh doanh nghiệp.
Trong khi hiện nay chưa có một văn bản pháp lý nào nói về việc nhà nước bảo vệ thương hiệu, mà chỉ có các đối tượng được quyền sở hữu trí tuệ từ sáng chế, giải pháp hữu ích, thương mại, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, bí quyết thương mại… Hay nói cách khác, trong những trường hợp bị nhầm lẫn thương hiệu, Nhà nước sẽ không thay thế doanh nghiệp trong việc bảo hộ thương hiệu.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM, đây cũng là bài học cho các doanh nghiệp bất động sản, đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”. Ngoài cách tự bảo vệ mình như chủ động đăng ký, bảo hộ thương hiệu một cách chuyên nghiệp; đầu tư vào hoạt động truyền thông xây dựng nhãn hiệu, hình ảnh… thì các doanh nghiệp phải có biện pháp mạnh để xử lý các trường hợp vi phạm sở hữu trí tuệ.