Mất tiền, mất cả bạn bè
Anh Nguyễn Văn Thanh (quê Hà Tĩnh), một viên chức Nhà nước tại Hà Nội có một người bạn học thân cùng quê tên Hưng. Gia đình hai bên cũng coi nhau như người thân, thường xuyên qua lại.
Khoảng giữa tháng 2 vừa qua, Hưng hẹn anh Thanh đi nhậu cùng ba người bạn mới được giới thiệu là những chuyên gia trong kinh doanh bất động sản. Suốt cả buổi, câu chuyện chủ yếu tập trung vào chủ đề đầu tư, sốt đất, lãi khủng.
Một người tên Quang quê Bắc Ninh nhận định, thị trường bất động sản quê anh đang rất “nóng”. Chỉ cần “vứt” vào đất hơn 1 tỷ đồng là “có ngay một hai trăm triệu”. Có ít nhiều máu kinh doanh, nhưng câu chuyện cũng chưa khiến anh Thanh bị lôi cuốn.
Nhưng 2 ngày sau, Hưng mời anh Thanh lên nhà ăn cơm, tiện có “kèo thơm” rủ tham gia. Theo đó, Hưng kể tìm được một lô đất 99m2 tại một dự án tại Yên Phong, Bắc Ninh, giá bán 16 triệu/m2. Nếu mua, 3 tháng nữa bán ra có lãi ít nhất 10%. Vừa nói Hưng vừa đưa cho anh bản lộ trình tăng giá bán của chủ đầu tư.
Thấy thông tin pháp lý dự án và lô đất đầy đủ, lộ trình tăng giá rõ ràng nên anh Thanh quyết định góp 50% vốn (800 triệu đồng), giao kèo nếu có lãi sẽ chia đôi. Do anh bận việc cơ quan nên ủy quyền toàn bộ trách nhiệm cho Hưng, từ đứng tên hợp đồng đến trực tiếp giao dịch, đến khi có lãi thì chia.
Đầu tháng 5, anh vô tình gặp lại Quang, người đã ngồi uống rượu trước đó. Sau một hồi trò chuyện, Quang khoe, cách đây 1 tuần vừa đẩy giúp cho Hưng lô đất hơn 1,8 tỷ đồng tại Bắc Ninh, lãi hơn hai trăm triệu. Anh Thanh nghe vậy không khỏi giật mình bởi tối hôm trước gọi điện hỏi thăm, Hưng vẫn nói lô đất “nhiều khách hỏi nhưng không bán vì chưa được giá”.
Về tới nhà, vội vàng gọi cho Hưng, anh Thanh mới lặng người nghe anh này thú thực đã bán lô đất giá 1,8 tỷ đồng, nhưng do quá kẹt tiền trả nợ nên mượn tạm hai tháng, sau đó “sẽ hoàn trả đầy đủ cả gốc cả lãi”.
Anh Thanh ấm ức: “Lo mất tiền một phần nhưng mất lớn nhất là niềm tin vào người bạn nối khố. Nói về pháp luật là mình thua vì không có cơ sở chứng minh mình đã đưa tiền cho Hưng”, anh Thanh ngậm ngùi chia sẻ.
Sự việc tương tự cũng xảy gia với anh Chiến (Đống Đa, Hà Nội). Tin tưởng vào người bạn thân tên Nam, anh Chiến đã giao không văn tự 1,2 tỷ đồng để mua chung thửa đất 86m2 trên địa bàn huyện Đông Anh.
Sau 2 tháng góp tiền mua chung, hai người xảy ra mẫu thuẫn, anh Chiến quyết định rút lại số tiền góp vốn. Anh đề đạt, một là Nam trả anh 1,2 tỷ đồng để sở hữu toàn bộ lô đất, hai là bán đất được thì lãi chia, lỗ cùng chịu. Nhưng bạn anh nhất quyết không đồng ý. Từ mâu thuẫn nhỏ đến mâu thuẫn lớn, lời qua tiếng lại, dẫn đến xô xát.
Sau đó cả 2 cùng dẫn nhau ra tòa. Do không chứng minh được việc góp vốn đầu tư, trên giấy tờ pháp lý của thửa đất đều mang tên anh Nam nên tòa xử người này thắng kiện. Phần anh Chiến, không những mất hơn 1 tỷ đồng vốn góp mà còn phải bồi thường hơn 30 triệu đồng tiền viện phí và một số phát sinh khác.
Qua điện thoại, anh Nam xác nhận với PV có việc tranh chấp với anh Chiến. Tuy nhiên, việc này tòa đã xử xong, anh không bình luận gì thêm.
Đừng mơ hồ về pháp lý
Anh Thanh, anh Chiến chỉ là 2 trong số rất nhiều trường hợp mất tiền, mất cả tình bạn vì góp vốn đầu tư đất.
Là người từng nhận được đề nghị bảo vệ quyền lợi và tiếp cận hồ sơ nhiều vụ việc tương tự, luật Sư Hoàng Tùng, Trưởng văn phòng Luật sư Trung Hòa chia sẻ, thực tế có nhiều người thân, bạn bè rủ nhau góp tiền đầu tư bất động sản vì lĩnh vực này đòi hỏi một lượng vốn tương đối lớn. Bên cạnh những người hợp tác thành công, thì cũng phát sinh nhiều vụ xảy ra mâu thuẫu, khiếu nại, khiếu kiện.
Khi lựa chọn phương án góp vốn chung để mua nhà đất thì cần lập văn bản thỏa thuận tỉ lệ góp vốn mua nhà đất chung (có công chứng). Hoặc có thể nhờ luật sư ký làm chứng thỏa thuận hoặc lập vi bằng về việc này, nhất là giao nhận tiền. Có như vậy, mới đảm bảo an toàn về mặt pháp lý, tránh rủi ro và tranh chấp về sau. Luật sư Hoàng Tùng |
Qua tư vấn cho nhiều khách hàng, luật sư Tùng nhận thấy, nhiều người còn mơ hồ về pháp lý, chủ quan để xảy ra những việc như: Hai người góp vốn mua một thửa đất nhưng chỉ đứng tên một người trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ); không lập văn bản ghi nhận tỉ lệ vốn góp… Do đó, dễ mất quyền lợi khi một trong các bên không giữ cam kết như “thỏa thuận miệng” ban đầu.
Luật sư Tùng cũng cho biết, theo quy định hiện hành, Nhà nước cho phép trường hợp người mua chung nhà đất đều được đứng tên trên sổ đỏ.
Cụ thể, trường hợp thửa đất có nhiều tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất, thì sổ đỏ được cấp cho từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sau khi đã xác định được quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của từng người.
Trường hợp thửa đất có nhiều tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất mà có thỏa thuận bằng văn bản cấp một sổ đỏ cho người đại diện (có công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật) thì sổ đỏ được cấp cho người đại diện đó. Trên sổ đỏ ghi thông tin của người đại diện theo quy định, nêu rõ nội dung đại diện cho những người cùng có quyền sử dụng đất.
Theo Nguyễn Hùng/Báo Giao thông
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/ngam-dang-vi-chung-tien-buon-dat-a67005.html