Cụ thể, một số hộ cư dân không đồng ý với việc đơn vị quản lý (hiện đang ký hợp đồng với Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Tập đoàn Bắc Hà trong thời gian chưa thành lập được Ban Quản trị) tiến hành hạn chế dịch vụ cung cấp nước cho một số căn hộ đang thuê tại tòa nhà gây xáo trộn cuộc sống, phản ứng với các tình huống khẩn cấp như sự cố thang máy còn chậm, chưa kịp thời.
Nhóm cư dân này cho rằng, mức phí quản lý vận hành chủ đầu tư đưa ra là không minh bạch nên đã không đóng phí từ 01/01 đến nay, đã tổ chức cầm băng rôn phản đối việc hạn chế dịch vụ cung cấp nước cho một số căn hộ đang thuê tại tòa nhà và tổ chức tụ tập đông người tại sảnh M2 của chung cư trong bối cảnh giãn cách chống dịch vào thời điểm chiều tối ngày 12/5.
Mặt khác, một số hộ cư dân cũng yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị quản lý công khai minh bạch các khoản thu chi khi họ cho rằng mức phí đang thu 12,7 nghìn đồng/m2 và phí gửi xe ô tô là khá cao và chưa đầy đủ tiện ích như thông tin giới thiệu khi bán hàng.
Bên cạnh đó, có nhiều khách hàng đã nộp đủ phí dịch vụ bày tỏ quan điểm hài lòng với mức phí và các dịch vụ cung cấp tại toà nhà. Lập luận của nhóm cư dân này cho rằng, việc một số hộ dân không nộp phí dịch vụ khiến đơn vị quản lý vận hành phải hạn chế bớt tiện ích như tắt điều hoà tại khu vực thang máy hay sảnh tòa nhà. Hoặc việc căng băng rôn tại sảnh toà nhà, treo băng rôn tại toà nhà sẽ làm giảm giá trị căn hộ, gây ấn tượng không tốt về một chung cư đang yên ổn và tự hào có vị trí đẹp và tiến độ chất lượng xây dựng và môi trường sống được cộng đồng đánh giá tốt tại khu vực trung tâm Hà Nội.
Bản thân nhóm cư dân này khẳng định không đồng tình với cách làm của nhóm cư dân căng băng rôn, nhóm căng băng rôn này không phải là đại diện cho các cư dân tại tòa nhà. Bản thân nhóm cư dân này cũng khẳng định không tham gia các hoạt động phản đổi và kích động, lôi kéo những hàng xóm khác tham gia và nếu có điểm nào chủ đầu tư chưa thoả đáng sẽ đấu tranh theo hình thức khác, đối thoại và ôn hoà, không gây rối trật tự và làm căng thẳng thêm tình hình.
Về phía chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư cho biết, đơn vị quản lý vận hành tòa nhà đã gửi thông báo tới cư dân về việc thu phí quản lý vận hành tòa nhà kèm bảng cấu thành đơn giá dịch vụ; đã tiến hành hai cuộc Hội nghị nhà chung cư, lần một do chủ đầu tư tổ chức và lần hai do UBND phường Xuân La tổ chức, nhưng bất thành do một nhóm cư dân cố tình phá Hội nghị. Công ty Cổ phần Tập đoàn Bắc Hà đã làm việc với chính quyền địa phương và UBND phường Xuân La đã có báo cáo tình hình với UBND quận Tây Hồ và xin ý kiến chỉ đạo và hướng dẫn để đẩy nhanh quá trình thành lập Ban Quản trị.
Theo chủ đầu tư, sau khi thành lập được Ban Quản trị sẽ bàn giao toàn bộ công việc và tài chính theo quy định của pháp luật. Hiện nay, chính quyền cấp phường đang xem xét yêu cầu của cả cư dân và chủ đầu tư về số lượng thành viên đại diện của các bên tham gia Ban Quản trị. Vẫn có yêu cầu của cư dân chính quyền cấp phường phải xin ý kiến cấp cao hơn như cấp quận hoặc cấp thành phố mới có cơ sở để tiếp tục thực hiện.
Trong điều kiện dịch Covid -19 kéo dài hai năm nay, một số tiện ích của toà nhà như trung tâm thương mại, sky bar từ các đối tác chưa triển khai được là do nguyên nhân bất khả kháng. Nhưng phí dịch vụ được thể hiện rõ trong hợp đồng là những khoản phí trả cho những dịch vụ cơ bản như điện, nước, bảo vệ, vệ sinh, và bộ máy vận hành... Những tiện ích còn thiếu của chung cư không sử dụng chi phí từ nguồn phí dịch vụ thu từ cư dân. Chủ đầu tư đã miền phí 1 năm phí dịch vụ, nhiều hộ gia đình không đóng phí dịch vụ trong 5 tháng liên tục khiến quá trình vận hành quản lý bị ảnh hưởng, và nếu kéo dài tình trạng này, có nguy cơ các nhà cung cấp ngừng dịch vụ.
“Chúng tôi mong nhận được sự hợp tác của cư dân, cùng sự vào cuộc của chính quyền để đẩy nhanh quá trình thành lập Ban Quản trị. Khi có Ban Quản trị chính thức, việc vận hành quản lý sẽ do Ban Quản trị và cư dân cùng quyết định, giải quyết được mâu thuẫn không mong muốn như hiện nay” – đại diện chủ đầu tư nhấn mạnh thêm.
Theo ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, những tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư thời gian đầu bàn giao và thời gian đầu thu phí dịch vụ luôn là vấn đề nóng và trở thành phổ biến. Mỗi bên sẽ có quan điểm, nhận thức và lý lẽ khác nhau, sẽ có cái đúng và có cái sai, nếu các cái sai không gặp nhau thì cuộc đấu tranh mãi cũng không có kết quả và gây phiền hà mệt mỏi kéo dài cho cả hai bên.
Trong bối cảnh đó, biện pháp được các chuyên gia khuyến nghị vẫn là đối thoại trực tiếp, không nên căng thẳng biến các tranh chấp thành các khiếu kiện kéo dài gây căng thẳng cho cả hai bên và không có lối thoát. Kinh nghiệm từ các dự án đã giải quyết xong mâu thuẫn là chủ đầu tư không được trốn tránh và cư dân không được quá khích thì mới giải quyết được tận gốc vấn đề.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Theo Tuấn Anh/Báo Xây dựng