Được biết, dự án đường nút giao Chợ Rộc đến nút giao Phong Hải, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh do UBND thị xã Quảng Yên làm chủ đầu tư; Đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng thị xã Quảng Yên; Tổng mức đầu tư Dự án là trên 625 tỷ đồng. Đơn vị thi công Dự án là liên danh các nhà thầu gồm: Công ty Cổ phần Xây dựng cầu 75, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Công nghiệp 368 và Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu Thăng Long.
Theo đó, Dự án có tổng chiều dài 5,16 km, các hạng mục thi công gồm: phần đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80 km/h và phần cầu được thiết kế mở rộng đoạn Cầu Kim Lăng tại Km0+41,23 có chiều dài 26,1m và cầu vượt sông Chanh tại Km1+304 – Km2+085 kết cấu xây dựng bằng bê tông cốt thép có chiều dài 770,25m.
Thời gian gần đây Toà soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam liên tục nhận được phản ánh của người dân về việc đơn vị thi công có dấu hiệu sử dụng đất lậu, đất không có nguồn gốc, hoá đơn để san lấp, thi công các công trình tại Dự án. Cụ thể:
Theo anh Nguyễn Văn Q cho biết: Qua tìm hiểu tôi được biết để thi công Dự án trên phía đơn vị thi công phải sử dụng một lượng lớn đất để san lấp mặt bằng, và nguồn gốc đất hợp pháp để sử dụng thi công tại Dự án được lấy từ mỏ nghĩa trang Minh Phúc.
Thế nhưng, trên thực tế liên danh các nhà thầu thi công Dự án đã lấy đất từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó một lượng lớn đất được vận chuyển từ Thành phố Hạ Long về đưa vào san lấp công trình là trái quy định. Bởi lẽ, theo tìm hiểu của chúng tôi thì những vị trí khai thác đất tại đây đều không được cấp phép khai thác, tận thu nên sẽ không có hoá đơn, chứng từ hợp lệ.
Câu hỏi đặt ra là nguyên nhân tại sao đơn vị thi công Dự án lại không sử dụng nguồn đất hợp pháp tại mỏ nghĩa trang Minh Phúc, mà lại sử dụng nguồn “đất tặc” trên. Câu trả lời chính là nguồn lợi nhuận khổng lô mà doanh nghiệp được hưởng khi đưa đất lậu, đất không có nguồn gốc vào thi công Dự án.
Trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam, chủ một doanh nghiệp lớn ở tỉnh Quảng Ninh (đề nghị dấu tên) chuyên kinh doanh VLXD, chủ yếu là đất, cát cho biết:
Hiện nay trên thị trường thì đơn giá đất có nguồn gốc, hoá đơn hợp pháp sẽ cao hơn rất nhiều so với giá đất không có hoá đơn. Một khối đất có hoá đơn doanh nghiệp thu về dưới 20.000 đồng, nhưng đất lậu, đất không có hoá đơn doanh nghiệp thu về khoảng 50.000 đồng. Như vậy, nếu sử dụng hạng vạn khối đất không rõ nguồn gốc để thi công Dự án, thì doanh nghiệp sẽ thu lợi bất chính với một số tiền khổng lồ mà không phải nộp thuế cho nhà nước.
Trước tình trạng trên, nhóm PV đã có nhiều ngày bám theo đoàn xe tải vận chuyển đất từ Thành phố Hạ Long về thi công tại Dự án. Kết quả cho thấy thông tin người dân phản ánh là có cơ sở.
Cụ thể, tại hiện trường, PV ghi nhận được một số xe tải tham gia vận chuyển đất như: 29C-739.21, 23C-017.18, 14C-196.73, 23C-477.88, 14C-234.00,… đoàn xe tải này đã lấy đất từ nhiều vị trí khác nhau trên địa bàn Thành phố Hạ Long như: khu vực đồi Hương Trầm và các khu 6, khu 7, khu 10 của phường Bãi Cháy sau đó vận chuyển về san lấp phục vụ thi công Dự án.
Trong một diễn biến khác, sau khi thu thập thông tin trên PV Môi trường và Đô thị Việt Nam đã liên hệ với các cơ quan chức năng Thị xã Quảng Yên phối hợp cung cấp thông tin để làm rõ nội dung người dân phản ánh ở trên.
Ngoài ra, để tránh thất thoát nguồn tài nguyên đất, thất thu ngân sách nhà nước chúng tôi kính đề nghị các cơ quan chức năng có liên quan của tỉnh Quảng Ninh, Thị xã Quảng Yên và chính quyền Thành phố Hạ Long vào cuộc xác minh, điều tra làm rõ vụ việc.
Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.
Theo Thái Quảng - Đặng Phụng/MT&ĐT
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/quang-ninh-mot-du-an-tram-ty-bi-to-tieu-thu-dat-lau-a66907.html