Biến tướng huy động vốn, 2 công ty chứng khoán bị xử lý

Trước tình trạng các công ty chứng khoán (CTCK) biến tướng huy động vốn dưới hình thức hợp tác đầu tư, tiết kiệm tiền gửi, Bộ Tài chính đã yêu cầu CTCK MB, CTCK VNDirect giải trình và dừng thực hiện dịch vụ.

Thời gian qua, báo chí đã phản ánh tình trạng các CTCK biến tướng huy động vốn, vi phạm nghiêm trọng các quy định của nhà nước, dưới các hình thức hợp tác đầu tư, tiết kiệm tiền gửi,…. Nhiều chuyên gia cho rằng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phải thanh kiểm tra và yêu cầu các CTCK chấm dứt ngay dịch vụ trên để tránh rủi ro phát sinh.

Trả lời vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết đã có văn bản yêu cầu CTCK MB, CTCK VNDirect báo cáo, giải trình về nội dung phản ánh của báo chí nói trên và đã có văn bản yêu cầu CTCK MB dừng thực hiện dịch vụ.

Đối với CTCK VNDirect, Bộ Tài chính sẽ có xử lý tương tự sau khi nhận được ý kiến giải trình và tổ chức kiểm tra hoạt động một số CTCK khác.

Cụ thể, CTCK MB (MBS) có dịch vụ “Hợp tác kinh doanh chứng khoán” áp dụng cho cá nhân lẫn tổ chức. Lãi suất cao nhất 12 tháng lên 7,3%/năm. CTCK VNDirect đang triển khai dịch vụ dạng tiết kiệm tiền gửi, hoạt động tương tự ngân hàng. Công ty này quảng cáo các kỳ hạn linh hoạt từ 1 tuần – 360 ngày, lãi suất lên đến 6.5%/năm. Nhà đầu tư có thể thực hiện dịch vụ này ngay trên nền tảng giao dịch chứng khoán của MBS và VNDirect.

Trong phụ lục hợp tác kinh doanh chứng khoán, CTCK MB giải thích, giá trị góp vốn là khoản tiền của khách hàng góp vốn có kỳ hạn tại MBS nhằm mục đích hợp tác kinh doanh chứng khoán. Tại từng thời kỳ, MBS có thể đưa ra quy định giá trị góp vốn tổi thiểu với cá nhân và tổ chức khác nhau.

Sáng nay (5/5), trang thông tin giới thiệu 2 dịch vụ trên của CTCK MB và CTCK VNDirect không còn truy cập được.

Luật Chứng khoán 2019 quy định, các CTCK chỉ được phép thực hiện 4 dịch vụ gồm: Môi giới, tự doanh, bảo lãnh phát hành và tư vấn đầu tư chứng khoán. Theo đó, CTCK phải quản lý tách bạch tiền gửi giao dịch của từng khách hàng, tách bạch tiền của khách hàng với tiền của mình, không được trực tiếp nhận và chi trả tiền mặt để giao dịch chứng khoán của khách hàng mà phải thực hiện qua ngân hàng thương mại hay các giao dịch liên quan đến tiền của khách hàng chỉ được phép thực hiện theo quy định của pháp luật...

Chưa có phương án tiếp tục nâng lô giao dịch

Ở góc độ khác, nhiều nhà đầu tư vẫn lo việc ông Lê Hải Trà, Tổng Giám đốc HoSE lại mới giải thích với giới truyền thông rằng nếu nâng lô tối thiểu lên 1.000 áp dụng với các cổ phiếu có thị giá dưới 30.000 đồng sẽ giúp giảm hơn 20% số lượng lệnh hiện nay; từ đó góp phần giảm tắc nghẽn cho HoSE. Trước đó, giải pháp tăng lô lên 1.000 bị Bộ Tài chính bác bỏ. Trong khi đó, theo TS. Hồ Quốc Tuấn, giảng viên Đại học Bristol, Anh, xu thế chung của thị trường chứng khoán thế giới là giảm lô giao dịch tối thiểu về 1 cổ phiếu hoặc thấp hơn.

Bộ Tài chính (UBCKNN) khẳng định, chưa có phương án tiếp tục nâng lô giao dịch. Giải pháp nâng lô giao dịch lên 100 cổ phiếu là giải pháp tạm thời để giải quyết sự cố, giảm thiểu tình trạng nghẽn lệnh và hạn chế thiệt hại cho đại đa số nhà đầu tư trên thị trường, có lợi cho tổng thể thị trường. Nhà đầu tư có thể thỏa thuận với các CTCK để bán các cố phiếu lô lẻ (nếu có).

 

Theo Việt Linh/Tiền phong

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/bien-tuong-huy-dong-von-2-cong-ty-chung-khoan-bi-xu-ly-a66817.html