Hòa Bình: Đại công trình xây dựng bê tông hóa đất rừng đỉnh Cun

Vẽ dự án khu trang trại nông, lâm nghiệp kết hợp du lịch sinh thái, Công ty Anh Đặng 'xẻ thịt' đất rừng, xây dựng đại công trình làm biến dạng địa hình tự nhiên.

121-1619410907.JPG

Đại công trình được Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Anh Đặng xây dựng chui trên đất rừng sản xuất tại khu vực đỉnh Cun. Ảnh: Minh Phúc

Đại công trình không phép

Dốc Cun – một dốc núi dài 7km một bên là vách núi, một bên là vực sâu. Dưới chân đỉnh Cun là nơi cư ngụ của hàng triệu người dân thành phố Hòa Bình và huyện Cao Phong. Bởi vậy, nếu xảy ra thiên tai, nhất là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở khu vực này thì sẽ gây tác động to lớn đến đời sống kinh tế - xã hội.

Nhưng giờ đây, dốc Cun không còn giữ được vẻ hoang sơ như ngày nào. Những công trình bê tông cốt thép; kè đá trắng xóa mọc "chui" trên đất rừng sản xuất đã hiện ra trên những đỉnh/sườn đồi, loang lổ như những vạt áo vá.

Vậy ai đã “khai tử” những đồi keo và bạch đàn để bê tông hóa thảm xanh của rừng?

Suốt 3 năm qua, các phương tiện cơ giới rầm rập đổ bộ lên khu vực đỉnh Cun để mở đường bê tông, phá núi, đào đất và tạo thành những đường đồng mức giật cấp. Trên dông đồi bằng phẳng có độ cao 298,8m, với tầm nhìn phóng khoáng ra thành phố Hòa Bình, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Anh Đặng đã triệt hạ cây cối, cạo trọc vạt rừng, san ủi mặt bằng với diện tích rất lớn.

Xe chở đá hộc, xi măng, sắt thép rầm rập được chuyển tới công trường để kè ta luy; kiến tạo một khu du lịch sinh thái có đẳng cấp, dự kiến bao gồm nhà nghỉ phục vụ khách thăm quan; biệt thự nghỉ dưỡng, khu nhà ở cho nhân viên phục vụ, hồ bơi và các hạ tầng kỹ thuật,...

Ông Lê Ánh Thép – Phó Chủ tịch UBND phường Thống Nhất, thành phố Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) cho biết: Chủ đầu tư là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Anh Đặng bắt đầu cho thi công dự án này từ năm 2017. Theo đề án đơn vị trình là 198ha, trong đó có 6,3ha là khu vực xây dựng cơ sở hạ tầng.

122-1619410907.JPG

Tại dự án Kami Cun Hill của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Anh Đặng, những hạ tầng cơ bản đã được kiến thiết xong, thậm chí ngôi nhà lớn có cửa sổ kính đã hình thành. Ảnh: Minh Phúc

Hiện nay, dự án này chưa được UBND tỉnh Hòa Bình và các đơn vị liên quan chấp thuận cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sản xuất sang mục đích khác. Đồng thời, chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư dự án; chưa được cấp phép xây dựng. Vậy nhưng, suốt 3 năm qua, chủ đầu tư vẫn ngang nhiên xẻ thịt đất rừng, xây dựng công trình “khổng lồ” bất chấp quy định của pháp luật.

Coi thường pháp luật!

Trước đó, sau khi nghe thông tin của quần chúng nhân dân phảnh ánh về việc có tình trạng thi công xây dựng nhà trên đất rừng sản xuất tại khu vực đỉnh Cun, ngày 19/3/2019, tổ công tác của UBND xã Thống Nhất (nay là phường Thống Nhất) đã lên hiện trường kiểm tra thực tế.

Biên bản kiểm tra hiện trường nêu rõ: “Qua kiểm tra việc xây dựng là hoàn toàn có thật. Hiện nay công trình đổ khung cột bê tông cốt thép, mái đã đổ bê tông trên 2/3 diện tích công trình.... Tại buổi làm việc, đơn vị thi công không xuất trình được bất kỳ giấy tờ gì liên quan đến việc xây dựng công trình”.

Đoàn kiểm tra yêu cầu đơn vị thi công ngừng ngay việc xây dựng công trình và đề nghị ông ĐặngTuấn Anh (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Anh Đặng)  – Chủ đầu tư công trình phải mang tất cả giấy tờ liên quan đến việc xây dựng công trình và quyền sử dụng đất đến xã Thống Nhất để xem xét, giải quyết (trong vòng 3 ngày, kể từ ngày 19/3/2019), tuy nhiên ông  không chấp hành.

123-1619410907.JPG

Ai đi Quốc lộ 6 qua đoạn dốc Cun cũng thấy cảnh tượng này, nhưng kỳ lạ là chính quyền thành phố Hòa Bình và tỉnh Hòa Bình vẫn để công trình tồn tại. Ảnh: Minh Phúc

Theo biên bản vi phạm hành chính ngày 21/3/2019 của UBND xã Thống Nhất, ông Đặng Tuấn Anh đã có hành vi xây dựng công trình kiên cố trên đất rừng sản xuất; san múc đất rừng đồi không phép.

Chính quyền xã yêu cầu chủ đầu tư phải tự phá dỡ công trình xây dựng trong thời hạn 10 ngày kể từ khi lập biên bản, nếu ông ĐặngTuấn Anh không thực hiện yêu cầu nêu trên thì bị đình chỉ thi công xây dựng công trình vi phạm.

Tuy nhiên, ông ĐặngTuấn Anh có dấu hiệu coi thường pháp luật. Cụ thể, kể từ ngày 2/4/2019 đến 25/6/2019, UBND xã Thống Nhất đã nhiều lần liên hệ với ông ĐặngTuấn Anh qua số điện thoại 0989878XXX nhưng không thể liên lạc được để yêu cầu ông ĐặngTuấn Anh chấp hành theo biên bản vi phạm hành chính ngày 21/3/2019.

124-1619410907.JPG

Công ty Anh Đặng cho thi công san ủi, phá núi trên đỉnh Cun với độ cao hàng trăm mét, có địa hình rất dốc để làm đường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão. Ảnh: Minh Phúc

Đặc biệt, chủ đầu tư không những không phá dỡ công trình xây dựng không phép mà còn tiếp tục đổ bê tông đường đi lối lại trong khu vực san hạ mặt bằng, tạo cảnh quan, dài khoảng 2.500m.

Chính quyền cấp tỉnh, thành phố làm ngơ?

Liên quan đến công trình xây dựng trái phép trên, ông Lê Ánh Thép – Phó Chủ tịch UBND phường Thống Nhất cho biết: “Phường có lập hồ sơ, báo cáo thành phố rồi, nhưng tỉnh với thành phố chủ trương là thu hút doanh nghiệp về địa phương... Xã báo cáo lên thì thành phố cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp”. “Các dự án to kiểu này không bao giờ quan tâm đến cấp xã đâu”.

Cũng theo ông Thép, nếu sử dụng đất sai mục đích thì cấp xã được phạt đến 5 triệu đồng; xây dựng trái phép thì được phạt đến 10 triệu đồng, đó chỉ là thủ tục hành chính thôi.

Khi tiếp cận hồ sơ vụ việc, chúng tôi nhận thấy chủ đầu tư – Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Anh Đặng đã đổi tên dự án từ “Khu du lịch – trang trại nông nghiệp Happy Farm” thành dự án “Khu trang trại nông, lâm nghiệp kết hợp du lịch sinh thái Kami Cun Hill”.

Theo văn bản UBND xã Thống Nhất gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư Hòa Bình ngày 26/12/2019, vị trí đầu tư dự án Khu trang trại nông, lâm nghiệp kết hợp du lịch sinh thái Kami Cun Hill của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Anh Đặng là đất lâm nghiệp theo bản đồ Quy hoạch rừng giai đoạn 2017 – 2025, định hướng đến năm 2030. Dự án chiếm 3/4 diện tích trên địa bàn xã Thống nhất, thuộc rừng sản xuất của một số hộ dân quản lý, sử dụng.

Đối với tác động tiêu cực của dự án về ảnh hưởng ô nhiễm môi trường, UBND xã Thống Nhất cho biết, khu vực xây dựng dự án nằm trên dông đồi, sườn đồi có độ dốc lớn, đầu nguồn của hai con suối nhỏ chảy về suối cái trên địa bàn xã Thống Nhất rồi đổ ra địa phận phường Thái Bình, xã Dân Chủ, xã Sủ Ngòi ra sông Đà qua địa phận dân cư sinh sống rất đông.

Từ những thông tin trên, có thể thấy, dự án không chỉ tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường nếu không có biện pháp xử lý nước thải, mà còn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất; làm biến dạng địa hình dẫn đến nguy cơ lũ ống, lũ quét đe dọa an toàn cho thành phố Hòa Bình.

Theo Minh Phúc/Nông nghiệp

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/hoa-binh-dai-cong-trinh-xay-dung-be-tong-hoa-dat-rung-dinh-cun-a66688.html