Aqua Clinic hoạt động “thách thức” cơ quan chức năng?
Ngày 30/10/2019, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM xử phạt 35 triệu đồng đối với Công ty TNHH MTV Thương mại Thủy Lộc (511/14 Huỳnh Văn Bánh,phường 14, quận Phú Nhuận, TP.HCM) do vi phạm tại Chi nhánh công ty TNHH MTV Thương mại Thủy Lộc (67 Nguyễn Trãi, phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM) với hành vi quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định.
Và từ đó đến nay, rất nhiều lần Aqua Clinic bị báo chí “phanh phui” về những hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ không phép. Tuy vậy, có vẻ việc nhận “án phạt” quá nhẹ so với lợi nhuận được mang lại, cơ sở có mác chăm sóc da này vẫn đang “chây lỳ”, tiếp tục “ngựa quen đường cũ” khi quảng cáo, tư vấn nhận thực hiện các hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ liên quan đến “dao kéo”.
Như Thương hiệu và Pháp luật đã thông tin ở bài viết “Thẩm mỹ viện Aqua Clinic: Phẫu thuật thẩm mỹ không phép “núp bóng” mác Spa chăm sóc da?”
Trong vai khách hàng, PV tìm đến địa chỉ 79 Trần Hưng Đạo, quận 1, TP.HCM để được tư vấn về dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ.
Tại đây, nữ bác sĩ trạc 25 tuổi mang bảng tên Võ Mai bắt đầu kiểm tra phần mặt và tư vấn cho chúng tôi: “Việc 2 phần cơ cánh không đều, mình sẽ điều trị bằng cách mình tiêm botox vào vị trí đó. Botox thì không có tác dụng vĩnh viễn đâu, chỉ có tác dụng tạm thời tầm 6 đến 7 tháng. Botox thì bên em có 2 loại, một loại của Đức và 1 loại của Hàn, giá hơi chênh lệch nhau 1 xíu, loại của Đức thì được xem là loại tốt nhất hiện nay rồi…Còn đối với botox của Hàn thì vẫn tốt… Tuy nhiên, khách hàng sợ “lờn thuốc” thì đa số sẽ chọn botox của Đức…”.
Sau khi tư vấn về dịch vụ thẩm mỹ tiêm botox, nữ bác sĩ này tiếp tục trình bày thêm về các dịch vụ truyền trắng, căng chỉ nâng cơ, căng chỉ colagen…
Cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ
Theo thông tin tìm hiểu của PV, cơ sở Aqua Clinic (79 Trần Hưng Đạo, phường Cầu Ông Lãnh, quận 1) hoạt động theo Giấy phép số 05608/ HCM- GPHĐ, người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật là bà Lê Thị Nhãn, hình thức tổ chức là Phòng khám chuyên khoa da liễu do Sở Y Tế TP.HCM cấp năm 2018 cho Chi nhánh Công ty TNHH MTV Thương mại Thủy Lộc, do ông Lê Thanh Pôn làm Giám đốc. Trong danh mục kỹ thuật mà Sở Y tế TP.HCM cấp phép cho TMV Aqua Clinic không hề cho phép đơn vị này sử dụng “dao kéo” can thiệp lên thân thể khách hàng.
Điều 37 Nghị định 109/2016/NĐ-BYT cũng quy định rõ cơ sở dịch vụ thẩm mỹ chỉ được thực hiện các hoạt động xăm, phun, thêu trên da, không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm… Cũng theo quy định tại khoản 2 điều này, các dịch vụ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể, xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm bắt buộc phải thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ hay cơ sở khám chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Danh mục kỹ thuật do Sở Y tế cấp phép cho Aqua Clinic và quy định hiện hành của Bộ Y tế đã rõ. Vậy, lý do gì để Aqua Clinic vẫn tỏ ra ngang nhiên khi vô tư quảng cáo, tư vấn các dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ xâm lấn? Phải chăng các cơ quan chức năng đầu ngành vẫn chưa vào cuộc mạnh mẽ khiến các cơ sở thẩm mỹ không phép này vẫn sống trong vỏ bọc “spa chăm sóc da” một cách hoàn hảo?
PV Thương hiệu và Pháp luật đã cung cấp toàn bộ hình ảnh, clip ghi nhận được tại TMV Aqua Clinic đến cơ quan chức năng. Với tinh thần thượng tôn pháp luật và bảo vệ sức khỏe người dân, kính đề nghị các các đơn vị có thẩm quyền nhanh chóng vào cuộc xử lý nếu cơ sở thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ không phép.
Thương hiệu và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin!
Theo Tràng Giang/TH&PL
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/aqua-clinic-phau-thuat-tham-my-khong-phep-ngua-quen-duong-cu-a66663.html