Được giới thiệu là “Cơ sở đào tạo của tập đoàn Aptech Ấn Độ”, với tên gọi trường Đào tạo Mỹ thuật Truyền thông Đa phương tiện Arena Multimedia Thủ Đức – Max Arena (gọi tắt là Arena Thủ Đức) - một đơn vị nhượng quyền của tập đoàn Aptech Ấn Độ, đã chiêu sinh hàng trăm học viên mỗi năm nhưng lại tắc trách, khiến nhiều người dù theo học nhiều năm vẫn không hoàn thành khóa học.
Cam kết 2 năm nhưng 5 năm chưa tốt nghiệp
Tháng 8 năm 2015, Với dự định khóa học 2 năm đào tạo Kỹ sư thực hành quốc tế ngành Multimedia (ADIM), em G.T.B mang ước mơ của bản thân cùng hi vọng của gia đình bước chân vào khóa học đầy hoa mỹ của Arena Thủ Đức, nhưng chỉ sau một khóa học, em B. đã phải thất vọng vì chất lượng, thái độ của trung tâm này không như lời quảng cáo.
“Họ (Arena Thủ Đức) cam kết hoàn thành khóa học 2 năm, học viên sẽ được nhận bằng Advanced Diploma in Multimedia tương đương kỹ sư thực hành quốc tế ADIM do Aptech Ấn Độ cấp có giá trị toàn cầu nhưng khi tham gia khóa học được một kì, việc học của bọn em đã phải dang dở vì trường … không tổ chức thi Portal” B. cho biết.
Các học viên giải thích thi Portal là việc học viên sau khi hoàn thành đồ án từng học phần của một học kì, sẽ bắt buộc phải tham gia bài trắc nghiệm trên máy tính do phía Ấn Độ ra đề và chấm thi. Lúc đó mới xem như kết thúc học kì đó.
Học viên T.D chia sẻ: “E được thi portal kì 1 vào cuối tháng 1 năm 2017, kì 1 có bảng điểm của trung tâm in ra, kể từ kì 2 thì thầy cô bộ môn cho biết điểm tại lớp, một số môn không thấy báo điểm và cũng không có bảng điểm, kể cả điểm báo cáo đồ án cũng không thấy gì”.
Việc học và thi bị gián đoạn, tuy nhiên học phí của những học viên này lại phải thực hiện đầy đủ, theo như được biết, số tiền người bỏ ra từ 40-64 triệu đồng cho mỗi khóa học.
Muôn vàn lý do để không tổ chức học và thi
Các học viên cũng cho biết, việc học và thi bị ảnh hưởng một phần do công tác chuẩn bị của phía trung tâm vì trong quá trình học, nơi học đã thay đổi.
Theo em L.N.T.T thì, em bắt đầu từ tháng 7/2017, lúc nhập học thì trường còn ở cơ sở Võ Văn Ngân. Sau được nửa học kì 1 thì chuyển về Chung cư Linh Trung ở Thủ Đức. Đến kì thứ 3 thì lại chuyển sang 1 phòng học bên trường Đại học Văn hóa ở quận 9, sang học kì 4 lấy lí do là dịch bệnh nên đã cho học viên đăng kí và học online. Trong quá trình học thì T. và lớp đã bị gián đoạn rất nhiều, bị trì hoãn nhiều lần. Học viên luôn luôn là người phải chủ động liên lạc trước mà không có một ai bên công tác của trường liên hệ báo về việc học.
Dù cam kết Arena Thủ Đức là chi nhánh tại Việt Nam được Arena Ấn Độ trực tiếp tham gia điều hành, tuy nhiên, khi học viên đề nghị trung tâm lý giải việc nhiều lần trì hoãn thi, ông Bùi Văn Nam – Giám đốc Arena Thủ Đức luôn hứa hẹn, thậm chí đổ lỗi cho hệ thống.
“Khóa học của em khi được tư vấn nhập học hứa hẹn giao động từ 2 năm đến 2.5 năm, nhưng em vừa hoàn thành chuyện học từ tháng 08-2020 tức là 3 năm 1 tháng. Trong quá trình học em chưa từng được thi porto cũng như chưa từng biết về bảng điểm của mình, Thầy Nam chỉ hứa hẹn sẽ sắp xếp cho tụi em sớm do mã số học sinh bên Ấn Độ hoặc do mạng của trường” Học viên K.K.L bức xúc.
Đã nhiều lần liên hệ với Giám đốc Arena Thủ Đức – ông Bùi Văn Nam (thầy Nam), nhưng không được giải quyết thỏa đáng, nhiều học viên cảm thấy chán nản, người thôi học, người xin chuyển qua trung tâm khác và bắt đầu học lại từ đầu.
Dữ liệu của học viên không tồn tại trên hệ thống
Để làm rõ vụ việc, chúng tôi đã liên hệ với Arena Multimedia, vị đại diện của đơn vị này cho biết vụ việc lùm xùm của Arena Thủ Đức phía trường cũng rất quan tâm, tuy nhiên do đây chỉ là một đơn vị nhượng quyền của tập đoàn Aptech Ấn Độ, mà đơn vị nhượng quyền ở Việt Nam lại rất nhiều, không thuộc phía trường quản lý nên không thể nắm rõ tình hình cụ thể.
Tuy nhiên vị đại diện này lại tiết lộ: “Nhiều học viên sau khi trung tâm Arena Thủ Đức gặp vấn đề đã chuyển qua Arena Multimedia học tuy nhiên việc học và nộp tiền học phí sẽ phải thực hiện lại từ đầu, bởi vì quá trình học, thi Portal của học viên đó không hề tồn tại trên hệ thống chủ của Ấn Độ”.
Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã thử liên hệ nhiều lần, từ số đường dây nóng, trang web của trường (arena-multimedia.com.vn), cũng như số điện thoại của ông Bùi Văn Nam dùng để liên hệ với các học viên nhưng đều không được.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi và cập nhật thông tin tới bạn đọc./.
Theo Đình Thu - Khánh Toàn/Pháp luật plus
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/nhieu-hoc-vien-keu-cuu-vi-khoa-hoc-2-nam-nhung-5-nam-van-chua-duoc-tot-nghiep-a66640.html