Tiêm truyền dịch làm đẹp da ẩn chứa nhiều rủi ro chị em nên cân nhắc

Hiện nay phương pháp tiêm truyền dịch làm đẹp da không còn xa lạ với phái đẹp. Tuy nhiên theo các chuyên gia, phương pháp này tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Hiện nay phương pháp tiêm truyền dịch làm đẹp da không còn xa lạ với phái đẹp. Tuy nhiên theo các chuyên gia, phương pháp này tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Hiện nay nhu cầu làm đẹp da của phụ nữ rất lớn. Việc tiêm, truyền dịch làm trắng sáng da không còn xa lạ với nhiều chị em. Họ tự mua thuốc, tự nhờ người đến nhà tiêm truyền mà chưa hiểu rõ công dụng cũng như các tác dụng phụ có thể gặp phải khi sử dụng các dịch truyền này.

Trong đó, loại thuốc và dung dịch dùng để tiêm truyền cho da trắng đẹp được mọi người thường dùng là vitamin C liều cao, dung dịch nước hoa quả, hỗn dịch vitamin C kết hợp với các chất khác như glutathione, acid alpha lipoic (ALA), collagen…

Trong lĩnh vực làm đẹp, vitamin C là một chất dinh dưỡng chống oxy hóa rất mạnh có tác dụng chống lão hóa, làm đẹp da và hạn chế các bệnh do thoái hóa gây ra. Vitamin C giúp duy trì vẻ đẹp và gia tăng tuần hoàn máu, lấy đi oxygen hoạt hóa, ngăn chặn lão hóa da. Vitamin C cũng làm mờ sạm da, làm mờ đốm nâu và vết nám, do vitamin C có tác dụng ngăn chặn sự hình thành và làm mờ sắc tố melanin. Vitamin C đóng vai trò quan trọng trong quá trình tổng hợp collagen.

Do những công dụng trên nên vitamin C được nhiều người tin cậy và dùng bổ sung như một biện pháp làm đẹp hữu hiệu. Tuy nhiên việc sử dụng phải theo chỉ định bác sĩ, có lộ trình dùng thuốc cụ thể, hợp lý, không dùng bừa bãi sẽ gây ra nhiều tác dụng phụ không mong muốn.

Việc tiêm truyền dịch làm trắng da tiềm ẩn nhiều nguy cơ nên cân nhắc trước khi áp dụng. Ảnh minh họa)

Không phải trường hợp nào cũng truyền được nước hoa quả

Nước hoa quả là một dung dịch chứa các vitamin tổng hợp, được nhiều cơ sở làm đẹp thổi phồng công dụng có thể giúp làn da tươi sáng hơn, giúp ăn ngon ngủ kỹ, khỏe mạnh,... Thực chất, việc truyền dung dịch nước hoa quả được bác sĩ chỉ định cho những trường hợp kiệt sức, mất cân bằng hoặc thiếu vitamin trầm trọng, hoặc không ăn uống được gì, cơ thể không hấp thụ được thức ăn.

Không phải trường hợp nào cũng truyền được nước hoa quả. Ngay cả việc đưa các dưỡng chất vào cơ thể qua đường tĩnh mạch cũng phải hết sức cân nhắc và phải được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám, chỉ định.

Việc truyền nước hoa quả làm đẹp da có thể dẫn tới dư thừa vitamin gây ảnh hưởng tới gan và thận

Cần nhớ là các sản phẩm tiêm truyền cho người đều phải đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định và phải được sản xuất tại các cơ sở đạt tiêu chuẩn và được cơ quan quản lý công nhận. Vì bất kỳ thuốc nào khi đưa vào cơ thể (đặc biệt là theo đường tĩnh mạch) đều có thể gây ra dị ứng hoặc sốc phản vệ.

Khi không có chỉ định của bác sĩ, việc truyền nước hoa quả để đẹp da là không cần thiết. Dung dịch nước hoa quả dùng để truyền cho người bệnh để bổ sung một số loại vitamin B, C, A... Nó không phải là “thần dược” để "cải lão hoàn đồng” như mọi người lầm tưởng. Truyền nhiều sẽ dẫn đến dư thừa vitamin, khiến gan, thận phải hoạt động quá tải, cơ thể không hấp thụ hết thì sẽ đào thải gây lãng phí tiền bạc.

Có thể gây nghiện và rối loạn tiêu hóa

Một số người tiêm truyền vitamin C liều cao, lâu dài (có khi 2-3 tháng) với hy vọng làm đẹp da, chống sạm nám da sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ cho sức khỏe. Nhiều trường hợp thay vì tiêm, họ chuyển sang uống vitamin C liều cao cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ. Dùng vitamin C thường xuyên (như uống viên sủi, ngậm kẹo vitamin C) sẽ làm cho cơ thể quen đi, khi không dùng sẽ có các triệu chứng do thiếu vitamin C.

Nếu dùng liều cao (1.000mg vitamin C mỗi ngày) kéo dài có thể gây rối loạn tiêu hóa (nóng rát dạ dày, tiêu chảy), gây hiện tượng thừa sắt, giảm độ bền của hồng cầu, ở người thiếu men G6PD còn có thể bị tán huyết. Mặt khác, dùng liều quá cao vitamin C trên 2g/ngày kéo dài trong nhiều tháng có thể gây ra một số bệnh như viêm loét dạ dày, viêm bàng quang và đường tiết niệu do tác dụng kích ứng trực tiếp của vitamin C lên niêm mạc. Nguy hại hơn là uống liều cao vitamin C có thể gây mất ngủ, làm tăng oxalate canxi trong nước tiểu, những tinh thể này sẽ lắng đọng tại thận tạo thành sạn thận, ức chế bài tiết insulin, gây tổn thương thận và tăng huyết áp.

Chưa có bằng chứng khoa học việc tiêm truyền dịch có thể làm da sáng lên

Cần đặc biệt lưu ý cho những ai muốn làm đẹp bằng tiêm, truyền cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu khoa học kiểm chứng việc tiêm tĩnh mạch hay tiêm bắp chế phẩm nào đó sẽ cho tác dụng làm trắng da, đẹp da, kể cả vitamin C. Nếu phân tích và hiểu kỹ, việc dùng vitamin hay các chế phẩm kết hợp tiêm truyên tĩnh mạch cho mục đích đẹp da chỉ chuốc lấy nguy hiểm hơn là đạt lợi ích nào đó về mặt sức khỏe.

Nguy cơ nhiễm bệnh qua đường tiêm chích

Truyền dịch còn chứa nhiều nguy cơ khác như: lây bệnh qua đường tiêm chích, sốc dịch truyền gây rối loạn chuyển hoá. Hơn nữa, không phải trường hợp nào cũng truyền được dịch. Nó phụ thuộc rất nhiều vào thể trạng người được truyền, huyết áp... Chưa kể việc sử dụng không đúng cách hay tự ý tiêm truyền tại nhà là rất nguy hiểm, nguy cơ sốc phản vệ rất lớn, ảnh hưởng đến tính mạng người sử dụng. Trường hợp cần truyền dịch phải được thực hiện ở cơ sở y tế có đủ điều kiện và các phương tiện cấp cứu đề phòng trường hợp xấu xảy ra.

Có thể gây ung thư

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Thái, Bệnh viện Việt Nam – Cuba (Hà Nội), tiêm trắng da là biện pháp truyền trực tiếp một số chất cần thiết như vitamin, khoáng chất hay các loại dược phẩm vào máu hoặc dưới da nhằm làm “gãy” các tế bào có nhiều sắc tố đen để da sáng hơn. Tuy nhiên, các sắc tố da có tác dụng chống lại các tia tử ngoại, nếu phá vỡ nó sẽ có nguy cơ ung thư da cao.

Theo An Dương (T/h)/Vietq

http://vietq.vn/tiem-truyen-dich-lam-dep-da-an-chua-nhieu-rui-ro-d185712.html

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/tiem-truyen-dich-lam-dep-da-an-chua-nhieu-rui-ro-chi-em-nen-can-nhac-a66433.html