Hà Nam: Người dân lo ngại trước tiến độ thực hiện dự án Tổ hợp các dịch vụ thương mại và bến xe trung tâm tỉnh

Dự án Tổ hợp các dịch vụ thương mại và bến xe trung tâm tỉnh Hà Nam được chỉ định thầu cho Tổng Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Hải Sơn – Tổng Công ty 86 thực hiện với tổng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng. Thời hạn triển khai thực hiện dự án, dự kiến từ 2019 đến năm 2022, tuy nhiên, đến thời điểm này, phương án đền bù giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư để thực hiện dự án vẫn chưa được cụ thể khiến nhiều hộ dân có đất thu hồi lo ngại về tiến độ thực hiện dự án và các vấn đề khác liên quan.

Dự án Tổ hợp các dịch vụ thương mại và bến xe trung tâm tỉnh Hà Nam được chỉ định thầu cho Tổng Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Hải Sơn – Tổng Công ty 86 thực hiện với tổng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng. Thời hạn triển khai thực hiện dự án, dự kiến từ 2019 đến năm 2022, tuy nhiên, đến thời điểm này, phương án đền bù giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư để thực hiện dự án vẫn chưa được cụ thể khiến nhiều hộ dân có đất thu hồi lo ngại về tiến độ thực hiện dự án và các vấn đề khác liên quan.

Theo Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Phủ Lý sẽ có 106 hộ dân phải thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện dự án.)

Nằm tại địa bàn xã Liêm Tuyền, thành phố Phủ Lý, Hà Nam, dự án Tổ hợp các dịch vụ thương mại và bến xe trung tâm tỉnh được UBND tỉnh Hà Nam phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 1170/QĐ-UBND ngày 6/7/2018 .

Mục tiêu của dự án là cụ thể hóa quy hoạch chung xây dựng thành phố Phủ Lý đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch phân khu, Khu trung tâm y tế chất lượng cao của vùng và quy hoạch mạng lưới bến xe trên địa bàn thành phố Phủ Lý.

Đồng thời, đáp ứng yêu cầu dịch vụ vận tải hành khách, phương tiện và hàng hóa thuận lợi, nhanh chóng, hiệu quả, tạo nguồn thu ngân sách cho địa phương.

Theo quy hoạch được duyệt, dự án, tổng diện tích sử dụng đất gần 6,7ha, bao gồm khu bến xe trung tâm; khu dịch vụ thương mại bao gồm nhà ở thương mại và nhà dịch vụ thương mại… chi phí thực hiện dự án hơn 373 tỷ đồng.

Cũng theo quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt, khu bến xe có diện tích khoảng 2,5ha được bố trí phía Đông, cao từ 1 đến 3 tầng, mật độ xây dựng 30%; Chỉ giới xây dựng lùi vào 6,0m so với đường phía Nam, lùi vào 5,0m so với đường phía Đông, lùi vào 3,0m so với đường phía Bắc và phía Tây. Các hạng mục công trình gồm: Nhà ga hành khách và các công trình phụ trợ, cây xăng dầu nội bộ, bãi đỗ xe, khu sửa chữa bảo dưỡng…

Nhà dịch vụ thương mại bố trí phía Tây khu quy hoạch có diện tích 950m, cao 9 tầng, mật độ xây dựng 60%. Chức năng chính, tầng 1 là trung tâm thương mại (diện tích 700,0m2), tầng 2,3 trung tâm tổ chức sự kiện (diện tích 1400,0m2), tầng 4 là văn phòng cho thuê (700,0m2), tầng 5 đến 9 là khách sạn (diện tích 2500,0m2), tầng hầm đỗ xe 2 tầng (diện tích 2500,0m2).

Khu nhà phố thương mại, quy mô gồm 11 ô đất (từ ô SH1 đến ô SH11), tổng số 96 lô đất ở. Diện tích mỗi lô trung bình khoảng 104,0m2. Chiều rộng mặt tiền mỗi lô trung bình 6,5m…

Khu cây xanh kết hợp đường giao thông tạo thành tuyến phố đặc trưng; bãi đỗ xe ngoài trời quy hoạch tại các dải cây xanh, kết hợp với trục đường giao thông nội bộ và tại nút giao đấu nối với đường chính khu vực; Khu bãi đỗ xe ngoài trời thiết kế về phía Nam khu dịch vụ thương mại, kết hợp với khu bãi đỗ xe trong nhà của toà thương mại phục vụ đỗ xe cho khu thương mại tập trung và khu nhà phố thương mại…

Cũng theo tìm hiểu được biết, thời hạn và tiến độ thực hiện dự án từ năm 2019 đến năm 2022. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân thôn Bích Trì, xã Liêm Tuyền (Phủ Lý), đến nay phương án đền bù, giải phóng mặt bằng vẫn chưa có cụ thể, người dân bày tỏ nhiều quan ngại trước tiến độ thực hiện dự án.

Trao đổi với PV Báo điện tử Xây dựng, bà Lan, Trưởng thôn Bích Trì cho biết: Dự án có rồi nhưng phương án đền bù và giá đến bù thế nào thì đến nay, dân chúng tôi chưa được biết. Đặc biệt, trong thôn có 13 hộ có diện tích đất thổ cư lớn nhưng họ đang rất lo lắng, bởi chưa biết việc đền bù, bố trí tái định cư sẽ được thực hiện như thế nào. Cũng theo bà Lan, đến nay chính quyền và chủ đầu tư mới chỉ đến họp dân được 1 lần và cũng chưa có gì cụ thể.

Theo tìm hiểu được biết, để thực hiện dự án này, UBND thành phố Phủ Lý sẽ phải thu hồi đất nông nghiệp của 106 hộ và một số hộ có diện tích đất thổ cư. Theo biên bản Hội nghị phổ biến quy mô, phạm vi dự án và kế hoạch thực hiện, cơ chế chính sách trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tới các hộ dân có đất thu hồi, đa phần ý kiến các hộ dân đều không nhất trí thu hồi và yêu cầu chính quyền địa phương phải có thông báo cụ thể về việc này.

Cụ thể, theo hộ gia đình bà Phạm Thị Đức: “Phải có các Văn bản, Quyết định cụ thể, chứ các ban ngành không đủ thẩm quyền thu hồi đất của các gia đình và giá cụ thể là bao nhiêu cần nói rõ để dân được biết”. “Chúng tôi chỉ chấp thuận chủ trương xây điện đường trường trạm còn bến xe đề nghị giá phải thoả thuận”, gia đình ông Vũ Văn Quyền trú tại thôn Bích Trì cho ý kiến.

Để làm rõ vấn đề này, PV Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc trao đổi với Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Phủ Lý, tại buổi làm việc ông Kiều Tiến Hiệp, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, đối với công tác đền bù, giải phóng mặt bằng dự án Tổ hợp các dịch vụ thương mại và bến xe trung tâm tỉnh, hiện nay chúng tôi mới đang trong quá trình kiểm kê, kiểm đếm, chưa có phương án đền bù cụ thể nên chưa công bố với dân.

Ông Phạm Văn Thịnh, Tổ trưởng Tổ Giải phóng mặt bằng có mặt tại buổi làm việc cũng chia sẻ: Thực tế để thực hiện dự án, chúng tôi sẽ phải thu hồi đất nông nghiệp của 106 hộ trên địa bàn. Hiện giá đất nông nghiệp được phê duyệt để đền bù là 65.000 đồng/m2. Ngoài bồi thường có hỗ trợ cộng hết các khoản vào 219.000 đồng/m2. Chia ra sào khoảng 78.800 nghìn /sào.

“Đúng là có ý kiến cho rằng giá đền bù đối với đất nông nghiệp như trên là thấp nhưng đây là mức giá đã được UBND tỉnh phê duyệt nên không thể cao hơn được”, ông Thịnh cho hay.

Về giá đền bù đối với đất thổ cư, ông Hiệp, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Phủ Lý cho biết, phải chờ khảo sát giá, sau ý kiến của Sở Tài chính, Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng mới xây dựng để áp giá cho dân .

Thực tế nêu trên cho thấy, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đối với dự án tổ hợp các dịch vụ thương mại và bến xe trung tâm tỉnh Hà Nam hiện còn chậm trễ và gặp nhiều khó khăn vướng mắc. Việc này cũng khó đảm bảo dự án được hoàn thiện đúng tiến độ vào năm 2022.

UBND tỉnh Hà Nam và các ngành chức năng cần có những giải pháp cụ thể nhằm đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt là công tác tuyên truyền để người dân hiểu và ủng hộ quá trình thực hiện dự án.

[caption id="attachment_65775" align="aligncenter" width="640"] Người dân lo ngại về tiến độ thực hiện dự án Tổ hợp các dịch vụ thương mại và bến xe trung tâm tỉnh Hà Nam (Ảnh: TL).[/caption]

Theo tìm hiểu được biết, căn cứ các Quyết định phê duyệt của UBND tỉnh, ngày 30/3/2020, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành Quyết định số 631/QĐ-UBND về phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, theo đó, nhà đầu tư được chỉ định thầu thực hiện dự án là Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Hải Sơn – Tổng Công ty 86 có địa chỉ tại trụ sở tại CX1, phía Nam cầu Hồng Phú, đường Lê Hoàn, phường Hai Bà Trưng, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.

Tổng Công ty này cũng vừa trúng thầu gói thầu có giá trị hơn 435 tỷ đồng do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nam làm chủ đầu tư. Đơn vị này được biết đến bởi thường xuyên trúng thầu và được chỉ định thầu thực hiện các dự án lớn của tỉnh. Người đại diện theo pháp luật Tổng Công ty này được biết là ông Trần Đình Thanh, một đại gia có tiếng tại Hà Nam.

Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin.

Theo Kim Thoa – Mai Thu/Báo Xây dựng

https://baoxaydung.com.vn/ha-nam-nguoi-dan-lo-ngai-truoc-tien-do-thuc-hien-du-an-to-hop-cac-dich-vu-thuong-mai-va-ben-xe-trung-tam-tinh-302819.html

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/ha-nam-nguoi-dan-lo-ngai-truoc-tien-do-thuc-hien-du-an-to-hop-cac-dich-vu-thuong-mai-va-ben-xe-trung-tam-tinh-a65773.html