Điều 42, Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai của Chính phủ nêu rất rõ, khi thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, gắn với chuyển nhượng dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh nhà ở, chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai bao gồm: Thuế đất, tiền sử dụng đất, thuế, phí, lệ phí có liên quan đến đất đai. Khi cấp phép xây dựng, Sở Xây dựng sẽ nhắc nhở chủ đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất trước khi hết thời gian gia hạn.
Từ quy định nêu trên, có thể thấy khi một dự án khi chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính thì chủ đầu tư không được chuyển nhượng công trình, cũng như không được chuyển nhượng, bán căn hộ.
Nhưng trên thực tế, có không ít trường hợp người mua nhà do thiếu kinh nghiệm, khi thấy công trình được triển khai thì nghĩ rằng chủ đầu tư đã thực hiện mọi nghĩa vụ với nhà nước, dẫn đến nhiều trường hợp mòn mỏi chờ đợi mà không có sổ đỏ/sổ hồng vì chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, người mua nhà có nguy cơ phải “ngậm quả đắng”, gặp rất khó khăn khi làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất chỉ vì doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Môi giới Bất động sản Việt Nam từng cho biết: “Hiện nay, theo Luật kinh doanh Bất động sản, đối với các hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai ký từ ngày 1/7/2015, chủ đầu tư dự án phải đáp ứng đủ điều kiện nhất định, trong đó bao gồm việc phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư”.
Dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính, cư dân không có sổ hồng
Mới đây, UBND TP Hà Nội vừa có báo cáo kết quả thực hiện nội dung kết luận, kiến nghị của HĐND thành phố về tình hình quản lý các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố.
Theo đó, từ tháng 7/2018 đến nay, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành thành phố và UBND cấp huyện rà soát, đối chiếu và triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành để thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với 379 dự án được nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tổ chức sử dụng đất có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai.
Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội đã triển khai 5 đoàn hậu kiểm đối với 99 dự án trong việc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra và chỉ đạo sau thanh tra, kiểm tra của UBND thành phố. Kết quả cho thấy, có 20 dự án với tổng diện tích 92,1ha đất chậm hoàn thành việc thực hiện nghĩa vụ tài chính lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, trong số các dự án UBND TP Hà Nội “điểm danh” đang chậm hoàn thành việc thực hiện nghĩa vụ tài chính, không ít xung đột giữa cư dân và chủ đầu tư liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất đã phát sinh.
Điển hình là trường hợp tại Dự án khu nhà ở để bán tại số 129D Trương Định, phường Trương, Định quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội của Công ty CP Đồng Tháp hiện đang nợ 34,5 tỷ đồng.
Hiện tại, Dự án đã xây dựng tòa nhà chung cư cao tầng, nhà liền kề bàn giao cho người mua nhà. UBND TP Hà Nội đã đề nghị Cục thuế Hà Nội kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Theo Giấy phép xây dựng được Sở Xây dựng Hà Nội cấp cho Công ty CP Đồng Tháp ngày 18/05/2015 thì dự án Khu nhà ở để bán số 129D phố Trương Định, phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội có 2 công trình:
Một là khối nhà chung cư cao 17 tầng trên diện tích xây dựng là 1.310 m2.
Hai là khu nhà ở thấp tầng gồm 15 nhà biệt thự liền kề và cơ bản được hoàn thành vào cuối năm 2017.
Ngày 18/4/2016, Công ty CP Đồng Tháp đã ký Biên bản làm việc, trong đó có nội dung: Công ty cổ phần Đồng Tháp ủy quyền cho Handico 22 là pháp nhân trực tiếp ký kết các Hợp đồng mua bán với khách hàng có nhu cầu mua căn hộ.
Nhưng trong suốt nhiều tháng qua, hàng loạt hộ dân đang sinh sống ở chung cư thuộc dự án khu nhà ở để bán số 129D phố Trương Định, phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã đồng loạt treo băng rôn, biểu ngữ để đòi quyền lợi, với các nội dung như “1.000 cư dân đang sống bất hợp pháp”, “1.000 cư dân không được nhập hộ khẩu”, “Yêu cầu Chủ đầu tư Đồng Tháp và Handico 22 trả sổ hồng”…
Bên cạnh đó, dù đã bàn giao cho dân về ở gần 4 năm nay nhưng nhiều căn liền kề tại đây mới chỉ hoàn thiện phần thô và bỏ hoang cho cỏ dại mọc gây nhếch nhác, mất mỹ quan.
Được biết, vào đầu năm 2021, Công an quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội đã có văn bản đề nghị Thanh tra Bộ Xây dựng cung cấp thông tin để điều tra hành vi lừa dối khách hàng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế của chủ đầu tư Dự án 129D Trương Định.
Trước đó, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hai Bà Trưng nhận được đơn của nhiều cư dân mua nhà tại Dự án 129D Trương Định tố cáo hành vi lừa dối khách hàng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và trốn thuế của Chủ đầu tư Dự án là Liên danh Công ty CP Đồng Tháp - Công ty CP Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội số 22.
Theo chia sẻ của nhiều cư chung cư 129D Trương Định, dù đã bán nhà, bàn giao cho dân vào ở gần 4 năm nhưng đến nay Chủ đầu tư vẫn chưa nộp tiền sử dụng đất, tiền thuế và chưa hoàn thành thủ tục điều chỉnh cấp phép xây dựng tòa nhà:
“Chủ đầu tư đã tự ý bàn giao nhà cho người mua khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, nghiệm thu theo quy định pháp luật. Những vi phạm của Chủ đầu tư đã khiến hàng trăm hộ dân mua nhà tại Dự án 129D Trương Định không được cấp sổ đỏ, không được thường trú, tạm trú, nhập khẩu về địa bàn đang cư trú”, một cư dân chung cư 129D Trương Định bức xúc nói.
Được biết, tại cuộc họp với cư dân hồi giữa năm 2020, đại diện UBND phường Trương Định cho hay, khu chung cư tại 129D Trường Định đang có những vi phạm chưa được các cấp có thẩm quyền nghiệm thu. Chủ đầu tư bàn giao cho dân vào ở là sai quy định của pháp luật. Do đó, việc các hộ làm các thủ tục hành chính như chuyển khẩu, cấp sổ hồng… chưa được phép theo quy định của pháp luật.
Hàng loạt Dự án hoang vắng, chậm tiến độ
Cũng trong danh sách 20 dự án với tổng diện tích 92,1ha đất chậm hoàn thành việc thực hiện nghĩa vụ tài chính lên đến hàng nghìn tỷ đồng, có nhiều dự án đã chậm tiến độ nhiều năm, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư, cư dân...
Tại Dự án Khu nhà ở kết hợp văn phòng làm việc cao tầng tại số 69 Triều Khúc, quận Thanh Xuân, Hà Nội, Công ty CP Công trình thương mại giao thông vận tại (TRACO) đang nợ 28,8 tỷ đồng.
UBND TP Hà Nội yêu cầu TRACO phải liên hệ với cơ quan thuế thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất đối với dự án theo quy định của pháp luật.
Theo ghi nhận thực tế từ biển báo bên ngoài công trường xây dựng, Dự án Khu nhà ở kết hợp văn phòng làm việc cao tầng tại số 69 Triều Khúc, quận Thanh Xuân, Hà Nội do Công ty CP Công trình thương mại giao thông vận tại (TRACO) và Công ty CP Bất động sản HT làm chủ đầu tư.
Dự án trên hiện được biết đến với tên gọi New Sky Complex 69 Triều Khúc, bắt đầu xây dựng từ thời điểm năm 2009. Nhưng quá trình triển khai của dự án này không hề thuận lợi.
Vào ngày 13/3/2017, UBND phường Thanh Xuân Nam đã ra quyết định số 63/QĐ-CTUBND về việc đình chỉ thi công xây dựng công trình tại 69 Triều Khúc do vi phạm trật tự xây dựng đô thị.
Theo ghi nhận của phóng viên vào thời điểm đầu tháng 4/2021, Bên ngoài dự án Newsky Complex 69 Triều Khúc vẫn đang là một công trường ngổn ngang với vật liệu xây dựng, máy móc.
Tuy nhiên, không hề có công nhân ra vào, hoạt động trong khu vực công trường dự án. Có thể thấy, đã 10 năm trôi qua kể từ khi dự án được triển khai, Newsky Complex 69 Triều Khúc vẫn đang bị “mắc kẹt” và chưa rõ ngày hoàn thành.
Theo quảng cáo của một số trang rao vặt bất động sản như Tuyenmai.com, batdongsan.com.vn… Newsky Complex 69 Triều Khúc được thực hiện trên diện tích mặt bằng là 2.539 m2. Quy mô Dự án là 17 tầng nổi, 2 tầng hầm. – Diện tích: từ 73m2 đến 139 m2.
Cũng theo UBND TP Hà Nội, Dự án khu nhà ở Thanh Bình tại Mộ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội, Chủ đầu tư là Công ty CP giấy gỗ Hà Đông đang nợ số tiền 36,6 tỷ đồng.
UBND TP Hà Nội đã yêu cầu Chủ đầu tư khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đối với các hạng mục công trình còn lại. Đồng thời, nộp tiền sử dụng đất, chậm nộp theo thông báo của Chi cục thuế Hà Đông và theo nội dung đã cam kết.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Dự án khu nhà ở Thanh Bình tại Mộ Lao, quận Hà Đông, TP Hà Nội do Công ty CP Giấy gỗ Hà Đông hợp tác cùng Công ty CP đầu tư phát triển Sunrise, Công ty CP dịch vụ đầu tư tài chính Việt Nam hợp tác đầu tư.
Dự án hiện còn được biết đến với cái tên Thanh Bình Village, được xây dựng trên khu đất có diện tích 2.851 m2. Hiện tại, phần lớn các căn nhà liền kề tại dự án đã được xây thô, đang dần hoàn thiện và có người vào ở.
Phóng viên đã liên hệ với một số môi giới bất động sản đang rao bán căn hộ tại Thanh Bình Village. MỘt môi giới cho biết: "Thanh Bình Village có 23 nhà liền kề với các loại diện từ 72 m2 đến 92 m2. Khách hàng có thể lựa chọn hai hình thức mua đất nền hoặc xây thô với mức giá được chủ đầu tư công bố là 55,2 triệu/m2 với lô đất nền và cộng thêm 3,5 triệu/m2 với nhà xây thô."
Tuy nhiên, khi phóng viên đề cập đến thông tin Chủ đầu tư dự án còn chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính và đặt vấn đề về làm sổ đỏ thì nhân viên môi giới này đã từ chối giải thích vấn đề nêu trên.
Theo UBND TP Hà Nội, Dự án khu dịch vụ, văn phòng và nhà ở tại 131 Thái Hà, phường Trung Liệt, Đống Đa của Công ty TNHH tổng hợp Huy Hùng nợ 45,2 tỷ đồng.
Dự án được khởi công từ năm 2008, trên khu đất có diện tích 6.745m2 nằm ngay mặt đường Thái Hà, quận Đống Đa, TP Hà Nội. Dự kiến thời gian hoàn thành dự án là năm 2010.
Theo thiết kế, đây là công trình nhà ở kết hợp với dịch vụ đa năng. Tòa nhà gồm 3 khối nhà liên hoàn cao 19 tầng nổi và 2 tầng hầm, diện tích từ tầng 1 đến tầng 3 được sử dụng làm trung tâm thương mại, siêu thị. Từ tầng 4 đến tầng 19 là các căn hộ cao cấp. Diện tích các căn từ 78m2, 94,3m2, 109,7m2, 113,9m2 và 200,6m2.
Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm thi công, khi chủ đầu tư xây dựng đến tầng thứ 14 thì bất ngờ dừng lại. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra đó là Chủ đầu tư chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý.
Vào năm 2014, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội từng công bố dự án 131 Thái Hà nằm trong danh sách dự án có chủ đầu tư chưa nộp hồ sơ pháp lý dự án và hồ sơ đề nghị cấp sổ đỏ cho người mua nhà. Bên cạnh đó, năng lực tài chính yếu kém của chủ đầu tư cũng là một trong những nguyên nhân khiến dự án nằm “bất động”.
Tới năm 2015, trong danh sách các dự án nằm ở các vị trí trung tâm nhưng chậm tiến độ, kiến nghị đổi chủ đầu tư hoặc thu hồi giấy phép xây dựng mà Sở Xây dựng Hà Nội nêu tên có Dự án Khu dịch vụ, văn phòng và nhà ở tại số 131 Thái Hà.
Theo đó, Sở Xây dựng cũng đã kiến nghị với UBND TP Hà Nội thu hồi chứng nhận đầu tư hoặc thay đổi chủ đầu tư thực hiện dự án để các dự án được tiếp tục triển khai, do chủ đầu tư cũ đã không còn khả năng hoàn thiện công trình.
Thế nhưng dù nhiều năm trôi qua, tòa nhà trên "đất vàng" tại 131 Thái hà vẫn tồn tại dang dở, những hạng mục công trình như cọc thép, bê tông, nằm phơi nắng mưa và có dấu hiệu rỉ sét ngay ở khu vực "đất vàng" khiến không ít người ngạc nhiên, tiếc nuối.
Đứng đầu về số tiền nợ theo công bố của UBND TP Hà Nội chính là Dự án Khu đô thị mới Vân Canh tại Vân Canh – Di Trạch, huyện Hoài Đức của Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD). Chủ đầu tư còn nợ hơn 1.025 tỷ đồng và dự án chưa điều chỉnh Quyết định chủ trương đầu tư.
Theo đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu Công ty nộp tiền thuê đất, tiền phạt chậm nộp. Hoàn thiện hồ sơ trình UBND TP xem xét điều chỉnh chủ trương đầu tư. Sau khi hoàn thiện thủ tục đầu tư triển khai đầu tư xây dựng công trình theo quyết định được phê duyệt.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Khu đô thị mới Vân Canh nằm trên địa bàn xã Vân Canh và xã Di Trạch, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội có quy mô lên đến 68,5 ha. Dự án này được khởi công từ 2008 và hoàn thiện, bàn giao nhà từ khoảng 2012 và thời gian sau đó.
Từng có một thời, dự án gây tiếng vang lớn trên thị trường bất động sản Hà Nội. Đó chính là thời điểm những năm 2009 - 2010, khi mà mức giá mỗi căn biệt thự đơn lập tại đây được đẩy lên tới mức khoảng trên dưới 12 - 15 tỷ đồng/căn.
Tuy nhiên cho đến nay, theo quan sát của chúng tôi, ở các khu vực biệt thự, liền kề, biệt thự nhà vườn của dự án này vẫn còn nhiều căn chưa có người ở và để hoang, cỏ dại mọc đầy sân, tường rêu mốc và nứt nẻ.
Mới chỉ có một vài căn biệt thự có người ở tại đây. Những biệt thự xây thô không người ở nhiều năm nay khiến cho bộ mặt chung của khu vực này ngày càng xuống cấp, vắng vẻ. Chính vì vậy, giá các căn nhà đang được rao bán tại đây cũng đi xuống thê thảm.
Giá biệt thự tại dự án này đã được rao bán trong khoảng 35 - 45 triệu đồng/m2, tuỳ vị trí và diện tích – theo khảo sát của phóng viên tại một số trang rao vặt bất động sản.
Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc
Theo Lê Hải/Pháp luật plus
https://www.phapluatplus.vn/bat-dong-san/nong--loat-du-an-chua-hoan-thanh-nghia-vu-tai-chinh-cu-dan-chiu-thiet-d152789.html
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/loat-du-an-chua-hoan-thanh-nghia-vu-tai-chinh-cu-dan-chiu-thiet-a65767.html