Sáng 24/3, nhiều cư dân tại dự án Saigon Pearl đã điều khiển ô tô treo băng rôn phản đối chủ đầu tư là Công ty Vietnam Land SSG tăng phí giữ xe vô lý.
Theo ghi nhận, từ sáng có nhiều ô tô tập trung tại khu vực sảnh và lối vào bãi giữ xe tại tầng hầm của một tòa chung cư Saigon Pearl (đường Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22, quận Bình Thạnh, TPHCM).
Họ treo băng rôn bên thân xe với nội dung: “Phản đối Công ty VNLand SSG độc chiếm tầng hầm, cưỡng bức tăng phí giữ xe bất hợp pháp”.
Theo các cư dân, giá giữ xe ô tô trước đây chỉ 1,5 triệu đồng/tháng, nhưng nay tăng lên đến 2 triệu đồng/tháng. Trong khi giá giữ xe ô tô ở một số tòa nhà khác trong khu vực hầu hết đều dưới 1,5 triệu đồng/tháng.
Đến khoảng 10g cùng ngày, công an và lực lượng bảo vệ dân phố đã có mặt tại khu vực để giữ gìn trật tự và ghi nhận vụ việc. Tuy nhiên, vài ô tô vẫn đậu án ngữ trước lối vào tầng hầm, một xe cứu hộ được điều động đến khu vực, lối vào tòa chung cư bị phong tỏa, cư dân hoặc khách vãng lai phải gửi xe nơi khác.
Hiện vụ việc vẫn chưa ra đúng, sai và đang chờ cơ quan chức năng xử lý.
Được biết, việc tranh chấp liên quan đến tầng hầm giữ xe tại chung cư này đã diễn ra từ nhiều năm trước.
Theo đó, năm 2013, sau khi cư dân bầu Ban quản trị (BQT) thì phát hiện Chủ đầu tư (CĐT) là Công ty TNHH Vietnam Land SSG không đóng phí bảo trì 2% khi sở hữu diện tích lớn là khu thương mại và tầng hầm đậu xe trong tòa nhà để kinh doanh nên xảy ra khiếu nại.
Phía CĐT cho rằng khu thương mại và tầng hầm đậu xe họ không bán và cũng không phải là nhà ở, trong khi pháp luật chỉ quy định đóng phí bảo trì liên quan đến nhà ở. Cư dân Saigon Pearl phản bác, Luật Nhà ở quy định rõ, mọi cư dân trong tòa nhà đều có nghĩa vụ đóng phí bảo trì và CĐT không ngoại lệ.
Do vậy, BQL chung cư ra “tối hậu thư”, đề nghị trong một tuần CĐT phải đóng toàn bộ phí bảo trì đang nợ và bàn giao tầng hầm, nếu không sẽ cắt điện, nước khu vực CĐT đang sở hữu.
Sở Xây dựng vào cuộc và có văn bản số 7653/SXD khẳng định: “Chung cư Saigon Pearl xây dựng sau ngày Luật Nhà ở có hiệu lực. Vì vậy, nơi để xe là sở hữu chung” và “Văn phòng, siêu thị, dịch vụ thương mại trong tòa nhà chung cư đều được coi là nhà. Vì vậy, nếu CĐT không bán phần diện tích này thì vẫn phải nộp 2% phí bảo trì. Mức phí này tính theo căn hộ có giá bán cao nhất của tòa nhà chung cư đó”.
Tuy nhiên, Vietnam Land SSG chỉ nộp hơn một tỷ đồng phí bảo trì cho tòa nhà Ruby; hơn 654 triệu đồng cho tòa nhà Topaz và hơn 705 triệu đồng cho tòa nhà Sapphire. Riêng đối với việc chuyển giao tầng hầm thì CĐT không thực hiện. Trong khi đó, cư dân tính toán thời điểm đó số tiền phí bảo trì phải nộp của CĐT phải hơn 5 tỷ đồng.
Trong lúc BQT chưa kịp chưa kịp áp dụng biện pháp cưỡng chế thì một đội thi công đường ống cấp nước không biết từ đâu đến đã tự ý đến khoan hầm, đục tường để lắp đặt đường ống nước mới, nhằm đối phó với chế tài của BQT các tòa nhà chung cư.
Điều này khiến rất đông cư dân cùng với hàng chục bảo vệ của BQT kéo nhau ra gặp mặt với lực lượng bảo vệ của CĐT. May công an P.22, Q.Bình Thạnh can thiệp kịp thời.
Tiếp đó, CĐT lại đưa ra văn bản số 8640/SXD được cho là của Sở Xây dựng có nội dung trái ngược với văn bản 7653/SXD đã ban hành trước đó rằng: “Căn cứ Nghị định 71 có hiệu lực từ 8/8/2010, khu vực để xe ô tô do CĐT quyết định thuộc quyền sở hữu chung của các chủ sở hữu nhà chung cư hoặc sở hữu riêng”.
Cuối cùng, Sở XD kết luận lấp lửng: “CĐT và các cư dân… tự trao đổi, thống nhất các phần diện tích với nhau. Trường hợp hai bên không thỏa thuận được thì khởi kiện ra tòa”.
Cũng liên quan đến chung cư Saigon Pearl, cuối năm 2020, cư dân cũng có đơn gửi Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM về việc quá tải hệ thống xử lý nước thải thuộc khu dân cư này.
Đầu năm 2021, sau khi vào cuộc kiểm tra, Sở Tài nguyên - Môi trường nhận định CĐT chưa thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép xả thải vào nguồn nước theo quy định tại Điều 37 Luật Tài nguyên nước 2012.
CĐT cũng chưa giải trình đầy đủ về việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường tại dự án từ thời điểm được cấp giấy chứng nhận đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường ngày 5/7/20205 cho đến nay.
Bên cạnh đó, CĐT cũng chưa cung cấp các hồ sơ hoàn công công trình thu gom, xử lý nước thải theo quy định.
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/cu-dan-saigon-pearl-to-chu-dau-tu-vnland-ssg-tang-phi-giu-xe-bat-hop-phap-a64775.html