Người dân thôn Tam Tảo, xã Phú Lâm, huyện Tiên Du liên tục gửi đơn phản ánh tới các cơ quan chức năng tố cáo chủ đầu tư dự án “Điểm dân cư nông thôn, đất đấu giá QSDĐ tạo vốn xây dựng nông thôn mới và đất ở tái định cư mở rộng đường tỉnh 276” nhiều năm không hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, không có điện, nước… nhưng đã đưa ra đấu giá đất khiến người dân khốn khổ.
Theo phản ánh của người dân, dự án “Điểm dân cư nông thôn, đất đấu giá QSDĐ tạo vốn xây dựng nông thôn mới và đất ở tái định cư mở rộng đường tỉnh 276 xã Phú Lâm, huyện Tiên Du” do UBND xã Phú Lâm làm chủ đầu tư. Đến thời điểm hiện tại, dự án đã triển khai được khoảng 10 năm và đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, hạ tầng kỹ thuật tại đây vẫn chưa được hoàn thành gây ra những lo lắng, bức xúc cho người dân.
Cũng theo đơn phản ánh, các hộ dân đấu giá quyền sử dụng đất lần cuối tại dự án trên ngày 30/11/2018, hiện tại đã nộp đầy đủ số tiền theo quy định đối với 379 lô đất. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, ngay sau đó dự án lại bị “đắp chiếu” hơn 1 năm qua và không tiếp tục thi công các hạng mục như đường điện, đường nước sinh hoạt, đèn chiếu sáng, vườn hoa cây xanh, nút giao thông, đường giao thông rộng 31m từ trường mầm non Phú Lâm 1 nối với đường TL 276 khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn.
Ông Ngô Xuân Liên, người dân xã Phú Lâm bức xúc cho biết: “Chúng tôi xây dựng nhà cửa, sinh sống tại đây đã gần 3 năm nhưng không hiểu vì lý do gì mà chủ đầu tư không xây dựng trạm biến áp để cấp điện cho người dân sinh hoạt. Không có cách nào khác, chúng tôi phải tự dựng những cột điện tạm bợ bằng ống kẽm, sau đó tự bỏ tiền ra để kéo dây điện về để sử dụng. Biết là rất nguy hiểm nhưng bây giờ nếu không có điện thì không thể sống được”, ông Liên nói.
Chung nỗi bức xúc, một số người dân khác cũng cho biết: “Phê duyệt đầu tư là có 3 trạm biến áp để cấp điện và đầu tư hệ thống nước sinh hoạt, nhưng đến bây giờ chúng tôi phải tự đi đào giếng khoan để có nước dùng. Khổ nhất là trường mầm non, trạm biến áp không có, phải kéo điện tận ngoài đường vào để phục vụ các cháu, rất nguy hiểm khi dây điện trùng xuống tận dưới đường”.
Từ những phản ánh của người dân, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã có buổi ghi nhận thực tế tại dự án trên. Theo quan sát, ngay từ 2 đầu đường dẫn vào dự án vẫn còn ngổn ngang gạch đá, chưa được hoàn thành, nhếch nhác, bẩn thỉu. Ống cống, đất đá, vật liệu xây dựng… được tập kết ngổn ngang gần khu vực trường mầm non tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông; Trạm biến áp chưa được đầu tư, xây dựng, người dân không có điện phải tự kéo dây từ phía ngoài đường vào để sử dụng; cột điện không có, người dân phải dựng những ống kẽm để dòng dây, dây diện chồng chéo như mạng nhện, xà xuống đường, xuống ruộng, quấn quanh trường mầm non vô cùng nguy hiểm.
Để làm rõ sự việc trên, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã có buổi làm việc với ông Ngô Lương Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Lâm, bà Ngô Thị Xoan, cán bộ địa chính – xây dựng.
Ông Ngô Lương Xuân cho biết, dự án nói trên do UBND xã Phú Lâm làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng trên diện tích hơn 10ha; Đơn vị thi công hạ tầng là Công ty TNHH xây dựng Soi Sáng; Đơn vị tổ chức đấu giá QSDĐ là Công ty CP đấu giá Kinh Bắc và trung tâm đấu giá tài sản Sở Tư pháp tỉnh Bắc Ninh.
Bà Ngô Thị Xoan cho biết, dự án được UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt tại Quyết định số 517 năm 2013. “Sau khi dự án được phê duyệt, UBND xã Phú Lâm đã thực hiện các bước như giải phóng mặt bằng, bồi thường, tổ chức đấu giá. Dự án được chia làm 2 gói thầu, gói thứ nhất đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật gồm hệ thống giao thông, thoát nước, san nền, hào kỹ thuật…; Gói thứ 2 gồm hệ thống điện , điện chiếu sáng và các hạng mục còn lại”, bà Xoan cho biết.
Cũng theo bà Xoan, đến thời điểm hiện tại, gói thầu thứ nhất thì UBND xã Phú Lâm đã thực hiện “cơ bản” xong. Gói thứ 2 gồm các hạng mục hệ thống điện, điện chiếu sáng… thì xã cũng đang trình cấp trên phê duyệt để đưa ra đấu thầu.
“Hiện tại, UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đã phê duyệt, đồng ý cho xã Phú Lâm tiếp tục triển khai gói thầu số 2”, bà Xoan thông tin.
Để thông tin được rõ ràng, minh bạch, PV đã đề nghị được tiếp cận các hồ sơ, giấy tờ liên quan tới dự án cũng như các quyết định đã được UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt. Tuy nhiên, sau khi yêu cầu, ông Xuân và bà Xoan cho biết cần phải xin ý kiến của lãnh đạo. “Khi nào lãnh đạo có văn bản đồng ý thì chúng tôi sẽ cung cấp hồ sơ tới cơ quan báo chí”, ông Xuân và bà Xoan nói.
Cũng liên quan đến sự việc trên, PV đã nhiều lần liên hệ với bà Ngô Thị Hân, Chủ tịch UBND xã Phú Lâm để làm rõ những phản ánh của người dân. Tuy nhiên, sau khi đến để làm việc theo đúng lịch hẹn, bà Hân lại viện lý do “bận họp” và không cung cấp thông tin về dự án.
“Hôm nay tôi đang bận làm việc với cơ quan an ninh, bây giờ tôi nói là tôi không cung cấp được cái nội dung anh (PV) quan tâm đâu, có quyết định, có thẩm quyền mới cung cấp, bây giờ PV về yêu cầu cung cấp thì tôi không làm được, cung cấp thế rất khó, phải xin ý kiến đồng chí Chủ tịch UBND huyện”, bà Hân nói.
Như vậy, có thể nói, việc đấu giá QSDĐ khi chưa hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại xã Phú Lâm, huyện Tiên Du đã khiến cho nhiều người dân chịu thiệt thòi khi tiến hành xây dựng nhà cửa; nhất là việc đấu nối các hạng mục như điện, nước sinh hoạt và nhiều vấn đề liên quan khác.
Ngoài ra, với tình trạng dang dở, ngổn ngang của hệ thống hạ tầng nhưng đã tiến hành đấu giá chẳng khác nào hình thức “bán lúa non”, điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị các lô đất được tổ chức đấu giá, có nguy cơ gây thiệt hại cho nguồn thu ngân sách.
Trước sự việc trên, đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh cần phải khẩn trương vào cuộc, có biện pháp chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền, siết chặt lại công tác đấu giá đất ở, thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; tránh thất thu ngân sách cũng như để ổn định cuộc sống cho người dân.
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin!
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/tien-du-bac-ninh-dau-gia-dat-khi-chua-hoan-thien-ha-tang-ky-thuat-nguoi-dan-khon-kho-a64539.html