Dự án Khu phố mới Hoa Lư - Phù Đổng của Công ty FBS có dấu hiệu "xé nát" quy hoạch?

Dự án Khu phố mới Hoa Lư – Phù Đổng được tỉnh Gia Lai phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư vào năm 2003. Mặc dù dự án đã chuyển sang giai đoạn 2 nhưng việc tổ chức xây dựng ở giai đoạn 1 đang diễn ra một cách tùy tiện và thiếu thống nhất, gần như là “xé nát” quy hoạch đã được phê duyệt.

Dự án Khu phố mới Hoa Lư – Phù Đổng được tỉnh Gia Lai phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư vào năm 2003. Mặc dù dự án đã chuyển sang giai đoạn 2 nhưng việc tổ chức xây dựng ở giai đoạn 1 đang diễn ra một cách tùy tiện và thiếu thống nhất, gần như là “xé nát” quy hoạch đã được phê duyệt.

Việc xây dựng tại dự án Khu phố mới Phù Đổng – Hoa Lư đang diễn ra tùy tiện

Theo đó, Công ty cổ phần Tài chính và Phát triển doanh nghiệp (Công ty FBS) là Chủ đầu tư dự án Khu phố mới Phù Đổng – Hoa Lư. Trước đó, dự án này được UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư từ năm 2003 nhưng đến nay Chủ đầu tư (Công ty FBS) vẫn chưa hoàn thành xong việc xây dựng Giai đoạn 1 và giải phóng mặt bằng cho Giai đoạn 2 nhưng việc mua bán các sản phẩm trong dự án để huy động vốn bằng các hợp đồng vay vốn với cá nhân, hộ gia đình đã diễn ra rầm rộ.

Cụ thể, theo thông tin phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam ghi nhận, hiện trạng xây dựng của dự án trong giai đoạn 1 đang diễn ra rất “lộn xộn”, chỗ xây dựng, chỗ bỏ hoang, thiếu thống nhất, không theo quy chuẩn đã được phê duyệt, đặc biệt là các lô liền kề mặt đường Nguyễn Tất Thành mặc dù Sở Xây dựng Gia Lai đã có văn bản chỉ đạo rõ ràng: “Thống nhất tăng số tầng (trên 3 tầng) thành từng cụm có chung số tầng. Mỗi cụm không nhỏ hơn 5 căn hộ” (Thỏa thuận hình thức kiến trúc các lô liền kề mặt đường Nguyễn Tất Thành, số 144/SXD-QLQH ngày 14/4/2009).

Văn bản thỏa thuận 144/SXD-QLQH và hiện trạng xây dựng.)

Được biết, Công ty cổ phần Tài chính và Phát triển doanh nghiệp bán sản phẩm khi chưa xây dựng xong phần thô. Theo quy định tại Quyết định 219/QĐ-CT UBND tỉnh Gia Lai ngày 23/02/2006 thì “chủ đầu tư phải xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng; đối với nhà ở phải xây dựng hoàn chỉnh hoặc ít nhất phần thô mới được kinh doanh hoặc chuyển nhượng”. Nhưng công ty FBS chỉ xây dựng xong phần cơ sở hạ tầng thì đã chuyển nhượng cho người mua và đã bán hầu hết các sản phẩm trong giai đoạn 1.

Một góc của dự án.[/caption]

Bên cạnh đó, Công ty FBS để cho người mua tự ý xây dựng sau khi nhận chuyển nhượng. Khi chuyển nhượng cho người mua thì doanh nghiệp cho người mua lựa chọn giữa việc tự xây dựng hoặc thuê FBS thi công, mà lẽ ra chính Công ty FBS mới là đơn vị có trách nhiệm hoàn thành xây dựng cho người mua theo quy định và không có việc người mua được lựa chọn đơn vị xây dựng hay tự ý xây dựng trong dự án này.

Trong buổi làm việc với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam thì ông Nguyễn Xuân Trực - Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần Tài chính và Phát triển doanh nghiệp tại Gia Lai cũng thừa nhận: “thu tiền phần hạ tầng, một số người đặt thi công thì công ty xây, một số người không đặt thì nhà thầu và tất cả các phí khác do người mua tự quản lý”.

Câu trả lời của lãnh đạo doanh nghiệp là vậy thế nhưng việc để cho người mua tự ý xây dựng rất dễ dẫn đến việc không đúng với thiết kế quy hoạch đã phê duyệt, chất lượng và tiến độ công trình khó được đảm bảo. Việc làm này của Công ty FBS có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Quyết định 219/QĐ-CT UBND của tỉnh Gia Lai và Văn bản thỏa thuận số 144/SXD-QLQH ngày 14/4/2009 của Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai với FBS, thể hiện sự coi thường pháp luật và thiếu trách nhiệm từ phía Chủ đầu tư.

Mặt khác, theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Thông tư liên tịch 20/2013/TTLT-BXD-BNV về quản lý đầu tư phát triển đô thị thì Chủ đầu tư chỉ được phép giao cho người dân tự ý xây dựng khi “có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng”.

[caption id="attachment_64337" align="aligncenter" width="680"]

Quyết định 219/QĐ-CT UBND tỉnh Gia Lai ngày 23/02/2006.)

"Lách" luật bằng hợp đồng vay vốn?

Theo thông tin tìm hiểu của phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, để “lách” quy định trên công ty FBS đã thực hiện như sau: Doanh nghiệp tiến hành chuyển nhượng lô đất cho người mua dưới dạng hợp đồng vay vốn khi hoàn thành cơ sở hạ tầng của dự án. Sau đó để người mua tự lựa chọn nhà thầu xây dựng và tự quản lý. Sau khi đã xây dựng hoàn tất thì để hợp thức hóa quy định của pháp luật, FBS sẽ ký lại hợp đồng thi công xây dựng với nhà thầu mà người mua đã chọn trước đó. Cuối cùng FBS sẽ ký biên bản bàn giao nhà cho khách hàng khi nhà thầu mà người mua lựa chọn xây dựng hoàn tất.

Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, Luật sư Hoàng Văn Huy (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết: “Về mặt giấy tờ pháp lý thì thể hiện là công ty FBS đã đứng ra xây dựng và bàn giao cho khách hàng nhưng trên thực tế lại để cho khách hàng tự xây dựng và tự quản lý. Đây là một cách “lách” để hợp thức hóa những quy định của pháp luật cho những sai phạm của công ty FBS. Điều này là vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật”.

Hiện trạng xây dựng[/caption]

Đây là dự án thuộc loại nhà ở hình thành trong tương lai nên pháp luật quy định chủ đầu tư phải là đơn vị đứng ra chịu trách nhiệm hoàn thành việc xây dựng cho người mua để đảm bảo tính thống nhất quy hoạch đã được phê duyệt. Nếu làm như FBS đang làm thì chẳng khác nào Dự án Khu phố mới Hoa Lư – Phù Đổng trở thành dự án phân lô bán nền đúng nghĩa. Sai phạm của FBS sẽ làm mất cảnh quan của Thành phố, ảnh hưởng chung đến tiến độ của dự án, trong khi đây là dự án điểm của tỉnh cần phải được thực hiện khẩn trương và nghiêm chỉnh.

Việc quản lý và giám sát của các cơ quan có thẩm quyền ra sao khi hiện trạng xây dựng tại dự án có những dấu hiệu sai phạm từ phía chủ đầu tư. Hiện tượng này liệu các cơ quan có thẩm quyền tỉnh Gia Lai liệu đã nắm biết?

[caption id="attachment_64339" align="aligncenter" width="534"]

Hiện trạng xây dựng)

Cần phải nói thêm rằng, người mua cũng phải lưu ý bởi nếu xây dựng nhà không đúng thiết kế trong dự án đã được phê duyệt là hành vi vi phạm pháp luật. Cụ thể là vi phạm khoản 6 Điều 15 Nghị định 139/2017: “hành vi xây dựng công trình không đúng thiết kế xây dựng được thẩm định, phê duyệt” và sẽ bị phạt từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, ngoài ra còn bị “buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm” (theo điểm d khoản 1 Điều 15).

Do vậy, cần phải làm rõ trách nhiệm của những cơ quan có thẩm quyền trong việc quản lý, giám sát dự án, đặc biệt là “Thỏa thuận hình thức kiến trúc các lô liền kề mặt đường Nguyễn Tất Thành”, số 144/SXD-QLQH ngày 14/4/2009 của Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai liệu có đúng theo quy định của pháp luật hay chưa?

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về những dấu hiệu sai phạm của Công ty cổ phần Tài chính và Phát triển doanh nghiệp trong dự án Khu phố mới Hoa Lư – Phù Đổng vào các kỳ sau.

Theo Nhóm PV/Pháp luật plus

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/du-an-khu-pho-moi-hoa-lu-phu-dong-cua-cong-ty-fbs-co-dau-hieu-xe-nat-quy-hoach-a64333.html