Lợi dụng kẽ hở trong chính sách quản lý, không ít doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm chức năng đã cố tình quảng cáo sai sự thật, quảng cáo sản phẩm như thuốc chữa bệnh, vi phạm quy định về quảng cáo, nội dung quảng cáo không phù hợp với hồ sơ công bố
Bộ Y tế thời gian qua đã đưa ra rất nhiều giải pháp xử lý vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng (TPCN). Tuy nhiên, hành vi vi phạm của các đối tượng ngày một tinh vi. Các hình thức vi phạm phổ biến là sử dụng hình ảnh, các bài viết của nhân viên y tế hoặc bài viết, phản hồi của người tiêu dùng nhằm ám chỉ thực phẩm là thuốc chữa bệnh hoặc có công dụng như thuốc chữa bệnh, là trái quy định pháp luật. Ngoài ra, một số tổ chức, cá nhân còn có hành vi quảng cáo thổi phồng công dụng sản phẩm; dùng hình ảnh bác sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng, hoặc logo các đài truyền hình để lồng ghép nội dung quảng cáo trái phép, gần như lừa dối người tiêu dùng về công dụng của các thực phẩm bảo vệ sức khỏe... Năm 2020, cơ quan chức năng đã xử phạt hàng chục cơ sở vi phạm về quảng cáo tổng số tiền phạt là gần 2 tỉ đồng.
Đủ chiêu "thổi" công dụng thực phẩm chức năng
Bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, cho hay thực tế các thống kê cho thấy doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh vi phạm vấn đề quảng cáo không quá nhiều, tuy nhiên, những tổ chức, cá nhân mua lại sản phẩm và tự quảng cáo trên thị trường lại rất lớn. Với sự phát triển của công nghệ hiện nay, các đơn vị này quảng cáo rộng khắp qua mạng xã hội, các trang thông tin điện tử, thậm chí gọi điện thoại trực tiếp để tiếp cận tới người tiêu dùng. Bộ Y tế thời gian qua đã đưa ra rất nhiều giải pháp: ngoài xử lý theo quy định của nhà nước, bộ còn công khai vi phạm trên trang web của Cục An toàn thực phẩm, trên trang của Bộ Y tế và thông tin cho các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, hành vi vi phạm ngày càng tinh vi. "Chẳng hạn, đối tượng mở tên miền để quảng cáo nhưng nếu vi phạm, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm phát hiện và yêu cầu Bộ Thông tin - Truyền thông hỗ trợ đóng tên miền đó thì ngay lập tức họ sẽ mở tên miền khác. Hoặc họ đặt máy chủ ở Việt Nam nhưng nếu bị phát hiện vi phạm sẽ chuyển máy chủ sang nước ngoài. Một trong những hành vi khác sẽ rất khó khăn cho cơ quan quản lý là quảng cáo xuyên biên giới, tức những công ty nước ngoài mua "đất quảng cáo" trên các trang thương mại, sàn giao dịch, website của các cơ quan truyền thông và họ toàn quyền sử dụng để quảng cáo sản phẩm mà chủ cho thuê không hay biết" - bà Nga cho biết thêm.
Chia sẻ với báo chí mới đây, bà Trần Việt Nga cho rằng việc quản lý nội dung quảng cáo thực phẩm vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các quảng cáo xuyên biên giới. "Vừa qua, Cục An toàn thực phẩm đã có các buổi trao đổi với các cơ quan thuộc Bộ Thông tin - Truyền thông, Cục An ninh mạng - Bộ Công An, Công an TP Hà Nội để siết chặt hơn nữa việc xử lý quảng cáo vi phạm" - bà Nga nói.
Nhiều sản phẩm quảng cáo sai sự thật
Theo đại diện Hiệp hội TPCN Việt Nam, những năm gần đây, thị trường TPCN tại Việt Nam là một mảnh đất màu mỡ để nhiều doanh nghiệp tập trung vào sản xuất - kinh doanh mặt hàng này. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp phân phối TPCN đã cố tình làm ăn chụp giật, coi lợi nhuận là trên hết, có hành vi lừa dối người tiêu dùng, cố tình quảng cáo sai sự thật, quảng cáo thực phẩm như thần dược khiến nhiều người mua phải sản phẩm kém chất lượng, thậm chí độc hại cho sức khỏe, tiền mất tật mang và dư luận hết sức bức xúc. TPCN xuất hiện và bắt đầu được sử dụng tại Việt Nam từ những năm 2000. Khi đó, hầu hết sản phẩm lưu thông trên thị trường ở Việt Nam đều được nhập khẩu từ các nước khác. Đến nay, hơn 70% số TPCN được tiêu thụ ở nước ta là hàng sản xuất trong nước. Hơn 20% còn lại là hàng nhập khẩu từ các thị trường nổi tiếng như Mỹ, Đức, Canada, Hàn, Nhật... Năm 2000, Việt Nam chỉ có 13 doanh nghiệp đăng ký và đủ điều kiện sản xuất TPCN và số sản phẩm được lưu hành trên thị trường là 63 sản phẩm. Đến năm 2017, có tới gần 4.190 công ty đăng ký sản xuất - kinh doanh TPCN và số lượng sản phẩm được lưu hành cũng lên tới hơn 10.930 sản phẩm.
PGS-TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, cho biết việc lừa dối quảng cáo TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh là những hành vi bất chấp luân thường đạo lý. Vì lợi nhuận mà họ sẵn sàng lừa dối, kể cả những người bệnh đang ở hoàn cảnh cực kỳ khó khăn. Có nhiều doanh nghiệp quảng cáo sai sự thật, "mượn" danh bác sĩ hoặc cơ sở y tế uy tín để cố tình lừa dối người tiêu dùng... Các thông tin quảng cáo TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên mạng xã hội, cụ thể là Facebook hiện nay rất khó kiểm soát. Chính vì vậy, Cục An toàn thực phẩm đã làm việc với cơ quan chức năng và cả Facebook để phối hợp giải quyết tình trạng này.
Ông Phong cũng khuyến cáo các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, TPCN chỉ mang tính hỗ trợ. Vì thế, tất cả quảng cáo về công dụng thần kỳ, gây hiểu lầm là thuốc chữa bệnh đều là những quảng cáo "nổ" vi phạm quy định. Với những trường hợp như vậy, Cục An toàn thực phẩm đăng tải thông tin công khai, khuyến cáo người tiêu dùng trong khi cơ quan chức năng đang xử lý, người dân không mua, sử dụng các sản phẩm quảng cáo sai sự thật. Tất cả sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe quảng cáo trên mạng xã hội dùng thư tín bệnh nhân, hình ảnh cơ sở y tế, danh nghĩa cơ quan y tế, hình ảnh bác sĩ, có công dụng chữa bệnh nọ bệnh kia hoàn toàn sai sự thật, tuyệt đối không mua. Các sản phẩm được quảng cáo tràn lan và "thổi phồng" như thuốc chữa bệnh hiện nay gồm: sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư, tai biến mạch máu não, bệnh thận, gan..., thậm chí có thuốc quảng cáo phải dùng vài tháng mới thấy tác dụng, chính thời gian này đã cướp mất cơ hội được chữa bệnh kịp thời của bệnh nhân, rất nguy hiểm.
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/nen-chan-quang-cao-thuc-pham-chuc-nang-sai-su-that-a63838.html