Sau khi bị “tuýt còi” do chứa chất cấm gây hại cho sức khỏe, một số nhãn hàng đã “thoát xác” bằng cách thay đổi mẫu mã, tiếp tục lừa dối người tiêu dùng.
Những màn "thay tên đổi họ"
Trường hợp thực phẩm bảo vệ sức khỏe trà giảm cân Golean Detox do Công ty TNHH Mat Xi S.G (trụ sở tại 129 Đường Võ Thị Sáu, Quận Thống Nhất, Thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) sản xuất, phân phối là một ví dụ. Sản phẩm này từng bị Cục An toàn thực phẩm thu hồi vì dương tính với chất cấm Sibutramine hồi năm 2018.
Sau vi phạm, để làm mới “bộ mặt” của mình, Công ty TNHH Mat Xi S.G đã tung ra thị trường thế hệ mới - viên uống giảm cân mang tên Go Detox. Lần này, sản phẩm được giới thiệu là nhượng quyền kinh doanh sản phẩm trà giảm cân của Công ty Go Detox Enterprise Malaysia.
Tuy nhiên, từ khi ra mắt thị trường, Go Detox tiếp tục có dấu hiệu vi phạm quảng cáo. Cụ thể, trên các trang web https://bantragiamcan.com/;https://naturix.vn/; https://sanhangchinhhang.com/;... viên uống Go Detox được “tâng bốc” với nhiều công dụng: giảm mỡ toàn thân nhanh chóng, tiêu mỡ, thanh lọc cơ thể, đào thải độc tố, làm sáng da, chống lão hóa và các tổn thương về da...
Tương tự, một sản phẩm khác là trà giảm cân Hoa Sâm Đất của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hoàng ZN cũng bị thu hồi do chứa chất cấm. Nguyên nhân, theo kết quả kiểm nghiệm của cơ quan chức năng, sản phẩm này không đạt về chỉ tiêu: Linh chi, tổng số bào tử nấm men nấm mốc... Đặc biệt, trong sản phẩm có chứa thành phần Sibutramin - hoạt chất đã bị cấm sử dụng từ năm 2011.
Sau khi bị thu hồi, trên thị trường xuất hiện sản phẩm khác - Hoa Sâm Đất ZN (được giới thiệu là phiên bản mới dạng viên thay thế Trà giảm cân Hoa Sâm Đất). Theo tim hiểu của PV, tại các trang web https://trahoasamdat.net/; https://nhucaulamdep.com/... và một số sàn thương mại điện tử, sản phẩm Hoa Sâm Đất ZN dạng viên cũng được quảng cáo “bát nháo” với nhiều công dụng: “Trà Hoa Sâm Đất Zn giảm cân với 100% thành phần tự nhiên có tác dụng giảm cân, tan mỡ, giảm béo bụng, béo đùi, loại bỏ mỡ máu, làm sạch máu, điều chỉnh rối loạn chuyển hoá mỡ, phòng chống được mụn, nám, sần sùi, đẹp da và bảo vệ gan tối đa”. Thực tế, đây là thực phẩm bảo vệ sức khỏe và chỉ có tác dụng hỗ trợ nhưng lại quảng cáo “nổ” như loại thần dược có thể chữa, phòng ngừa bách bệnh.
Trong vai khách hàng có nhu cầu giảm cân, phóng viên liên hệ tới đại lý bán Slim Be Cường Anh thì được tư vấn: “Trà Slim Be Cường Anh dùng liệu trình 2 hộp/ 30 ngày. Dùng 1 hộp giảm được 2 kg, dùng hết 2 hộp giảm hơn 5kg. Sản phẩm này ai uống cũng giảm hết, kể cả người cơ địa khó giảm cũng được 1kg. Trong thời gian uống không phải kiêng ăn. Uống không mệt mỏi, giá mẫu mới công ty đang bán là 550k”.
Khi PV hoài nghi về độ an toàn của sản phẩm, nhân viên này khẳng định, trà Slim Be là sản phẩm chính hãng của Công ty Cường Anh, trong hộp có phiếu cam kết chất lượng, khi nhận hàng được kiểm tra và check mã vạch “thoải mái”. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, ở cả 3 “vòng đời” sản phẩm của Công ty Cường Anh, bản chất quảng cáo, tư vấn, giới thiệu đều sao y cùng 1 công thức: “An toàn, cam kết chất lượng, có mã vạch…” để làm tin, còn thực tế có thể chỉ là “bình mới rượu cũ”.
Cần là người tiêu dùng thông thái
Hiện nay, theo quy định của pháp luật, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh và phát triển thuận lợi, doanh nghiệp sẽ tự công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm, còn cơ quan chức năng tiến hành hậu kiểm. Thế nhưng, lợi dụng những chính sách ưu đãi, nhiều doanh nghiệp bất chấp lợi nhuận, bỏ qua vấn đề đạo đức, quy định an toàn trong kinh doanh để làm giả, làm nhái hoặc sử dụng chất cấm...
Thậm chí, tinh vi hơn, nhiều doanh nghiệp chỉ thực hiện các thủ tục sản xuất, kinh doanh ban đầu với một số lô chuẩn chỉnh nhằm qua mặt cơ quan chức năng, còn thực tế trên thị trường, một loạt sản phẩm lại có dấu hiệu vi phạm. Để che mắt cơ quan chức năng, người tiêu dùng, đơn vị kinh doanh đã thực hiện một loạt chiến dịch quảng cáo rầm rộ với đủ cam kết… chỉ khi sự việc bị phát giác mới lộ bản chất.
Theo lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm, thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất - kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, Bộ Y tế đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý sai phạm của DN song cũng không thể xuể do quá nhiều cơ sở vi phạm.
Với những tồn tại nêu trên, cơ quan quản lý nhà nước sẽ xử phạt khung cao nhất và đưa vào "danh sách đen", thường xuyên lấy mẫu kiểm nghiệm; thanh, kiểm tra tần suất lớn nhằm phát hiện sai phạm (nếu có) để ngăn chặn nguy cơ sản phẩm kém chất lượng tới tay người tiêu dùng.
Cục An toàn thực phẩm cũng khuyến cáo người dân, để mua được các sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khoẻ đảm bảo an toàn, người tiêu dùng cần lựa chọn và mua sản phẩm đã được cơ quan chức năng xác nhận cho phép lưu hành (sản phẩm đã được cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc sản phẩm đã được cấp công bố phù hợp quy định, an toàn thực phẩm); Kiểm tra nhãn mác, hạn sử dụng của sản phẩm. Người tiêu dùng tránh mua sản phẩm thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe không rõ nguồn gốc, không qua kiểm soát (như hàng xách tay), quảng cáo và bán trên các trang web, mạng xã hội...
Hoạt chất Sibutramin có nguy cơ gây động kinh hay co giật, đau tim, loạn nhịp tim và đột quỵ, suy gan thận, nguy cơ xuất huyết. Sibutramin nguy hiểm hơn với người mắc các bệnh tim mạch. Hoạt chất này là thủ phạm gây nhiều chứng rối loạn nguy hiểm, đe dọa sức khỏe và tính mạng người sử dụng.
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/lat-tay-nhung-man-thoat-xac-cua-san-pham-thuc-pham-chuc-nang-sau-khi-bi-tuyt-coi-a63584.html