(NTD) – Cuối năm nay, Hưng Lộc Phát sẽ đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, công ty đang đứng trước mối lo cần phải giải quyết nhiều vấn đề để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư khi xây dựng chui 110 biệt thự và “hào phóng” cho cá nhân và các công ty của ông Nguyễn Dư Lực vay gần 748 tỷ đồng không tính lãi suất, không có tài sản bảo đảm.
Xây dựng chui 110 biệt thự
Dự án khu nhà ở tại P. Phú Mỹ, Q.7, TP.HCM với tên gọi thương mại là Green Star Sky Garden (tên gọi khác là Hưng Phát 5 – Green Star) do CTCP Đầu tư Bất động sản Hưng Lộc Phát (Hưng Lộc Phát) làm chủ đầu tư với 110 căn biệt thự và 900 căn hộ.
Dự án Green Star Sky Garden có diện tích 52.648,6m² đã được chủ đầu tư bồi thường, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của người dân là 45.300m², chiếm 86,04% còn 7.348,6m² chiếm 13,96% đất dự án là đất rạch, bờ đất, đường thuộc Nhà nước quản lý.
Hưng Lộc Phát đã được công nhận chủ đầu tư, quy hoạch 1/500, quyết định chấp thuận đầu tư, thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật… nhưng chưa có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất của toàn bộ diện tích nói trên. Dự án Green Star Sky Garden được xây dựng trái phép gần 1 năm nay, 110 căn biệt thự đã hoàn thiện phần thô, 50% căn đã được sơn, lát gạch nhưng đến 22/5 các cơ quan chức năng ở quận 7 mới phát hiện vụ việc.
Giữa tháng 6, UBND quận 7 đình chỉ thi công dự án này do chưa được UBND TP.HCM ra quyết định giao đất, chưa hoàn tất việc chuyển mục đích sử dụng đất.
Vừa qua, trả lời báo chí, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, Võ Văn Hoan nói, Hưng Lộc Phát và cơ quan chức năng đều sai phạm tại dự án Green Star Sky Garden. UBND TP.HCM ra quyết định tạm dừng dự án, tổ chức kiểm điểm cá nhân, đơn vị liên quan, thành lập tổ kiểm tra rà soát lại hồ sơ pháp lý của dự án. Ông Võ Văn Hoan cho biết, khi nào chủ đầu tư chấp hành quyết định xử phạt, liên hệ cơ quan chức năng để hoàn thành, bổ sung giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, UBND TP.HCM sẽ kiểm tra và quyết định cho phép dự án tiếp tục triển khai hay không.
2
Ông Nguyễn Dư Lực và 2 công ty riêng của ông vay Hưng Lộc Phát 748 tỷ đồng không có lãi suất, không tài sản bảo đảm.
Ông Nguyễn Dư Lực chiếm dụng vốn hàng trăm tỷ đồng
Để có vốn tài trợ cho các dự án bất động sản, trong năm 2018 Hưng Lộc Phát đã huy động hàng trăm tỷ đồng từ nhiều nhà đầu tư bằng việc phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ 550 tỷ đồng lên 1.200 tỷ đồng.
Nhằm có nguồn vốn thực hiện các dự án bất động sản cũng như bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh, Hưng Lộc Phát cũng cầm cố hàng loạt quyền sử dụng đất để vay ngân hàng. Vào thời điểm cuối năm 2018, công ty có dư nợ 654 tỷ đồng, tăng 375 tỷ đồng so với đầu năm.
Hiện nay, công ty còn nợ ban quản lý dự án Hưng Phát 2 – Silver Star và Hưng Phát 3 – Golden Star tiền phí bảo trì lần lượt 16,7 tỷ đồng và 17,6 tỷ đồng. Đáng lẽ số tiền này được công ty gửi vào ngân hàng và chờ ngày bàn giao cho các ban quản lý. Thế nhưng, công ty đã chiếm dụng phí bảo trì khi không có bất kỳ khoản tiền gửi nào tại ngân hàng, trong khi tiền mặt tại công ty chưa đến 2 tỷ đồng.
Nguồn vốn hàng trăm tỷ đồng không được công ty dùng cho hoạt động sản xuất kinh doanh mà lại “hào phóng” cho ông Nguyễn Dư Lực, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Hưng Lộc Phát vay 563 tỷ đồng không có lãi suất, không có tài sản bảo đảm.
Cũng dưới hình thức cho vay không có lãi suất và không có tài sản bảo đảm, Hưng Lộc Phát còn cho Công ty TNHH Xây dựng và Sản xuất Hưng Lộc Phát và Công ty TNHH Đầu tư Hưng Lộc Phát Phan Thiết vay tổng cộng 185 tỷ đồng. Đây là 2 công ty mà ông Nguyễn Dư Lực nắm giữ ở tỷ lệ chi phối còn quyền lợi của Hưng Lộc Phát chỉ là thiểu số.
Như vậy, Hưng Lộc Phát đã cho cá nhân và nhóm công ty của ông Nguyễn Dư Lực vay không có lãi suất, không có tài sản bảo đảm lên tới 748 tỷ đồng. Nếu tính lãi suất ưu đãi 8%/năm, công ty đã thiệt hại gần 60 tỷ đồng/năm. Đây là con số rất lớn nếu đặt cạnh lợi nhuận năm 2018 của công ty chỉ đạt 116 tỷ đồng, năm 2017 là 45 tỷ đồng.
Bất ngờ chưa dừng lại đó khi công ty lại đi vay dài hạn 72 tỷ đồng với lãi suất 8%/năm từ ông Nguyễn Dư Lực. Việc này giúp ông Nguyễn Dư Lực dễ dàng bỏ túi riêng 5,76 tỷ đồng/năm từ tiền lãi.
Nguồn vốn kinh doanh eo hẹp với lãi suất cao nhưng công ty hào phóng cho cá nhân và nhóm công ty của ông Nguyễn Dư Lực vay không lãi suất lên 748 tỷ đồng. Điều này khiến nguồn lực công ty bị kiệt quệ nên mới đây, công ty trình cổ đông thông qua việc phát hành trái phiếu không chuyển đổi, bảo đảm hoặc không bảo đảm bằng tài sản có tổng trị giá 2.000 tỷ đồng để bổ sung vốn kinh doanh, thâu tóm doanh nghiệp khác, phát triển quỹ đất…
Vừa qua, tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2019, Hưng Lộc Phát đã thông qua kế hoạch niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán trong năm nay. Với công ty xây chui dự án và ban điều hành chiếm dụng vốn hàng trăm tỷ đồng như Hưng Lộc Phát, liệu đây có phải là địa chỉ tin cậy để nhà đầu tư tham gia góp vốn?
Theo Trí Nguyễn – Người Tiêu Dùng
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/chuan-bi-len-san-hung-loc-phat-gay-mat-niem-tin-cho-nha-dau-tu-a631.html