Ba doanh nghiệp gồm Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), Tổng công ty Lâm nghiệp (Vinafor) và Tổng công ty Chè Việt Nam (Vinatea) đã được nhắc đến trong kết luận thanh tra (KLTT) về việc chấp hành pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai.
Phần còn lại 29.708ha chưa được cấp Giấy CNQSDĐ vì nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có diện tích đất dự kiến bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng nên không lập hồ sơ cấp Giấy CNQSDĐ và đất đang có tranh chấp chưa thực hiện việc cấp Giấy CNQSDĐ.
Công tác xác định ranh giới, cắm mốc, đo đạc, lập bản đồ địa chính của tập đoàn này mới thực hiện được 313.554ha (khoảng 84,4%), diện tích chưa thực hiện là 57.794ha (khoảng 15,6%).
Bên cạnh đó, công tác quản lý hồ sơ đất đai trước đây của tập đoàn được lập còn sơ sài, không đầy đủ, diện tích được giao lại quá lớn dẫn đến khó khăn trong việc theo dõi, quản lý, giải quyết tranh chấp, lấn chiếm đất đai.
Tính đến 31/12/2017, các đơn vị thuộc tập đoàn này còn để 10.710,36ha đất bị lấn chiếm, tập trung ở các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nguyên.
VRG cũng để diện tích đất chồng lấn giữa các công ty thuộc tập đoàn với những đối tượng khác (chủ yếu là người dân) lên tới 1.737,44ha.
Tổng diện tích đất bị lấn chiếm, chồng lấn đến thời điểm thanh tra đã giải quyết được 476,2ha, chưa giải quyết dứt điểm là 11.971,6ha.
Ngoài ra, việc tập đoàn này cho thuê một phần diện tích văn phòng làm việc là chưa thực hiện đúng quy định của Luật Đất đai năm 2013 (tại số 177 Hai Bà Trưng, quận 3, TP.HCM; số 56 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội).
VRG cũng cho mượn đất làm nhà ở để bị lấn chiếm chưa thu hồi được (Nhà E1, phố Tạ Quảng Bửu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội); Tạp chí Cao Su cho thuê làm nhà ở không đúng mục dích được giao (số 680/44 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 25 quận Bình Thạnh và số 143/10 Ung Văn Khiêm, phường 25, quận Bình Thạnh, TP.HCM).
Công ty Tài chính Cao su ký hợp đồng mua tài sản là quyền sử dụng đất năm 2004, 2005 để làm trụ sở văn phòng công ty nhưng không lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, chưa có dự án đầu tư được phê duyệt là vi phạm quy định.
Năm 2008, Công ty TNHH MTV Cao su Mang Zang sử dụng một phần quỹ phúc lợi mua nhà tại số 55, đường Nguyễn Minh Hoàng, phường 12, quận Tân Bình, TP.HCM.
Việc tập đoàn ban hành Quyết định số 183 ngày 3/3/2008 cho phép Công ty Cao su Phú Riềng chuyển giao 96,18ha đất cao su, sau đó UBND tỉnh Bình Phước thu hồi, giao đất, cho thuê đất đối với Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su (không phải là tổ chức kinh tế nên không được thuê đất để thực hiện dự án đầu tư) là chưa thực hiện đúng quy định tại Điều 35, Luật Đất đai 2003.
Ngoài ra, việc Giám đốc Công ty CP Cao su Đồng Phú cho 33 cán bộ, công nhân viên mượn đất phi nông nghiệp làm nhà ở với tổng diện tích 0,81ha tại Trụ sở Nông trường Tân Thành, xã Tân Thành, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước là vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 11 Luật Đất đai năm 2003.
Mặt khác, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Cao su Đồng Nai cho 44 công nhân mượng 2.575,75m2 nhà để ở trên diện tích 3,2ha đất là sử dụng đất sai mục đích, vi phạm Khoản 3 Điều 12 Luật Đất đai năm 2013.
Đối với Vinafor, doanh nghiệp này còn để diện tích đất bị lấn chiếm chưa thu hồi là 7.396,73ha (chiếm 15,44% tổng diện tích được giao, thuê).
Theo KLTT, việc lấn chiếm chủ yếu xảy ra vào giai đoạn 2005 về trước. Những năm sau cơ bản đã khống chế được tình trạng này.
Nguyên nhân được cho là do những năm trước, các lâm trường quốc doanh được giao đất lâm nghiệp nhưng để đất trống nhiều năm không đưa vào sử dụng nên bị hộ dân lấn chiếm.
Đất lâm nghiệp trước đây chưa được đo đạc, cắm mốc và chưa có bản đồ địa chính, không có hồ sơ ranh giới cụ thể nên khi bị lấn chiếm không có đầy đủ hồ sơ pháp lý để xử lý dứt điểm.
Đất lâm nghiệp của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp La Ngà (Đồng Nai) bị các hộ dân lấn, chiếm 492,3ha và tự ý trồng xen các loại cây nông nghiệp, cây ăn quả ngắn ngày dưới tán rừng với diện tích 1.156,18ha.
Đến 31/12/2017, công ty này đã ký 2.444 hợp đồng giao khoán với các hộ dân với diện tích là 3.763,59ha đất theo Nghị định 01 của Chính phủ, sau này chưa ký lại hợp đồng theo Nghị định 135 của Chính phủ.
Đối với Công ty Vinatea, doanh nghiệp này còn để 497,53ha đất bị lấn chiếm, tập trung tại tỉnh Phú Thọ (chiếm 98,5%) đến nay chưa được giải quyết dứt điểm.
Có 2 cơ sở nhà đất chưa thực hiện đo đạc, xác định ranh giới (số 59 An Bình, phường 6, quận 5, TP.HCM và nhà đất tại số 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TP.HCM) do có tranh chấp.
Đáng chú ý, tổng công ty này đưa 12 khu đất để góp vốn liên doanh, liên kết cho thuê lại đất không đúng quy định; thoái vốn không thông qua đấu giá là vi phạm quy định.
Với các sai phạm nêu trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị các doanh nghiệp vi phạm kiểm tra, rà soát đối với việc chuyển mục đích sử dụng đất, cho thuê đất, chuyển nhượng dự án… theo thẩm quyền xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.
Các doanh nghiệp này phải chấn chỉnh, khắc phục xử lý đối với những vi phạm vừa nêu, đồng thời báo cáo với các địa phương để sớm xác định ranh giới, đo đạc, lập bản đồ địa chính, giải quyết dứt điểm diện tích đất bị lấn chiếm, tranh chấp.
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/thanh-tra-diem-ten-vrg-vinafor-vinatea-do-sai-pham-trong-quan-ly-dat-dai-a62809.html