Vạn An Phát vừa bị Tập đoàn Hưng Thịnh tố cáo đến C02 từng dính nhiều nghi vấn lừa đảo khách hàng

Công ty Vạn An Phát không những bị đơn tố cáo vì cáo buộc giả mạo doanh nghiệp để bán hàng từ phía Tập đoàn Hưng Thịnh. Đơn vị này còn nhận về “hàng tá” các phản ánh của khách hàng với nghi vấn lừa đảo.

Công ty Vạn An Phát không những bị đơn tố cáo vì cáo buộc giả mạo doanh nghiệp để bán hàng từ phía Tập đoàn Hưng Thịnh. Đơn vị này còn nhận về “hàng tá” các phản ánh của khách hàng với nghi vấn lừa đảo.

Từ chiêu trò đến bị đơn tố cáo

Mới đây, đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh (Tập đoàn Hưng Thịnh) cho biết đã gửi đơn đến Cục Cảnh sát hình sự (C02) – Bộ Công an nhằm tố cáo Công ty Cổ phần Bất động sản Vạn An Phát (Công ty Vạn An Phát) giả mạo doanh nghiệp để bán hàng.

Theo đơn này, vào ngày 22/1/2021, Tập đoàn Hưng Thịnh bất ngờ nhận được phản ánh từ phía khách hàng về việc nhận được thư mời tham gia chương trình “tri ân khách hàng” vào lúc 8h ngày 24/1/2021, tại tòa nhà Cantavil Hoàn Cầu (số 600 Điện Biên Phủ, phường 22, quận Bình Thạnh, TP.HCM), trong thư là logo Tập đoàn Hưng Thịnh.

Đặc biệt, sau khi Tập đoàn Hưng Thịnh liên hệ đơn vị quản lý tòa nhà là Công ty cổ phần quản lý và khai thác tòa nhà PMC thì được biết không có bất kỳ sự kiện nào được tổ chức tại đây theo thời gian và địa điểm trên. Trong khi đó, cạnh tòa nhà, có một nhóm khoảng 50 người phần lớn đeo bảng tên Công ty Bất động sản Vạn An Phát đang tập trung để đón khách đi Long Thành (Đồng Nai) xem dự án.

Ngoài ra, một người trong nhóm cho biết mình là nhân viên của Công ty Vạn An Phát và công ty này là chủ đầu tư dự án đất nền rất tiềm năng, đang mở bán tại Long Thành và cũng là đối tác có uy tín, có ký kết hợp tác với Tập đoàn Hưng Thịnh để mở bán dự án tại Long Thành. Công ty Hưng Thịnh đang có chương trình tri ân khách hàng, rút thăm trúng thưởng tại nơi mở bán.

Vạn An Phát từng dính rất nhiều lùm xùm liên quan đến nghi vấn lừa đảo. Ảnh IT)

Tuy nhiên, như thông báo trước đó, Tập đoàn Hưng Thịnh khẳng định không có bất kỳ hoạt động nào liên quan đến Công ty Bất động sản Vạn An Phát cũng như không tổ chức và tiến hành gửi bất kỳ thư mời nào cho khách hàng về sự kiện trên do đó thư mời nói trên là hoàn toàn giả mạo.

Đại diện Tập đoàn Hưng Thịnh còn cho biết, đây là hành vi giả mạo công ty để lừa dối khách hàng trong hoạt động bán hàng và hiện công ty này đã phối hợp với Văn phòng Thừa phát lại huyện Bình Chánh lập vi bằng các hành vi có dấu hiệu vi phạm của Công ty Vạn An Phát.

Ngược lại, ngày 29/01/2021, Công ty Vạn An Phát gửi thông báo phản hồi đến Tập đoàn Hưng Thịnh và khẳng định lãnh đạo công ty khộng chủ trương và không có bất kỳ chỉ đạo nào về việc giả mạo thư mời nếu có chỉ là do nhân viên hoặc một nhóm “tự ý” thực hiện? Chưa hết, doanh nghiệp này chỉ tỏ thái độ “rất lấy làm tiếc” dù sự việc đã ảnh hưởng nhiều đến danh dự, uy tín cũng như hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Hưng Thịnh.

Theo Điều 45.3 và 45.5a Luật Cạnh tranh 2018, nếu có xảy ra việc giả mạo trên thì đơn vị giả mạo có dấu hiệu vi phạm về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, gây ảnh hưởng đến uy tín, tài chính, kinh doanh của doanh nghiệp; lôi kéo khách hàng bất chính về hình thức đưa thông tin gian dối cho khách hàng.

Nghi vấn “treo đầu dê bán thịt chó”

Việc lừa đảo khách hàng mua đất thành phố nhưng xem đất ở vùng ven vốn không phải là chiêu trò mới của Công ty Vạn An Phát. “Năm ngoái (2020-PV), Tôi cần mua nhà tại Quận 9, lên mạng tìm kiếm thì thấy 1 căn vừa ý, khi liên hệ thì được một người tên Linh hẹn tôi sáng mai đến Công ty của Vạn An Phát thuộc địa chỉ 526 Điện Biên Phủ, phường 21, quận Bình Thạnh để xem giấy tờ nhà. Nhưng khi tôi đến nơi thì thấy địa chỉ là của nhà hàng Saphire chứ không phải văn phòng công ty gì.

Tại đây, có từ 3 đến 4 xe 50 chỗ được chờ sẵn, khách hàng cả trăm người, cứ mỗi khách hàng có một nhân viên tư vấn và hứa sẽ chở khách đến các địa điểm khách hàng muốn mua nhà trước đó. Nhưng khi lên xe, tôi và nhiều khách hàng mới được biết được chở đi Long Thành, Đồng Nai để xem đất nền. Cảm thấy mình bị lừa, tôi yêu cầu họ giải quyết cho tôi xuống xe để về nhà thế là họ dừng giữa ngay cao tốc kêu có xe đến rước. Đứng đợi mãi, không thấy xe đâu, tôi và bạn tôi muốn khóc luôn nhưng may mới vô cao tốc một chút nên chúng tôi quyết đinh đi bộ ra Xa lộ Hà Nội để bắt Grab về.” – chị Đào, ngụ quận Hóc Môn phẫn nộ cho hay.

Trường hợp chị Đào cũng còn may mắn hơn so với các khách hàng đã đặt cọc khi mua đất nền do Công ty Vạn An Phát phân phối. Cụ thể, anh Thắng ngụ quận Phú Nhuận cho biết, khi đến xem đất tại Đồng Nai do công ty Vạn An Phát phân phối, anh được nhân viên tư vấn mời gọi và hứa hẹn ra sổ đỏ trong 3 tháng, thế là anh đã đặt cọc 31 triệu đồng tiền giữ chỗ mua đất, nhưng trong hợp đồng có ghi phải nộp tiếp 540 triệu (tương tương 30% giá trị hợp đồng) trong một ngày sau nếu không sẽ mất tiền đặt cọc. Khi về nhà tìm hiểu, anh biết “dự án” này pháp lý không rõ ràng nên quyết định không đóng tiếp số tiền 30%, đồng nghĩa anh bị mất số tiền đã đặt cọc trước đó.

Một số khách hàng còn phản ánh đến Tạp chí Doanh nghiệp & Đầu tư rằng Vạn An Phát lừa đảo có quy trình. Khách hàng muốn đến xem đất phải đi xe do công ty này sắp xếp, trên xe có một số khách hàng cũng là nhân viên của chính công ty, sẵn sàng bỏ tiền để mua đất dù chưa xem tường tận pháp lý dự án nhằm làm “mồi”, tạo niềm tin cho các khách hàng.

Khi khách hàng đã xuống tiền tiền đặt cọc chỉ có hai con đường là đúng tiếp số tiền theo giai đoạn đã ký trong hợp đồng, hai là sẵn sàng bỏ tiền đặt cọc để tránh tổn thất nhiều hơn. Vì theo những khách hàng này, các dự án như Golden Center, Golden Town, Phước Bình Risidence, Long Phước Royal, Phước Thái Risidence… một phần chưa hoàn thiện pháp lý, một phần không có sổ đỏ cũng như quảng cáo sai sự thật, gây nhầm lẫn cho khách hàng.

Theo các chuyên gia pháp lý, phiếu đặt chỗ hay giấy đặt cọc là để bảo đảm cho việc giao kết hợp đồng, có hiệu lực pháp lý và phương thức thanh toán trên giấy đặt cọc cũng có giá trị pháp lý. Tuy nhiên, nếu dự án mà công ty này bán chưa được phép giao dịch trên sàn (chưa san lấp mặt bằng, chưa xây dựng cơ sở hạ tầng…) thì khách hàng có quyền yêu cầu trả lại tiền cọc hoặc khởi kiện ở tòa án có thẩm quyền để được giải quyết.

Theo Thanh Liêm/DNĐT

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/van-an-phat-vua-bi-tap-doan-hung-thinh-to-cao-den-c02-tung-dinh-nhieu-nghi-van-lua-dao-khach-hang-a62802.html