Vì sao du lịch tâm linh ngày càng nở rộ?

Một số ý kiến cho rằng, “khu du lịch tâm linh” mọc lên ồ ạt, mượn danh tâm linh để kinh doanh, kiếm lợi. Việc này phải lên án mạnh mẽ.

Một số ý kiến cho rằng, “khu du lịch tâm linh” mọc lên ồ ạt, mượn danh tâm linh để kinh doanh, kiếm lợi. Việc này phải lên án mạnh mẽ.

Việc tỉnh Hòa Bình có văn bản gửi Thủ tướng đề xuất cho chuyển đổi khoảng 47ha đất trồng lúa xây dựng khu du lịch sinh thái tâm linh Lạc Thủy tại xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy mới bắt đầu lắng xuống thì mới đây dự án Khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú (Đồng Văn, Hà Giang) lại gây xôn xao dư luận.

Không chỉ tại Hà Giang hay Hòa Bình, những dự án như khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên); chùa Tam Chúc (Hà Nam); khu văn hoá tâm linh chùa Bái Đính (Ninh Bình)… cũng từng nhận được sự quan tâm của dư luận. Câu hỏi mà nhiều người đặt ra là, với điều kiện kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn, nhiều địa phương nghèo thậm chí còn thiếu thốn trường học, bệnh viện như Hà Giang vì sao việc đầu tư vào du lịch tâm linh lại ngày càng được quan tâm và nở rộ?

Dự án Khu du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh Lũng Cú đang thu hút sự quan tâm của dư luận vì quy mô xây dựng bề thế, án ngữ vị trí đẹp ngay sát danh thắng địa đầu Tổ quốc.

Toàn cảnh dự án Khu du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh Lũng Cú.

Dự án được đầu tư bởi Công ty CP Phúc Lộc Hà Giang. Doanh nghiệp đã hoàn tất quá trình khoét núi tạo mặt bằng và đang xây dựng các gian chùa, bậc thang và các công trình lưu trú.

Với quy mô bề thế, lại lấn vào một phần diện tích của khu vực bảo vệ I và II của cột cờ (theo xác nhận của Bộ Văn hóa), công trình bị đặt nhiều câu hỏi về nguy cơ ảnh hưởng đến di tích và môi trường, cảnh quan xung quanh.

Trước sự phản ánh gay gắt từ dư luận, mới đây, Bộ Văn hóa đã có công văn đề nghị UBND tỉnh Hà Giang kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những sai phạm tại 2 dự án này.

Mượn danh tâm linh để kiếm lợi

Theo báo Đất Việt, lý giải hiện tượng trên, ĐBQH Hoàng Văn Cường cho rằng, niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng là điểm tựa tinh thần cho con người, đến nơi thờ tự ngoài cầu xin sự phù trợ của đấng siêu nhiên quan trọng hơn là đến để xin sửa mình, trở về với chính mình theo hướng thiện. Vì thế, những ngôi chùa có khi lại là nơi người dân gửi gắm niềm tin, là nơi giúp con người sống tốt hơn, lành mạnh hơn.

Tuy nhiên, thực tế vẫn có những “khu du lịch tâm linh” mọc lên ồ ạt, mượn danh tâm linh để kinh doanh, kiếm lợi. Việc này phải lên án mạnh mẽ.

Ông Cường nói thêm, chính sách trong thu hút đầu tư phát triển các dự án tâm linh luôn có nhiều ưu đãi nhằm đáp ứng nhu cầu phát triên thực tế, đáp ứng nhu cầu mộ đạo của người dân.

Nhưng cũng chính vì những ưu đãi trên mà nhiều nhà đầu tư, nhiều dự án lợi dụng, lách luật, mượn danh nghĩa tâm linh để nhập nhèm, kinh doanh, kiếm lợi.

Còn PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Du lịch, Tổng Cục Du lịch cho rằng “xây dựng dự án tâm linh đang nở rộ như một cơn nghiện”. Ông nói thẳng, có hiện tượng trên là do du lịch tâm linh tại Việt Nam đang bị méo mó, biến dạng về văn hóa, tín ngưỡng.

PGS.TS Phạm Trung Lương cho hay, ở một số nước theo đạo Phật, mỗi quốc gia chỉ có một trung tâm Phật giáo. Đến những ngày nhất định người dân mới hành hương tới đó, đó được gọi là du lịch tâm linh. Du lịch tâm linh là phải gắn với đức tin, khát vọng hướng về nguồn cội của con người.

Thông qua du lịch, du khách được trực tiếp tiếp xúc, cảm nhận, trải nghiệm, từ đó nuôi dưỡng và phát triển các giá trị tâm linh tín ngưỡng từ trong tiềm thức của mình.

Tuy nhiên, ở Việt Nam thời gian qua việc xây dựng tràn lan các dự án tâm linh, trong đó bao gồm chùa, tượng phật được xây mới hoặc tu bổ, sửa chữa trên nền chùa cũ khá phổ biến tại hầu hết các tỉnh thành, địa phương.

Chùa Tam Chúc (Hà Nam)

Có hiện tượng trên, PGS Phạm Trung Lương cho rằng đó là vì mục đích kinh doanh. Xây dựng dự án tâm linh nhưng lại kinh doanh trên lòng tin tín ngưỡng.

Chính vì mục đích kinh doanh là tối thượng nên các dự án đều hướng tới mục tiêu là mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư. Ngay cả lợi ích của nhà chùa, của những nhà sư trụ trì tại các ngôi chùa này cũng có nhiều vấn đề phải xem xét.

“Dư luận nhắc nhiều tới “BOT cổng chùa” cũng không sai vì khi đã đầu tư nhà đầu tư phải tìm nguồn thu. BOT cổng chùa cũng là một cách để thu. Thu từ tiền đóng góp của con nhang, đệ tử, thu từ nguồn công đức cũng là một nguồn thu.

Lãng phí tài nguyên đất đai

Theo báo Tuổi trẻ, nói về những dự án du lịch tâm linh hiện nay, luật sư Nguyễn Tiến Lập (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng đó là những dự án mập mờ, không rõ chùa trong các dự án này để thực hành tín ngưỡng hay là cơ sở kinh doanh của doanh nghiệp.

Luật sư Lập bày tỏ quan ngại về sự lập lờ giữa một công trình tôn giáo với một dự án du lịch có thể dẫn đến những tiêu cực về thuế, đất đai, nguồn vốn…

Bởi lẽ, một dự án kinh tế làm du lịch thì các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, nguồn vốn… rất khác với một công trình văn hóa tôn giáo, và các chủ đầu tư các dự án này đều nói doanh nghiệp xây xong là giao cho Giáo hội Phật giáo quản lý chứ họ không quản lý như một sản phẩm du lịch.

Dưới góc nhìn của người làm du lịch, TS Trịnh Lê Anh – giảng viên khoa du lịch, Trường Đại học Khoa học, xã hội và nhân văn Hà Nội – lại có cái nhìn khác. Ông cho biết trên thế giới du lịch tâm linh đang là cơ hội cho ngành du lịch, vì thu hút được một lực lượng đông đảo người dân có tín tâm.

Còn ở Việt Nam, các khu du lịch tâm linh đang tạo ra một dòng lưu chuyển khách du lịch, tạo ra một điểm đến văn hóa của người dân, và đó là một sự thành công của những nhà đầu tư khôn ngoan.

Tuy nhiên, TS Trịnh Lê Anh cũng thừa nhận rằng song hành với những lợi ích của du lịch tâm linh sẽ là những thứ phải trả giá như “lãng phí về tài nguyên đất đai”.

P.V (tổng hợp) - Theo Môi trường & Đô thị

https://www.moitruongvadothi.vn/do-thi/bat-dong-san/vi-sao-du-lich-tam-linh-ngay-cang-no-ro-a58506.html

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/vi-sao-du-lich-tam-linh-ngay-cang-no-ro-a6277.html