Mối quan hệ giữa Apple và Facebook đang nóng dần lên. Hai bên thường xuyên đưa ra những lời nhận xét thiếu thiện cảm về phía nhau. Trong khi đó, chính sách về quyền riêng tư trên iOS đang dần siết chặt bộ máy quảng cáo nhắm mục tiêu của Facebook.
Hai gã khổng lồ công nghệ có quan điểm – và cả mô hình kinh doanh – khác xa nhau. Facebook nói việc thu thập dữ liệu người dùng sẽ mang đến trải nghiệm tốt hơn, Apple nghĩ mạng xã hội đã can thiệp quá mức vào cuộc sống con người, nguyên nhân sâu xa của vấn nạn tin giả và thuyết âm mưu tràn lan.
Quả táo cũng cho rằng người dùng được quyền lựa chọn chia sẻ hay không dữ liệu cá nhân của họ với các ứng dụng khác, trong đó có Facebook.
Apple dần siết chặt việc thu thập dữ liệu trên iPhone. Trong iOS 14, mỗi khi có ứng dụng nào đó sử dụng camera hoặc micro, một chấm ở góc trên cùng bên phải màn hình sẽ sáng lên để báo hiệu.
Bật Control Center, người dùng sẽ nhìn thấy những ứng dụng vừa truy cập camera hay micro trước đó. Tính năng này hoàn toàn tự động, không cần kích hoạt và cũng không thể vô hiệu hóa.
Mỗi khi sao chép/dán nội dung, thông báo dạng popup sẽ hiện ra, giúp người dùng biết chính xác dữ liệu được lấy từ đâu. Nhờ vậy, bạn cũng phát hiện ứng dụng nào đang truy cập vào cliboard của mình.
Ngoài ra, người dùng cũng có thể giới hạn khả năng truy cập ảnh, vị trí và quyền theo dõi của các ứng dụng. Tính năng này được Apple thiết kế lại, hướng đến việc ngăn phần mềm của bên thứ 3 có toàn quyền truy cập vào mọi dữ liệu trên iPhone.
Thậm chí đối với những ứng dụng không quá cần thiết, người dùng có thể cung cấp vị trí gần đúng, thay vì chính xác hoàn toàn.
Trên kho App Store, từ phiên bản iOS 14.3, Apple yêu cầu các nhà phát triển phải mô tả chính xác dữ liệu sẽ thu thập, theo dõi và liên kết, từ đó người dùng có thể quyết định cài đặt ứng dụng hay không.
Tính năng Nutrition Labels xuất hiện trên App Store từ tháng 12/2020 đã phơi bày chính xác những gì Facebook Messenger thu thập. Cùng với thông báo của Facebook về việc dùng dữ liệu WhatsApp để quảng cáo, dẫn đến tình trạng làn sóng người dùng chuyển sang các ứng dụng nhắn tin mã hóa như Signal.
Trong vài tháng tới, người dùng iPhone sẽ được quyền chọn cho phép ứng dụng Facebook thu thập dữ liệu hay không. Nếu người dùng từ chối, Apple sẽ ngăn Facebook làm như vậy. Đây sẽ là cú đâm chí mạng đối với một công ty sống nhờ vào quảng cáo như Facebook. Không có dữ liệu khách hàng, đồng nghĩa với "cái chết".
Tim Cook đã ám chỉ việc thu thập dữ liệu của các công ty như Facebook dẫn đến vấn nạn thông tin sai lệch và thuyết âm mưu tràn lan trên mạng Internet.
“Chúng ta không thể tiếp tục nhắm mắt làm ngơ trước một lý thuyết công nghệ nói rằng tất cả tương tác đều tốt - càng lâu càng tốt - và tất cả đều với mục tiêu thu thập càng nhiều dữ liệu càng tốt”, CEO Apple cho biết.
Ông cho rằng quảng cáo đã tồn tại hàng thập kỷ trước khi công nghệ bắt đầu thu thập lượng lớn dữ liệu trên các trang web và ứng dụng.
“Chúng tôi thấy hoạt động kinh doanh của Apple ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào việc giành thị phần ứng dụng và dịch vụ cạnh tranh với chúng tôi cùng các nhà phát triển khác”, Mark Zuckerberg phát biểu công khai trong cuộc họp thông báo kết quả kinh doanh của Facebook trong quý tài chính cuối cùng của 2020.
CEO Facebook cho rằng chính Apple lợi dụng vị thế nền tảng thống trị của mình để chèn ép đối thủ, tạo lợi thế riêng đối với ứng dụng, dịch vụ của mình, thay vì tôn trọng quyền riêng tư của khách hàng.
“Tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng ta coi Apple là một trong những đối thủ cạnh tranh lớn nhất của mình. iMessage là mấu chốt quan trọng trong hệ sinh thái của họ. Nó được cài đặt sẵn trên mọi iPhone và nhận ưu tiên cao nhất”, Mark Zuckerberg đánh giá.
“Vì vậy, Apple có động cơ để can thiệp vào cách ứng dụng của chúng tôi và các ứng dụng khác hoạt động, tạo ra ưu thế riêng cho mình”.
Facebook còn tố Apple đang “đánh tráo khái niệm” tạo ra sự sợ hãi cho người dùng trong vấn đề quyền riêng tư.
“Lời nhắc của Apple được thiết kế để đánh đồng, tạo ra sự nhầm lẫn giữa quảng cáo cá nhân hóa và quyền riêng tư; trong khi thực tế chúng tôi có thể cung cấp cả hai”, phát ngôn viên của Facebook cho biết.
Tuy nhiên, thay vì công khai rằng khi không có dữ liệu khách hàng, bộ máy quảng cáo nhắm mục tiêu của mình sẽ ngưng trệ, Facebook lập luận chính sách mới của Apple ngăn cản các doanh nghiệp nhỏ xác định đối tượng người dùng để quảng cáo.
“Điều này ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của hàng triệu doanh nghiệp trên khắp thế giới, nhiều công ty nhỏ sẽ không thể tiếp cận khách hàng của họ thông qua quảng cáo nhắm mục tiêu”, Mark Zuckerberg nói với các nhà đầu tư.
Trên cơ bản, mô hình kinh doanh chính hiện nay của Apple là bán sản phẩm phần cứng kèm theo phần mềm và dịch vụ xoay quanh. Theo báo cáo tài chính quý I/2021 (kết thúc vào ngày 26/12/2020) của Apple, tổng doanh thu đạt 111,4 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, mảng dịch vụ chỉ mang lại 15,8 tỷ USD (14,2%), trong khi chỉ riêng iPhone đã thu về 65,6 tỷ USD (58,9%) hay một lĩnh vực kinh doanh hẹp như Thiết bị đeo, Gia đình và Phụ kiện cũng kiếm được 13 tỷ USD.
Apple không kinh doanh quảng cáo nhắm mục tiêu, họ không cạnh tranh với Facebook, Google trong lĩnh vực này, nhưng cũng không có sự hợp tác nào đáng kể. Thay vào đó, họ tập trung quảng bá tính năng bảo mật trên hệ sinh thái của mình.
Từ lâu Apple đã nhiều lần "chọc tức" các đối thủ về điều này. Nhiều người còn nhớ chiến dịch quảng cáo đơn giản nhưng hiệu quả của hãng hồi đầu năm 2019.
Ngay bên cạnh trung tâm hội nghị Las Vegas, nơi tổ chức triển lãm CES 2019, Apple đặt biển quảng cáo khổng lồ, cao hàng chục tầng của tòa nhà với dòng chữ "Những gì xảy ra trên iPhone của bạn, sẽ ở lại trong iPhone của bạn". Bên dưới là đường dẫn đến điều khoản về bảo mật và quyền riêng tư của hãng.
Quảng cáo này xuất hiện sau thời điểm hàng loạt vi phạm về quyền riêng tư trên Android bị phanh phui.
[caption id="attachment_62478" align="aligncenter" width="599"] Tim Cook thường xuyên chỉ trích mô hình kinh doanh của các công ty dựa trên quảng cáo nhắm mục tiêu. Ảnh: Bloomberg.[/caption]
Gần đây, trong hội nghị Máy tính, Quyền riêng tư và Bảo vệ dữ liệu (CPDP), Tim Cook đã lên án gay gắt vấn đề khai thác quyền riêng tư của người dùng. CEO Apple nhấn mạnh tình trạng người dùng đang trở thành sản phẩm để các doanh nghiệp khai thác thông qua quảng cáo. Tim Cook cho rằng Facebook đang kinh doanh bằng dữ liệu người dùng và "không đáng được tôn trọng".
Cùng với hàng loạt động thái khác, hãng đã xây dựng nên hình tượng iPhone bảo mật cao, bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dùng, các ứng dụng được kiểm soát chặt chẽ; Apple là doanh nghiệp tôn trọng quyền riêng tư, là “ngọn cờ đầu” trong cuộc chiến chống lại việc thu thập dữ liệu để bán quảng cáo.
Vô hình trung, khi nhìn sang hệ sinh thái Android, người dùng có cảm giác kém an toàn hơn. Cùng sử dụng những app giống nhau, nhưng trên iOS họ biết được ứng dụng đang truy cập vào những mục nào, lấy đi dữ liệu gì, đồng thời họ có thể lựa chọn cho phép điều đó diễn ra hay không, một cách dễ dàng, trực quan.
Ngoài ra, quan điểm của Mark Zuckerberg cũng không hẳn vô lý hoàn toàn. Không ít lần Apple bị chỉ trích vì tạo ra “đặc quyền, đặc lợi” cho các phần mềm, dịch vụ của mình.
Mảng kinh doanh dịch vụ dù hiện tại chiếm tỷ lệ khá nhỏ, nhưng có mức tăng trưởng ổn định, liên tục trong 5 năm qua, kể cả khi lĩnh vực phần cứng có nhiều biến động.
Tháng 9/2020, Táo khuyết tung ra gói thuê bao Apple One, gom tất cả các dịch vụ như iCloud, Music, TV+, News+… thành một. Điều này cho thấy hãng cũng bắt đầu tìm cách tăng tốc mảng dịch vụ của mình.
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/apple-cho-hang-ty-nguoi-dung-android-ly-do-de-mua-iphone-a62473.html