Trong thời gian vừa qua, tình trạng xung đột xảy ra giữa cư dân và chủ đầu tư tại chung cư vẫn đang bùng nổ với xu hướng ngày càng gia tăng. Để giải quyết vấn đề này cần hành lang pháp lý rõ ràng trong mô hình hoạt động Ban quản trị chung cư
Tính đến đầu năm 2020, Hà Nội có 833 chung cư thương mại đã đưa vào sử dụng với trên 230.000 căn hộ. Trong đó, hơn 80 chung cư xảy ra tranh chấp . Sở xây dựng thành phố đã thành lập tổ công tác đi giải quyết, hiện 79 chung cư có tranh chấp đã giải quyết xong. Gần 600 chung cư đã thành lập Ban quản trị và khoảng 500 chung cư hoàn thành việc bàn giao hồ sơ; trên 300 chung cư đã bàn giao quỹ bảo trì 2%. Ngoài ra, thành phố hiện có 174 toà chung cư tái định cư đang hoạt động, trong đó 82 toà bầu Ban quản trị, 44 toà đang tổ chức hội nghị lần 2, 50/82 nhà chung cư đã bàn giao kinh phí bảo trì 5%.
Thực tế cho thấy, việc thành lập Ban quản trị chung cư (BQT) đóng vai trò quan trọng quản lý, giải quyết các mâu thuẫn tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư. Thế nhưng việc chậm trễ trong việc thành lập BQT đang là một trong những nguyên nhân chính khiến việc tranh chấp chung cư phát sinh, kéo dài tạo ra nhiều hệ luỵ cho xã hội.
Theo Luật sư Hà Kim Tâm – Chủ tịch Công ty luật Onekey & Partnes cho rằng, nguyên nhân chính của vấn đề tranh chấp dựa trên 3 yếu tố gồm: Chủ đầu tư, cư dân và cơ chế chính sách.
Trong đó, về phía các chủ đầu tư hoặc đơn vị được giao quản lý vận hành nhà chung cư còn chậm hoặc kéo dài thời gian tổ chức hội nghị nhà chung cư làm cản trở quá trình thành lập Ban quản trị. Một số chủ đầu tư nhà chung cư thương mại còn có tư tưởng không muốn thành lập Ban quản trị vì không muốn thay đổi đơn vị quản lý vận hành hoặc không muốn bàn giao kinh phí bảo trì 2% cho Ban quản trị theo quy định.
Đặc biệt, các cơ chế chính sách, các quy định của pháp luật trước đây chưa quy định cụ thể trách nhiệm của chủ đầu tư, các chủ sở hữu nhà chung cư, các cấp chính quyền trong công tác quản lý vận hành nhà chung cư. Đến nay vẫn chưa có chế tài xử lý nếu để xảy ra tình trạng chậm thành lập Ban quản trị cũng như chậm bàn giao kinh phí bảo trì 2%...
Luật sư Hà Kim Tâm cho rằng, để giải quyết vấn đề này, cần có chế tài xử lý nghiêm với các chủ đầu tư dự án nhà chung cư vi phạm trong lĩnh vực quản lý nhà chung cư. Bộ Xây dựng cần có hướng dẫn chi tiết về mô hình hoạt động của Ban quản trị, quy định hiện nay còn chưa rõ ràng khiến việc thực hiện còn nhiều vướng mắc hoặc hiểu chưa đúng, dẫn đến thực hiện máy móc. Đồng thời cần có chế tài cụ thể xử lý các vi phạm nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư để giúp cho BQT thực hiện vai trò của mình và quy định rõ rành về cơ chế giám sát hoạt động của BQT.
Bên cạnh đó, Ban quản trị cũng cần có trách nhiệm, nhận thức cao hơn tính chuyên nghiệp trong công tác quản lý vận hành để đảm bảo sự hài lòng của cư dân.
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/can-hanh-lang-phap-ly-cho-hoat-dong-cua-ban-quan-tri-chung-cu-a61889.html