Trái phiếu doanh nghiệp: “Bom nợ” hiển hiện - Bài 3: Đừng để doanh nghiệp lớn và ngân hàng “độc chiếm vốn”

Năm 2020, Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ ban hành nhiều quy định siết chặt quản lý thị trường trái phiếu. Thế nhưng, việc “phanh gấp” vô hình trung tạo ra các bất cập khác.

Năm 2020, Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ ban hành nhiều quy định siết chặt quản lý thị trường trái phiếu. Thế nhưng, việc “phanh gấp” vô hình trung tạo ra các bất cập khác.

Lãi suất cao ngất ngưởng, điều kiện phát hành dễ dãi khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng nóng trong 2 năm qua. Tuy nhiên, rủi ro đang dần hiện hữu khi thời gian đáo hạn trái phiếu đến gần, mà khả năng trả nợ của doanh nghiệp lại suy giảm nghiêm trọng. Nhằm siết lại thị trường trái phiếu, một loạt nghị định mới được ban hành. Song cũng từ đây, nhiều bất cập khác lại nảy sinh.

Bài 3: Đừng để doanh nghiệp lớn và ngân hàng “độc chiếm vốn”

Trước sự tăng trưởng quá nóng và méo mó của thị trường trái phiếu, năm 2020, Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ ban hành nhiều quy định siết chặt quản lý thị trường này. Thế nhưng, việc “phanh gấp” vô hình trung tạo ra các bất cập khác.

Thay vì hạn chế doanh nghiệp phát hành trái phiếu, cơ quan quản lý cần có cơ chế chặt chẽ hơn về minh bạch thông tin và mở ra cơ hội cho mọi nhà đầu tư)

Phanh gấp, vốn chảy chỗ trũng

Sau nhiều lần cảnh báo nhưng không hạ được sức nóng của thị trường, nửa cuối năm 2020, Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 81/2020/NĐ-CP (Nghị định 81) sửa đổi, bổ sung Nghị định 163/2018/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 1/9/2020. Tiếp đó, cuối năm 2020, Chính phủ cũng ban hành Nghị định 153/2020/NĐ-CP (Nghị định 153) quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

Cả 2 nghị định trên đều siết chặt điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Đặc biệt, theo Nghị định 153, doanh nghiệp chỉ được phát hành trái phiếu nếu không có nợ quá hạn 3 năm liên tiếp, đối tượng mua trái phiếu doanh nghiệp cũng bị hạn chế trong phạm vi nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp (loại nhà đầu tư nhỏ lẻ khỏi cuộc chơi trái phiếu).

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) khẳng định, việc thay đổi quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp không phải nhằm “siết” hay “nới” thị trường này. Mục đích cuối cùng của cơ quan quản lý là tạo môi trường pháp lý minh bạch, tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn, song cũng đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư.

Đồng tình quan điểm này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc siết lại điều kiện phát hành sẽ gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, song lại là sự cần thiết cho thị trường. Những doanh nghiệp không đủ điều kiện phát hành trái phiếu sẽ phải quay về tín dụng.

Thế nhưng, quan sát thị trường cho thấy, dòng chảy trái phiếu doanh nghiệp đang dồn vào ngành ngân hàng và các doanh nghiệp lớn. Cụ thể, sau khi Nghị định 81 có hiệu lực, lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công 3 tháng sau đó (tháng 9 đến tháng 11/2020) chỉ trên dưới 10.000tỷ đồng, bằng 1/4 lượng trái phiếu phát hành tháng 8/2020, bên phát hành chủ yếu là ngân hàng. Tháng 12/2020, lượng trái phiếu phát hành thành công tăng vọt, hơn 43.000 tỷ đồng, song cũng chủ yếu là của các tổ chức tín dụng (hơn 55%). Số lượng phát hành riêng lẻ thành công còn lại cũng hầu hết của các doanh nghiệp lớn.

Việc vốn huy động từ thị trường trái phiếu thay vì chảy vào doanh nghiệp lại đổ về ngân hàng, thay vì chảy vào doanh nghiệp nhỏ và vừa lại dồn hết cho doanh nghiệp lớn cho thấy, tái cơ cấu thị trường vốn còn cả chặng đường dài. Nhiều doanh nghiệp cho hay, sở dĩ họ phải tìm đến kênh trái phiếu doanh nghiệp bởi không thể tiếp cận vốn ngân hàng. Nhưng nếu kênh trái phiếu cũng bị chặn, doanh nghiệp chỉ còn cách tìm vốn ở thị trường phi chính thức.

Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại, siết chặt điều kiện phát hành trái phiếu chỉ có lợi cho các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp lớn, trong khi doanh nghiệp nhỏ sẽ ngày càng lún sâu vào phận “làm thuê”. Chưa kể, các nghị định trên cũng chưa giải quyết được những “điểm mờ” lớn nhất của thị trường trái phiếu hiện nay (nghi vấn đảo nợ, trốn thuế, những thương vụ dàn xếp phát hành và mua bán trái phiếu doanh nghiệp…).

Theo luật sư Trương Thanh Đức, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), chính sách của chúng ta không đồng bộ, khi nới quá lỏng, khi siết quá chặt. Chúng ta khuyến khích doanh nghiệp thành lập công ty, khuyến khích đa dạng hóa kênh huy động vốn, song thực tế lại đóng sập cửa huy động vốn trước mắt họ. Đáng lẽ, doanh nghiệp phải tìm vốn trung, dài hạn ở thị trường trái phiếu, cổ phiếu, còn ngân hàng chỉ là nguồn cung vốn ngắn hạn. Nhưng ở nước ta, ngân hàng chủ yếu huy động vốn ngắn hạn tập trung cho vay trung, dài hạn.

“Hai năm vừa qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển đã giảm được phần nào áp lực cho ngân hàng. Nếu bây giờ chúng ta siết quá chặt trái phiếu doanh nghiệp, vốn của cả nền kinh tế quay lại phụ thuộc vào ngân hàng như giai đoạn trước, đây là điều rất phi lý”, luật sư Trương Thanh Đức nhận xét.

Việc tiếp tục để ngân hàng, doanh nghiệp lớn “độc quyền” vốn của nền kinh tế, theo các chuyên gia, sẽ gây rủi ro cho cả ngân hàng, doanh nghiệp lẫn nền kinh tế. “Chúng ta phải phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nếu không muốn nền kinh tế tiếp tục lệ thuộc vào vốn ngân hàng. Doanh nghiệp cần nhiều kênh huy động vốn khác ngoài ngân hàng. Tất nhiên, việc thường xuyên phải “nắn chỉnh” thị trường này là cần thiết để chuyên nghiệp và minh bạch hơn”, ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM nói.

Tạo sân chơi công bằng và cửa huy động vốn cho doanh nghiệp

Mặc dù trái phiếu doanh nghiệp phát triển mạnh hai năm qua, song quy mô chỉ mới chiếm 14% GDP, còn nhỏ bé so với nhiều nước trong khu vực (hơn 20%). Do đó, không nên siết chặt quá mức thị trường này. Việc nắn chỉnh thị trường, theo các chuyên gia, nên thận trọng từng bước một, đi kèm với việc nâng cao trách nhiệm công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành và vai trò của đơn vị tư vấn phát hành.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, trái phiếu doanh nghiệp không phải là lãi suất tiết kiệm, người dân muốn an toàn thì gửi ngân hàng, muốn lãi suất cao thì mua trái phiếu doanh nghiệp, đương nhiên lãi suất cao thì rủi ro cao. Cơ hội và lãi suất, rủi ro và lợi nhuận luôn là nguyên tắc song hành. Thay vì hạn chế doanh nghiệp phát hành, cơ quan quản lý cần có cơ chế chặt chẽ hơn về minh bạch thông tin và mở ra cơ hội cho mọi nhà đầu tư.

“Nếu siết chặt như hiện nay, doanh nghiệp nhỏ bị siết hết cửa huy động vốn, lại phải tìm đến tín dụng đen. Theo tôi, thắt chặt quản lý để hướng tới sự phát triển an toàn, chuyên nghiệp là đúng, song không nên cào bằng mà phải tạo ra sân chơi công bằng, công khai, minh bạch”, ông Đức đề nghị.

Cũng theo vị luật sư này, Chính phủ cần có cơ chế “thoáng” hơn để doanh nghiệp - thậm chí là doanh nghiệp khởi nghiệp - cũng có thể phát hành trái phiếu để gọi vốn. Tuy nhiên, cần có cơ chế để doanh nghiệp bắt buộc phải sòng phẳng thông tin về tài chính, tình hình nợ nần, phương án sử dụng vốn, phương án trả nợ… Những doanh nghiệp đưa ra thông tin gian dối phải có chế tài xử phạt nặng. Đương nhiên, sẽ có những vụ doanh nghiệp phát hành trái phiếu mất khả năng trả nợ, song do phát hành riêng lẻ, mức độ ảnh hưởng đến thị trường không lớn. Hơn nữa, một vài doanh nghiệp đổ vỡ cũng là sự cảnh tỉnh cần thiết cho nhà đầu tư.

Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng, giải pháp dài hạn cho thị trường vẫn là đẩy mạnh thị trường thứ cấp, doanh nghiệp phát hành phải được xếp hạng tín nhiệm… Việc phát triển thị trường thứ cấp (mua đi, bán lại) sẽ tăng tính thanh khoản cho thị trường. Nhà đầu tư cũng sẽ có tâm lý lựa chọn trái phiếu doanh nghiệp tốt, có khả năng tăng giá để mua đi bán lại (giống như cổ phiếu), thay vì chỉ nhìn vào lãi suất.

Với xếp hạng tín nhiệm, tại nhiều nước trên thế giới, đây là một trong những điều kiện để doanh nghiệp phát hành trái phiếu và cũng là căn cứ để nhà đầu tư lựa chọn. Tuy nhiên, ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán SHS cho rằng, bắt buộc doanh nghiệp phát hành phải có xếp hạng tín nhiệm giai đoạn hiện nay là khiên cưỡng, vì trong nước mới có một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp và doanh nghiệp này cũng chưa công bố xếp hạng tín nhiệm cho doanh nghiệp nào.

Chính vì vậy, theo ông Tiến, nên đưa ra lộ trình và “cơ chế mềm” về xếp hạng tín nhiệm. Theo đó, những doanh nghiệp phát hành có xếp hạng tín nhiệm sẽ được hưởng một số cơ chế ưu tiên, còn doanh nghiệp chưa có xếp hạng tín nhiệm phải nâng cao trách nhiệm, vị thế của đơn vị tư vấn phát hành.

Được biết, ở một số quốc gia như Mỹ, doanh nghiệp không bắt buộc phải có xếp hạng tín nhiệm mới được phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, trái phiếu của doanh nghiệp không qua xếp hạng tín nhiệm phải trả lãi suất rất cao và kén khách mua. Ở Việt Nam, việc “ép” xếp hạng tín nhiệm càng khó bởi các công ty xếp hạng tín nhiệm còn quá non trẻ và chưa tạo được uy tín với thị trường.

Các chính sách thắt chặt quản lý thị trường trái phiếu doanh nghiệp là cần thiết, song cũng phải tạo ra sân chơi công bằng, tạo lối thoát huy động vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các chính sách hiện nay đang tạo ra quá nhiều lợi thế cho doanh nghiệp lớn, trong khi doanh nghiệp nhỏ ngày càng teo tóp. Tất nhiên, với trái phiếu doanh nghiệp, rủi ro có thể xảy ra cho cả nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành, nhưng đó là chuyện bình thường của thị trường.

Với phát hành trái phiếu riêng lẻ, không nên quy định quá chặt chẽ, vì đây là thương vụ làm ăn giữa doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư. Nhà đầu tư nếu có niềm tin và chấp nhận được rủi ro thì mới tham gia sân chơi này. Cơ quan quản lý tạo sân chơi công bằng, minh bạch cho doanh nghiệp, thay vì đưa ra các quy định cào bằng giữa doanh nghiệp nhỏ với các ngân hàng, tập đoàn lớn.

TS. Lê Xuân Nghĩa

Theo Hà Tâm/Báo đầu tư

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/trai-phieu-doanh-nghiep-bom-no-hien-hien-bai-3-dung-de-doanh-nghiep-lon-va-ngan-hang-doc-chiem-von-a61841.html