Không dừng lại ở việc ngang nhiên thi công sai phép, không đúng thiết kế, chiêu bài “lách luật” trên hợp đồng mua bán nhà với số tiền cả tỷ đồng so với giá trị thanh toán thực tế tại Vinadic Cầu Diễn có giúp Vinadic thu lợi bất chính, trốn thuế số tiền lớn và đẩy khách hàng đối diện với nhiều rủi ro?
Được biết, dự án Vinadic Cầu Diễn (88 Trại Gà, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư Xây dựng Việt Nam (Vinadic) - Công ty con của Tập đoàn Amaccao - làm chủ đầu tư.
Vinadic được Tập đoàn Amaccao cho đứng tên với vai trò Chủ đầu tư dự án Khu văn phòng và nhà ở Phú Diễn (dự án Vinadic Cầu Diễn) sau khi tập đoàn này nhận chuyển nhượng lại dự án từ Công ty Việt Hà.
Dự án Vinadic Cầu Diễn có diện tích 1ha với 51 lô thấp tầng, gồm 1 tòa văn phòng, còn lại là liền kề thấp tầng với mức đầu tư 270 tỷ đồng. Giới thiệu về dự án, chủ đầu tư không ngừng tung hô: "Dự án khu nhà ở Phú Diễn nằm ở khu vực trung tâm sầm uất, đông dân cư, mặt đường giao thông chính với vị trí đắc địa mặt đường Phú Diễn, rất tiện đi lại, gần trường, chợ và tương lai là ngay sát đường Hoàng Quốc Việt kéo dài. Dự kiến năm 2021 thông tuyến đường sang Hoàng Quốc Việt, tiềm năng tăng giá rất lớn".
Tuy nhiên, trên thực tế, dù giá bán lên tới trên 100 triệu/m2 nhưng dự án này nằm ở cuối đường Trại Gà (phường Phú Diễn) dân cư thưa thớt, hạ tầng xung quanh chưa phát triển, giao thông chật hẹp. Theo quan sát của phóng viên, hiện tại, các căn liền kề tại dự án đã xây xong cơ bản, nhiều căn đã bàn giao cho khác hàng và đang gấp rút bán những căn còn lại của dự án.
Trong quá trình bàn giao để khách hàng sửa chữa đưa vào sử dụng, hàng loạt căn biệt tự đã “biến tướng” khi chủ đầu tư cùng người mua nhà tự ý cơi nới, lắp đặt thêm chuồng cọp; nhiều căn biệt thự đã biến tum thành tầng, vi phạm trật tự xây dựng.
Đặc biệt, tại phần tầng 1 của các căn biệt thự tại dự án Vinadic Cầu Diễn được thiết kế có chiều cao lên tới gần 6 mét. Lợi dụng điều này, chủ đầu tư đã cho các hộ gia đình tự ý chia đôi tầng 1, xây dựng tầng lửng không có trong thiết kế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Đây là hành vi phá vỡ quy hoạch, vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng nhưng các công trình vẫn ngang nhiên sửa chữa cơi nới và đi vào hoàn thiện mà không gặp phải bất kỳ sự kiểm tra, xử lý nào từ cơ quan chức năng.
Vào vai một khách hàng có nhu cầu mua nhà tại dự án Vinadic Cầu Diễn, PV được nhân viên bán hàng tại văn phòng bán hàng của chủ đầu tư dự án Vinadic Cầu Diễn cho biết, dự án có các 60m2, 70m2, 80m2, 96m2, 120m2 xây thô hoàn thiện mặt ngoài và có giá giao động từ 6 tỷ trở lên.
Cụ thể: "Các căn 60m2 được chào giá khoảng 6.5 - 6.7 tỷ đồng/căn, tuy nhiên khi khách hàng làm thủ tục mua bán thì số tiền ghi trong hợp đồng chỉ còn 4.4 tỷ đồng. Căn 70m2 là 7.6 - 7.7 tỷ đồng/căn và hợp đồng mua bán là 5.5 tỷ đồng. Số tiền còn lại sẽ đưa ra ngoài và tính là chi phí phát triển dự án để lách thuế, khi khách làm sổ đỏ thì sẽ đỡ thuế sang tên mà bản thân chủ đầu tư cũng đỡ được thuế doanh nghiệp", nhân viên bán hàng chủ đầu tư dự án Vinadic Cầu Diễn cho biết.
Được biết, khoản tiền chênh lệch này là doanh thu, thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp, cá nhân bắt buộc phải khai báo để nộp thuế đầy đủ chuyển nhượng bất động sản. Vậy, số tiền hàng tỷ đồng chênh lệch giữa hợp đồng và thực tế không được ghi chép vào sổ sách hóa đơn sẽ nghiễm nhiêm không có căn cứ để tính thuế.
Tình trạng “lách luật”, “bán một đằng, ghi một kiểu” sẽ giúp chủ đầu tư thu lợi bất chính số tiền chênh rất lớn, đây có thể được xem là hành vi gian lận, trốn thuế, khiến thất thu tiền thuế nhà nước.
Bên cạnh đó, việc này cũng vô tình đã tạo ra nhiều nguy cơ và hệ lụy khó lường cho khách hàng bởi nếu dự án xảy ra tranh chấp, nếu khách hàng muốn lấy lại tiền thì sẽ chỉ nhận được khoản tiền ghi trên hợp đồng, số tiền chênh ngoài sẽ không có đủ căn cứ pháp lý để đòi chủ đầu tư và nhiễm nhiên, trong trường hợp này khách hàng sẽ là những người phải chịu thiệt thòi.
Theo khoản 5 Điều 108 Luật Quản lý thuế quy định hành vi trốn thuế là “Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn”. Các bên ký nhiều hợp đồng (hợp đồng đặt cọc, hợp đồng chuyển nhượng, văn bản thỏa thuận…) mua bán tài sản với số tiền khác nhau, sau đó sử dụng hợp đồng giá thấp để khai thuế được xác định là những tài liệu không hợp pháp.
Người nộp thuế có nghĩa vụ: khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng thời hạn, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế; cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế… Khi cơ quan nhà nước có cơ sở xác định hợp đồng mà người nộp thuế kê khai sai giá chuyển nhượng thực thì hợp đồng đó là không hợp pháp. Khi công an điều tra có chứng cứ chứng minh giá trị hợp đồng không đúng, các bên cố tình khai gian thì cá nhân, doanh nghiệp sẽ bị xử lý tội trốn thuế theo quy định pháp luật.
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/vinadic-cau-dien-tu-pha-vo-quy-hoach-den-lach-luat-tron-thue-a61064.html