Nữ bệnh nhân 28 tuổi nhập viện trong tình trạng tay sưng đau, có áp xe cánh tay kích thước 5x10 cm, to bằng nắm tay.
Qua tìm hiểu biết được, cách đây khoảng 1 tuần bệnh nhân 28 tuổi đã tìm đến một spa để tiêm tan mỡ phần cánh tay với giá 7 triệu đồng. Sau đó, chủ spa (không phải là bác sĩ) đã tiến hành tiêm 15-20 mũi xung quanh cánh tay cho cô. Chủ spa không tiết lộ và người phụ nữ cũng không biết loại thuốc mình tiêm là thuốc gì.
Ngày nay, chị em nào cũng muốn sở hữu một vóc dáng thon gọn. Tuy nhiên, chính thân hình thừa cân, béo phì khiến họ mất tự tin trong cuộc sống. Không có thời gian để tập thể dục hay ăn kiêng, nhiều người đã tìm đến những biện pháp “ăn sổi” như tiêm tan mỡ. Phương pháp này được quảng cáo rầm rộ trên mạng, hứa hẹn mang lại kết quả nhanh lại ít đau đớn càng khiến chị em lựa chọn tìm đến.
Các chuyên gia khẳng định, tất cả các thuốc tiêm tan mỡ trên thị trường đều không được bộ y tế cấp phép.
Thực chất, tiêm tan mỡ là một phương pháp dùng kim tiêm đưa hoạt chất vào bên trong cơ thể, khu vực cần làm tan mỡ. Các hóa chất được tiêm vào có khả năng phá vỡ lớp màng tế bào mỡ, từ đó tiêu hủy các mô mỡ, đào thải chúng ra khỏi cơ thể. Theo đó, khi tiêm thuốc một thời gian ngắn, lớp mỡ trong cơ thể sẽ dẫn loãng ra và tan biến, khu vực đầy ú mỡ trước kia cũng vì thế mà thu nhỏ lại, trở nên thon thả hơn.
Chi phí tiêm tan mỡ không hề rẻ, nó dao động từ vài triệu đồng (khu vực tiêm mỡ nhỏ) đến vài chục triệu đồng, thậm chí vài trăm triệu. Tuy nhiên, không ai biết loại thuốc tiêm tan mỡ là gì và có ảnh hưởng đến sức khỏe hay không, ảnh hưởng như thế nào.
Các chuyên gia khẳng định, tất cả các thuốc tiêm tan mỡ trên thị trường đều không được bộ y tế cấp phép. Dù thuốc được tiêm vào người để chuyển hóa mỡ, thế nhưng mỡ khó đào thải sẽ gây viêm giống như tình trạng nữ bệnh nhân 28 tuổi ở trên. Bên cạnh đó, nhiều spa quảng cáo tiêm vitamin B12 có thể giảm cân, được lý giải có thể tăng tốc quá trình chuyển hóa và tiêu hao năng lượng. Thực chất, các loại vitamin nói chung chỉ là chất xúc tác các phản ứng mà thôi, không thể làm tiêu hao năng lượng như những lời quảng cáo. Thậm chí, nhiều khi tiêm vitamin B12 còn gây Dị ứng, nguy hiểm hơn là sốc phản vệ.
Thùy Nguyễn (t/h) - Theo baosuckhoecongdong