Cty Hoàng Kim xây dựng công trình không phép: Trách nhiệm thuộc về ai?

Công ty cổ phần giải trí Hoàng Kim vừa bị Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Dương Thái xử phạt 975 triệu đồng do xây dựng công trình không có giấy phép. Dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân khi không ngăn chặn kịp thời?

Công ty cổ phần giải trí Hoàng Kim vừa bị Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Dương Thái xử phạt 975 triệu đồng do xây dựng công trình không có giấy phép. Dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân khi không ngăn chặn kịp thời?
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Dương Thái đã ký quyết định 3961 xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần giải trí Hoàng Kim do ông Dương Minh Tú làm Giám đốc (có địa chỉ tại phố Vũ Hựu, phường Thanh Bình, TP Hải Dương, Hải Dương) số tiền 975 triệu đồng.

Công ty cổ phần giải trí Hoàng Kim bị xử phạt do đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng đối với công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng. Hành vi vi phạm đã bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm c, khoản 5 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP mà tái phạm.
Quyết định nêu rõ, trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính Công ty Cổ phần giải trí Hoàng Kim phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng. Hết thời hạn này, Công ty không xuất trình người có thẩm quyền xử phạt giấy phép xây dựng thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm theo quy định. Sau khi được cấp giấy phép xây dựng tổ chức vi phạm phải tháo dỡ công trình, phần công trình không phù hợp với giấy phép được cấp thì mới được thi công xây dựng.
Công ty cổ phần giải trí Hoàng Kim vừa bị Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Dương Thái xử phạt hành chính 975 triệu đồng do thi công xây dựng công trình không có phép xây dựng.)
Vì sao “con voi chui lọt lỗ kim”?
Dư luận đặt câu hỏi, Công ty cổ phần giải trí Hoàng Kim xây dựng công trình “đồ sộ” tại lô đất số 113.03- 01, tờ bản đồ quy hoạch Khu đô thị phía Tây, phường Tân Bình, TP Hải Dương) trong suốt thời gian dài cho đến nay cơ bản hoàn thành. Doanh nghiệp này không chỉ vi phạm mà còn tái phạm.
Thậm chí, cuối năm 2019, Công ty cổ phần giải trí Hoàng Kim rầm rộ tổ chức khai trương công trình trên. Tuy nhiên, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng TP Hải Dương không có biện pháp ngăn chặn xử lý kịp thời. Trách nhiệm để xảy ra việc xây dựng công trình “khủng” không phép trên thuộc về cá nhân, đơn vị nào?
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Thao, Đội trưởng Đội kiểm tra quy tắc quản lý đô thị thành phố Hải Dương cho biết, việc Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Dương Thái ban hành quyết định xử phạt hành chính trên là ở mức tái phạm.
Trả lời câu hỏi của PV về việc, vì sao khi doanh nghiệp xây dựng công trình không phép nhưng đội kiểm tra quy tắc quản lý đô thị thành phố Hải Dương không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả, ông Thao cho biết, đơn vị đã lập biên bản từ khi công trình xây dựng không phép.
“Tuy nhiên, doanh nghiệp cứ xây, không ngăn chặn được. Bởi họ xây trộm. Lực lượng hạn chế hơn nữa trước đây quản lý cũng không được như bây giờ, không quyết liệt” – ông Thao cho biết.
Quyết định xử phạt hành chính của Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương.)
Đội trưởng Đội kiểm tra quy tắc quản lý đô thị thành phố Hải Dương cho rằng, bây giờ phải hợp thức hóa lại. “Doanh nghiệp xây đảm bảo đúng quy hoạch, làm đẩy đủ hồ sơ nhưng vướng về phòng cháy chữa cháy. Bây giờ xử phạt xong thì Sở Xây dựng mới cấp phép xây dựng. Công trình này rơi vào tình trạng này” – ông Thao nêu ý kiến.
Ông Vũ Minh Nghĩa, đại diện phòng Quản lý đô thị TP Hải Dương thừa nhận đơn vị có vai trò ngăn chặn xử lý.
“Đơn vị đã có báo cáo cụ thể. Chúng tôi đã xử phạt, ngăn chặn. Tuy nhiên, doanh nghiệp này tái phạm nên ngoài thẩm quyền nên đơn vị đã báo cáo tỉnh. Xử lý tái phạm phải cấp UBND tỉnh bởi số tiền xử phạt lên đến 975 triệu đồng” – ông Nghĩa cho biết.
Đại diện phòng Quản lý đô thị TP Hải Dương cho biết thêm, việc tham mưu, cấp phép cho tồn tại do Sở Xây dựng tỉnh Hải Dương.
“Nếu tỉnh đồng ý chủ trương cấp phép, Sở Xây dựng sẽ là đơn vị chủ trì, tham mưu cho tỉnh việc cho công trình trên tồn tại hay không cho tồn tại. Hiện chúng tôi vẫn chưa nhận được văn bản cho đơn vị nào chủ trì để tham mưu việc cho tồn tại hay không cho tồn tại. Mai kia lấy ý kiến chắc chắn sẽ có chúng tôi tham gia” – ông Vũ Minh Nghĩa cho hay.
Theo tìm hiểu của PV, ngày 3/11/2020, Đội Kiểm tra quy tắc quản lý đô thị thành phố Hải Dương phối hợp với UBND phường Tân Bình lập biên bản vi phạm hành chính số 05 đối với công trình xây dựng không phép trên. Ngày 10/11, các đơn vị này tiếp tục lập biên bản xác minh vụ việc vi phạm hành chính này.
Ngày 2/12/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương ký quyết định số 3604/QĐ-GHRQĐXP về việc gia hạn thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; Ngày 12/11, UBND TP Hải Dương đã có tờ trình số 2507, ngày 28/12/2020, UBND TP Hải Dương tiếp tục có báo cáo 480 về vụ việc vi phạm hành chính trên.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, theo quy định của pháp luật, những công trình xây dựng thuộc khu vực đô thị bắt buộc phải có giấy phép xây dựng trước khi khởi công. Khi khởi công công trình, phải thông báo cho UBND cấp phường về cơ quan quản lý về trật tự xây dựng. Trong quá trình xây dựng cũng phải đảm bảo vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn cho các công trình lân cận.
Do đó, trường hợp xây dựng không có giấy phép, không có sự quản lý của cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật.
Luật sư Cường cho rằng, theo thông tin từ phía cơ quan chức năng, công trình nêu trên đã xây dựng cơ bản hoàn thành. Như vậy, công trình này đã thi công ít nhất thời gian dài liên tục trước đó.
“Vậy tại sao, cơ quan chức năng không phát hiện ra hoặc phát hiện nhưng không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả để công trình để xây dựng đến khi hoàn thiện mới phát hiện xử lý. Rõ ràng trong vụ việc này có trách nhiệm quản lý xây dựng của cán bộ có thẩm quyền. Bởi vậy, đồng thời với việc xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng, cần phải xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc đảm bảo trật tự xây dựng trên địa bàn” – luật sư Cường nêu ý kiến.
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, mức xử lý đối với cán bộ có thể là kỷ luật, xử phạt hành chính thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự nếu thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm quy định về quản lý đất đai... đến mức độ nghiêm trọng.
Bởi vậy, vấn đề này cơ quan chức năng sẽ cần làm rõ để có những biện pháp xử lý kịp thời, tránh để xảy ra những hậu quả tương tự.
Đối với những công trình xây dựng nếu không có giấy phép, không được thiết kế, thi công, giám sát theo quy định, hoàn toàn có thể xảy ra tai nạn, cháy nổ, gây ảnh hưởng đến người lao động và những công trình lân cận. Bởi vậy, nếu hậu quả xấu xảy ra hoàn toàn có thể xử lý hình sự đối với chủ đầu tư, đơn vị thi công và người quản lý trật tự xây dựng...
Còn đối với công trình xây dựng không có giấy phép thuộc trường hợp bắt buộc phải có giấy phép, cơ quan chức năng sẽ tiến hành xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là tạm dừng công trình để yêu cầu thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép.
Nếu quá thời hạn mà công trình không thể có giấy phép, sẽ phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép theo quy định.
“Đối với những công trình xây dựng không có giấy phép, sai phép mà cơ quan chức năng không phát hiện, không xử lý kịp thời chỉ có thể do yếu kém về nghiệp vụ, thiếu trách nhiệm, không làm hết chức trách nhiệm vụ của mình hoặc có sự tiêu cực, móc ngoặc, làm ngơ, bảo kê. Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ làm rõ đây là vấn đề có yêu tố vụ lợi hay là yếu kém trong chuyên môn nghiệp vụ để có hình thức xử lý phù hợp với quy định pháp luật” – luật sư Cường nêu ý kiến.
Theo Tâm Đức/Kiến thức

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/cty-hoang-kim-xay-dung-cong-trinh-khong-phep-trach-nhiem-thuoc-ve-ai-a60571.html