Vụ doanh nghiệp “cầm nhầm” hàng nghìn m2 đất ở Tp.HCM: Người dân giữ đất bị UBND quận 7 xử phạt thiếu căn cứ

Đầu tháng 11/2020, bà Lâm Thị Tuyết, ngụ quận 7 đã làm đơn kêu cứu gửi lãnh đạo UBND quận 7 và UBND Tp.HCM sớm chỉ đạo giải quyết vụ khiếu kiện trả lại đất hàng nghìn m2 do doanh nghiệp thu hồi nhầm, chiếm dụng làm dự án bất động sản không bồi thường cho gia đình bà.

Đầu tháng 11/2020, bà Lâm Thị Tuyết, ngụ quận 7 đã làm đơn kêu cứu gửi lãnh đạo UBND quận 7 và UBND Tp.HCM sớm chỉ đạo giải quyết vụ khiếu kiện trả lại đất hàng nghìn m2 do doanh nghiệp thu hồi nhầm, chiếm dụng làm dự án bất động sản không bồi thường cho gia đình bà.

Điều đáng nói là, vụ khiếu kiện kéo dài 16 năm, với nhiều cơ sở pháp lý và được Ban tiếp Công dân Trung ương có 4 lần gửi công văn yêu cầu giải quyết nhưng sự việc vẫn dậm chân tại chỗ.

Mua một đằng, lấy một nẻo, dân mất hàng nghìn m2

Theo trình bày của bà Lâm Thị Tuyết, trước và sau năm 1975, gia đình bà trực tiếp sử dụng và quản lý diện tích đất tổng cộng 20.480m2 (gồm khai hoang, canh tác 4.120m2 và mua của ông Sáu Gần 16.631m2) thuộc địa bộ số 36 và 37, thửa số 36, tờ bản đồ số 01. Diện tích đất này được chính quyền đo vẽ, xác nhận theo địa bộ.

Đến năm 2000, diện tích trên được UBND TPHCM chuyển đổi thành các thửa đất: 85,86,87,88,89,90 nhưng diện tích của gia đình bà Tuyết chỉ được cấp theo giấy CNQSD sụt giảm còn 14.482m2, thiếu 5.581m2. Trong quá trình quản lý, sử dụng đất, gia đình bà Tuyết đã bán cho ông Trần Thanh Hải diện tích 13.353m2 (Gồm các thửa 86,87,88,89). Riêng thửa đất số 90 và phần đất còn lại rộng 5.581m2 chưa được cấp giấy chứng nhận, gia đình bà Tuyết tiếp tục sử dụng.

Quyết định xử phạt hành chính có nhiều điểm sai lệch)

Sau đó ông Trần Thanh Hải bán lại diện tích 13.353m2 cho Công ty TNHH Tân Thuận Nam để làm dự án bất động sản. Điều bất hợp lý là sau khi mua đất của ông Trần Thanh Hải, năm 2005, Công ty Tân Thuận Nam đã làm hàng rào phần đất đã mua và “tiện thể” bao chiếm toàn bộ phần đất hợp pháp còn lại (5.581m2) của gia đình bà Tuyết.

Khi phát hiện sự việc vô lý trên, bà Tuyết đã yêu cầu Công ty TNHH Tân Thuận Nam trả lại đất bao chiếm vượt mức hoặc đền bù thỏa đáng. Tuy nhiên phía công ty này quây tôn toàn bộ phần đất và “bặt tăm”, không hồi âm nhiều năm qua.

Gia đình bà Tuyết đã yêu cầu công ty đo vẽ lại toàn bộ phần đất đã bán cho ông Hải và phần đất gia đình đang quản lý hợp pháp và xác định rõ diện tích bị Công ty Tân Thuận Nam bao chiếm là 5.581m2; Đồng thời, làm đơn khiếu nại đến UBND quận 7 nhờ giải quyết, xác định lại các diện tích cụ thể để yêu cầu công ty Tân Thuận Nam trả lại đất nhưng suốt nhiều năm, UBND quận 7 đều né tránh, không xử lý dứt điểm.

Quá bức xúc, bà Tuyết đã gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng cấp cao hơn và được nhiều cơ quan Trung ương gửi công văn yêu cầu UBND TPHCM chỉ đạo giải quyết dứt điểm. Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, Ban Tiếp công dân Trung ương thuộc Thanh Tra Chính phủ đã có 4 công văn yêu cầu UBND TPHCM và UBND quận 7 giải quyết, báo cáo sự việc. Hai công văn gần đây nhất có số 421/BTCDTW-TD1 của Ban tiếp Công dân Trung ương vào ngày 12-3-2019 và số 2555 /BTCDTW-TD1 ngày 17-9-2020.

Bà Lâm Thị Tuyết bức xúc: “Sự việc có hồ sơ rất cụ thể, UBND quận 7 chỉ cần tổ chức đo đạc, rà soát lại cụ thể là có thể xác định ngay phần đất của gia đình tôi bị chủ dự án chiếm dụng, thu vượt. Nhưng không hiểu sao, UBND quận 7 trong nhiều năm vẫn “im lặng” một cách đáng ngờ trước yêu cầu bức thiết, xác đáng của gia đình tôi!?. Để sự việc kéo dài suốt 16 năm nay”

Làm chòi giữ đất bị quy xây dựng công trình nhà trái phép!?

Vụ việc giải quyết chậm trễ nên gia đình bà Tuyết vào đầu tháng 10-2020 đã làm tạm cái chòi tôn diện tích 30m2 để giữ đất bị chiếm hợp pháp của mình ở phần đất thuộc thửa 85 cũ, giáp với phần đất bị mất do Công ty Tân Thuận Nam lấn chiếm.

[caption id="attachment_59339" align="aligncenter" width="533"] Khiếu kiện kéo dài, hai người con bị khuyết tật câm điếc của bà Tuyết phải bán nước mía vừa giữ đất bị mất[/caption]

Bà Lâm Thị Tuyết cho biết: Vụ việc kéo dài gần 16 năm đã đẩy gia đình tôi vào cảnh khốn đốn, vô cùng khó khăn. Hơn nữa hoàn cảnh gia đình tôi có hai con là khuyết tật, bị câm điếc, không có công ăn việc làm. Mẹ tôi bà Nguyễn Thị Anh tuổi đã hơn 90, sức yếu cần được phụng đưỡng. Tôi mua xe nước mía để hai con ra phụ để kiếm thêm thu nhập qua ngày. Thế nhưng, UBND phường Tân Hưng đã liên tục cho người gây khó dễ, thậm chí quy kết sai lệch vụ việc đối với gia đình tôi.

Cụ thể, mới đây, UBND phường Tân Hưng hai lần phát giấy mời gia đình tôi vào các ngày 16, 18 và ngày 23-10 lên làm việc. Thư mời do bà Phan Thị Thu Trang, phó chủ tịch UBND phường Tân Hưng ký và chủ trì. Theo thư mời, ngày 18-10, tôi có đến UBND phường Tân Hưng nhưng không thấy bà Trang chủ trì như theo thư mời mà người tiếp là ông Nguyễn Trường Giang, Chủ tịch UBND phường. Tôi có trình bày rõ sự việc gia đình có làm cái chòi tôn trên thửa đất thuộc tờ bản đồ số 45, đường Nguyễn Hữu Thọ của gia đình để giữ phần đất tranh chấp. Sau đó, tôi còn làm đơn gửi Đảng ủy, UBND phường Tân Hưng để trình bày sự việc và kiến nghị có chính sách, hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi của gia đình chúng tôi vốn bị thiệt thòi quá nhiều.

Theo trình bày của bà Lâm Thị Tuyết, thay vì hỗ trợ và tư vấn cho chúng tôi đòi lại phần đất gia đình bị chiếm đoạt, bà Phan Thị Thu Trang, Phó chủ tịch phường vẫn cố tình trù ép gia đình tôi quy kết chúng tôi sai phạm và cho rằng tôi không có mặt làm việc với UBND phường Tân Hưng. Trong khi nhiều tuyến đường ở phường Tân Hưng bị lấn chiếm buôn bán tràn lan, nhiều khu nhà ở xây dựng trái phép thì bà Trang ngó lơ, không xử lý, giờ lại tìm mọi cách để ngăn chặn, trù dập quyền lợi chính đáng của gia đình tôi.

Sự việc không dừng lại ở đó, bà Trang còn làm hồ sơ đề nghị Phòng quản lý đô thị và UBND quận 7 ra quyết định số 2705/QĐ-XPVPHC vào ngày 21-10-2020 về việc xử phạt gia đình tôi số tiền 25 triệu đồng liên quan đến tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng. Đây là hành vi quy chụp và sai lệch với thực tế vì gia đình tôi chỉ dựng tạm mái tôn và 4 cái cọc để che mưa nắng trên phần đất của chúng tôi.

Theo Luật sư Nguyễn Mạnh Linh, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, Quyết định xử phạt số 2705/QĐ-XPVPHC vào ngày 21-10-2020 của UBND quận 7 đã áp dụng sai thực tế các quy định pháp luật và cần được hủy bỏ. Cụ thể, quyết định căn cứ vào Nghị định 139/2017- NĐ-CP 27/11/2017. Mức phạt 25 triệu đồng là sai thực tế và các quy định, mức phạt này nằm trong khung phạt thuộc Điểm b, khoản 5, điều 15 của Nghị định này thể hiện “Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị”.

Theo Điều 3 Luật Nhà ở 2014, “nhà ở riêng lẻ là nhà ở được xây dựng trên thửa đất ở riêng biệt thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề và nhà ở độc lập”.  Luật Xây dựng năm 2014 nêu khái niệm “nhà ở riêng lẻ” là công trình được xây dựng trong khuôn viên đất ở thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật. Chiếu theo hai quy định này thì việc UBND quận 7 ban hành quyết định quyết định số 2705/QĐ-XPVPHC xử phạt gia đình bà Lâm Thị Tuyết là sai ở áp dụng văn bản luật và thực tế.

Mặt khác, UBND quận 7 căn cứ vào Biên bản hành chính số 01/BB-VPHC vào ngày 12-10-2020 của UBND phường Tân Hưng để ra quyết định xử phạt, trong khi biên bản này lập sai thực tế sự việc, có nhiều điểm bất thường về thể thức và nội dung văn bản cần phải làm rõ... Hơn nữa, chính quyền địa phương cần làm rõ vị trí của chòi tôn có nằm trong đất đất dự án đang tranh chấp, đất gia đình của bà Lâm Thị Tuyết chưa được bồi thường hay ở vị trí lộ giới hành lang giao thông để có hướng giải quyết, xử lý, hỗ trợ kịp thời, đúng pháp luật cho người dân.

Theo Hàn Giang/TCDN

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/vu-doanh-nghiep-cam-nham-hang-nghin-m2-dat-o-tp-hcm-nguoi-dan-giu-dat-bi-ubnd-quan-7-xu-phat-thieu-can-cu-a59337.html