Vì sao hàng nghìn ha đất nông nghiệp bỏ hoang ở Nam Trung bộ? Bài 3: Đất nông nghiệp bỏ hoang ở Bình Thuận

Bình Thuận một trong những tỉnh thu hồi đất nông nghiệp lên đến hàng nghìn ha để làm KCN. Đặc biệt, hai KCN Hàm Kiệm I và II đã xây dựng bài bản, đảm bảo tiêu chuẩn của một KCN xanh-sạch-đẹp-hiện đại nhưng không hiểu sao vùng "đất lành này vẫn thiếu chim đậu". Đất nông nghiệp thu hồi rồi bỏ trống như tỉnh Ninh Thuận…

Bình Thuận một trong những tỉnh thu hồi đất nông nghiệp lên đến hàng nghìn ha để làm KCN. Đặc biệt, hai KCN Hàm Kiệm I và II đã xây dựng bài bản, đảm bảo tiêu chuẩn của một KCN xanh-sạch-đẹp-hiện đại nhưng không hiểu sao vùng "đất lành này vẫn thiếu chim đậu". Đất nông nghiệp thu hồi rồi bỏ trống như tỉnh Ninh Thuận…

Bên trong KCN Hàm Kiệm 1 còn nhiều hecta đất trống. Ảnh Bùi Phụ.)

Đất lành nhưng chim không đậu

Theo công bố của tỉnh Bình Thuận, dự án KCN Tuy Phong khoảng 150 hecta được quy hoạch tại xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong. Trong số 150 hecta đất thu hồi, có gần 65 hecta đất nông nghiệp do hơn 40 hộ gia đình đang sử dụng, phần còn lại do UBND xã Vĩnh Hảo và Công ty CP Tập đoàn Muối Miền Nam quản lý.

Một người có trách nhiệm tại KCN này cho biết, hiện tại có khoảng 50 hecta đất công nghiệp đã hoàn thiện hạ tầng gồm: điện, nước, internet tốc độ cao, dịch vụ bưu chính đảm bảo đáp ứng nhu cầu về CNTT, đường giao thông có 2 trục chính với lộ giới rộng 35m, các đường khác rộng 28m và 24 m, đảm bảo cho container và các phương tiện khác lưu thông vận chuyển hàng hóa được dễ dàng, thuận tiện… nhưng vẫn chưa có nhà đầu tư thứ cấp nào thuê.

Những ngày đầu tháng 11, PV Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt đã đến và quan sát thấy KCN Tuy Phong nằm giáp QL1A, cách Cảng tổng hợp Vĩnh Tân 6km và cận Nhà máy nước khoáng Vĩnh Hảo. Cho dù vị trí thuận lợi và các cơ quan chức năng đã thu hồi đất từ năm 2014, thế nhưng đến nay đã hơn 6 năm, vẫn chưa có nhà đầu tư thứ cấp nào chọn nơi đây "an cư lạc nghiệp".

Một vùng "đất lành" khác là KCN Sông Bình (huyện Bắc Bình) có quy mô khoảng 300 hecta và thu hồi đất từ năm 2013, trong đó có khoảng 60 hecta đất nông nghiệp do khoảng 47 hộ gia đình quản lý và canh tác. Phần còn lại do các đơn vị lâm nghiệp và thủy lợi của tỉnh Bình Thuận quản lý.

Theo thông tin công bố của các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận, hệ thống hạ tầng kỹ thuật của KCN này đã và đang được xây dựng đồng bộ, đảm bảo tiêu chuẩn của một KCN hiện đại, hệ thống giao thông được kết nối QL 28B và QL1A (cách cảng nước sâu Vĩnh Tân - Tuy Phong 60km). Tổng diện tích đất công nghiệp cho thuê khoảng 207 ha, trong đó có gần 140 hecta đất công nghiệp đã hoàn thiện hạ tầng. Nhưng tính đến thời điểm hiện tại, diện tích đất cho thuê chưa tới 70 ha (tỷ lệ lấp đầy khoảng 35%).

Theo quy hoạch, KCN này ưu tiên các dự án ngành nghề chế biến sâu khoáng sản titan với 3 nhóm sản phẩm chính: 1- xỉ titan, rutin nhân tạo, zircon mịn và siêu mịn. 2- pigment (dioxit titan), các hợp chất zircon (như zircon oxychloride), 3- titan xốp, tian kim loại, hợp kim titan.

Đất bỏ trống giữa thủ phủ cây thanh long

Một trong những KCN lớn và thu hồi đất nông nghiệp nhiều ở tỉnh Bình Thuận là KCN Hàm Kiệm I và II.

KCN Hàm Kiệm I bên cạnh QL1A thuộc huyện Hàm Thuận Nam, cách cách ga Bình Thuận 4km (cách Cảng Vĩnh Tân 110km) với tổng diện tích khoảng gần 133 hecta. Khu này thu hồi đất vào năm 2007 và hầu hết diện tích thu hồi là đất nông nghiệp do gần 170 hộ gia đình và người dân sử dụng canh tác. Tuy nhiên, từ lúc thu hồi cho đến nay đã gần 13 năm nhưng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê chỉ khoảng 40 hecta. Trong khi đó, diện tích đất công nghiệp đã hoàn thiện hạ tầng và sẵn sàng cho thuê  đến hơn 50 hecta. Như vậy tỷ lệ lấp đầy cũng chỉ khoảng 43%.

Đất bỏ trống trong KCN Hàm Kiệm 1)

Cách đó không xa là KCN Hàm Kiệm II (cũng huyện Hàm Thuận Nam) có tổng diện tích hơn 400 hecta. Khu này được thu hồi đất cũng từ năm 2007, trong đó, diện tích thu hồi đất nông nghiệp khoảng 390 hecta do 459 hộ gia đình và cá nhân đang quản lý sử dụng.

Theo Ban quản lý các KCN tỉnh Bình Thuận, tổng diện tích đất công nghiệp khu này cho thuê khoảng 261 hecta nhưng tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có hơn 33 hecta đất được thuê (tỷ lệ lấp đầy chỉ hơn 12%). Hiện tại, diện tích đất công nghiệp đã hoàn thiện hạ tầng và sẵn sàng cho thuê khoảng 228 ha.

Nhiều chuyên gia đánh giá, hai KCN Hàm Kiệm I và II đã xây dựng đồng bộ, bài bản, đảm bảo tiêu chuẩn của một KCN Xanh-Sạch-Đẹp-hiện đại nhưng không hiểu sao vùng "đất lành này vẫn thiếu chim đậu".

Ông Nguyễn Văn Thành, một chuyên gia trồng cây thanh long ở huyện Hàm Thuận Nam, nhấn mạnh: vùng đất Hàm Thuận Nam hiện là thủ phủ cây thanh long. Thời gian vừa qua, nhiều hộ dân đã phát tài, phát giàu cũng nhờ trồng cây thanh long. Ông Thành tỏ ra tiếc nuối khi đất nông nghiệp bị thu hồi rồi bỏ trống.

"Năm 2007 vùng đất này cây thanh long chưa phát triển nhiều nên vùng  đất bị thu hồi làm KCN chưa có giá trị cao. Nếu không bị quy hoạch và bây giờ người dân trồng cây thanh long trên vùng đất trên chưa chắc đã thua những nơi khác...", ông Thành nói.

Nhiều người dân trồng thanh long ở địa phương cũng nhận định như ông Thành, rằng nếu thu hồi rồi bỏ trống đất như hiện nay rất lãng phí...

[caption id="attachment_59043" align="aligncenter" width="650"] KCN Hàm Kiệm 1. Ảnh Bùi Phụ.[/caption]

Những ngày đầu tháng 11, chúng tôi đến KCN Hàm Kiệm I. Vừa bước vào cổng vài trăm mét, chúng tôi đã thấy nhiều vườn thanh long xanh tươi của người dân đang trồng ở rìa KCN. Đi vào sâu hơn nữa, chúng tôi chứng kiến nhiều khu đất rộng mênh mông nằm trong KCN còn bỏ trống và nhiều đàn bò đang gặm cỏ non...

Bài 4 Tỉnh Bình Thuận nói gì về thu đất nông nghiệp?

Theo Bùi Phụ - Quang Đăng/Dân Việt

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/vi-sao-hang-nghin-ha-dat-nong-nghiep-bo-hoang-o-nam-trung-bo-bai-3-dat-nong-nghiep-bo-hoang-o-binh-thuan-a59040.html