Hàng triệu người dân ở khu vực trung tâm và bờ hữu sông Sài Gòn lẽ ra sẽ không khổ sở với triều cường những ngày qua nếu dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến biến đổi khí hậu - giai đoạn 1” hoàn thành.
Điều đáng nói, dự án chỉ còn 6% khối lượng là có thể phát huy hiệu quả nếu nhiều tháng qua không chờ Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM ký phụ lục hợp đồng sau khi việc đàm phán đã hoàn tất. Hậu quả là người dân chưa được hưởng lợi thì ngân sách TPHCM đã tiêu tốn nghìn tỷ đồng…
Ngày 4/12, đại diện Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) xác nhận BIDV vừa có văn bản gửi Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đề nghị chỉ đạo các đơn vị chức năng bố trí nguồn thanh toán số tiền hơn 2.639 tỷ đồng cho nhà đầu tư dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến biến đổi khí hậu - giai đoạn 1” (gọi tắt là dự án) để trả nợ cho BIDV và BIDV trả nợ tái cấp vốn cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN).
Theo BIDV, trên cơ sở thỏa thuận thanh toán cho nhà đầu tư mà UBND TPHCM gửi NHNN cam kết thời hạn thanh toán hoàn trả phần vốn chủ sở hữu, BIDV đã ký tiếp phụ lục hợp đồng tín dụng tài trợ cho dự án với nhà đầu tư quy định lịch trả nợ gốc kỳ đầu tiên là hơn 2.639 tỷ đồng từ nguồn UBND TPHCM thanh toán cho nhà đầu tư. Trong buổi họp ngày 10/9/2020 tại trụ sở NHNN, Phó Thống đốc (nay là Thống đốc) NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã đề nghị UBND TPHCM trong trường hợp có đề nghị điều chỉnh gia hạn thời gian tái cấp vốn cho dự án thì vẫn phải đảm bảo lịch thanh toán.
“Năm 2015, trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, BIDV tiếp nhận nguồn vốn tái cấp vốn từ NHNN để cho vay thực hiện dự án kiểm soát triều. Xác định đây là dự án xã hội trọng điểm quốc gia, góp phần kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, BIDV đã thực hiện giải ngân vốn vay kịp thời để nhà đầu tư đủ nguồn vốn triển khai thi công cũng như chủ động đề xuất NHNN gia hạn tái cấp vốn cũng như tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của dự án. Đến thời điểm này, dư nợ cho vay của dự án đạt 7.094 tỷ đồng, tương đương 80% hạn mức cho vay được phê duyệt (8.854 tỷ đồng), trong đó dư nợ đến thời hạn phải trả vào ngày 15/11 là 2.639 tỷ đồng”, đại diện BIDV cho hay.
Trong văn bản gửi lãnh đạo TPHCM, BIDV cam kết sẵn sàng hỗ trợ gia hạn thời gian rút vốn cũng như đề xuất NHNN kéo dài thời gian tái cấp vốn cho dự án. BIDV đề nghị Thành ủy, UBND TPHCM chỉ đạo các đơn vị chức năng của thành phố hoàn thiện hồ sơ trình UBND TPHCM ký kết phụ lục hợp đồng để BIDV đủ cơ sở báo cáo NHNN xin gia hạn thời gian tái cấp vốn.
Mới đây, trả lời báo chí lý do chậm ký phụ lục hợp đồng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM (KHĐT) Nguyễn Trung Anh cho biết, Sở KHĐT đã thực hiện ý kiến chỉ đạo của thành phố lập tổ đàm phán và thực hiện ký phụ lục hợp đồng. Hiện nay, sở này đang thực hiện các nhiệm vụ và báo cáo tiến độ với lãnh đạo UBND TPHCM.
Theo đại diện Ban Quản lý dự án (BQLDA) Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật TPHCM, dự án đã hết hạn từ ngày 26/6/2020 nhưng đến nay Giám đốc Sở KHĐT, đồng thời là ủy viên UBND TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai chưa ký Phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian thực hiện để NHNN gia hạn thời gian giải ngân tái cấp vốn cho dự án, dù Văn phòng UBND TPHCM đã có hàng loạt văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan. Theo đó, ông Hoan yêu cầu “nếu chậm hoàn thành việc ký kết phụ lục hợp đồng dự án, làm ảnh hưởng tiến độ hoàn thành công trình, giám đốc Sở KHĐT phải chịu trách nhiệm”.
Theo Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam Nguyễn Tâm Tiến (nhà đầu tư), Tổ đàm phán đã thống nhất nội dung của Phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian thực hiện dự án từ ngày 24/9 nhưng người được giao ký phụ lục hợp đồng (Giám đốc Sở KHĐT) chưa đồng ý ký. Điều đáng nói, phụ lục hợp đồng lần 1 đã được ký, lần thứ 2 này gần như chỉ có tính chất gia hạn thêm hợp đồng nhưng Sở KHĐT TPHCM lại yêu cầu phải rà soát lại toàn bộ hồ sơ dự án. Vì chưa ký phụ lục hợp đồng, nhà đầu tư không thể tiếp tục triển khai thi công, vì sẽ dẫn đến những vấn đề về pháp lý như không mua được bảo hiểm, NHNN ngưng giải ngân tái cấp vốn cho BIDV để giải ngân cho dự án...
Ông Nguyễn Tâm Tiến cho biết, dự án đã hoàn thành 94% khối lượng và việc kéo dài sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy tiêu cực. Do vướng mắc nhiều thủ tục, chủ đầu tư đã phải gồng mình để dự án có thể tiếp tục triển khai. Thiệt hại ước tính mỗi ngày khoảng 200 triệu đồng. Trong trường hợp không tìm ra giải pháp tháo gỡ vướng mắc, nhà đầu tư chỉ có thể cầm cự tối đa thêm 2 tháng là buộc phải dừng thi công, lặp lại kịch bản đã từng xảy ra hồi tháng 4/2017 và sau đó sẽ phải mất gần 1 năm mới có thể tái khởi động. Ngoài ra, việc dự án kéo dài, chi phí lãi vay và các chi phí theo thời gian phát sinh hàng nghìn tỷ đồng sẽ dẫn đến tổng vốn đầu tư vượt 10 nghìn tỷ đồng vượt thẩm quyền giải quyết của TPHCM.
“Với việc NHNN dừng giải ngân tái cấp vốn hơn 1.800 tỷ đồng còn lại cho dự án và tình trạng chậm giải quyết thủ tục của TPHCM thì việc tìm nguồn vốn khác sẽ không khả thi. Dự án sẽ bế tắc vì không có nguồn vốn để hoàn thành. Bảo hiểm của dự án đã hết hạn. Nguy cơ mất an toàn công trình, giao thông thủy... sẽ rất cao”, ông Tiến cho hay.
Dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến biến đổi khí hậu – giai đoạn 1” giải quyết ngập do triều và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TPHCM.
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/sieu-du-an-chong-ngap-dap-chieu-vi-thieu-mot-chu-ky-a58740.html