Thay vì áp dụng biện pháp cưỡng chế, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Bình Dương lại ban hành thêm quyết định xử phạt mới, thậm chí cho thêm 60 ngày để khắc phục đối với sai phạm của Công ty Đông Bình Dương.
Ngày 29/9/2020, ông Lê Hữu Nhơn, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương ký quyết định số 147/QĐ-XPVPHC, xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Phát triển Đô thị Đông Bình Dương (Công ty Đông Bình Dương). Doanh nghiệp này là chủ đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật dự án Khu dân cư thương mại dịch vụ Đông Bình Dương, tại phường Tân Bình, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Theo quyết định xử phạt, Công ty Đông Bình Dương đã có hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng. Do vậy, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương đã xử phạt doanh nghiệp này 50 triệu đồng.
Sở Xây dựng Bình Dương cho biết, Công ty Đông Bình Dương đã tiếp tục thực hiện thi công xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật của dự án Khu dân cư thương mại dịch vụ Đông Bình Dương, không chấp hành đúng nội dung quyết định xử phạt của Chánh Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, ban hành tháng 1/2020.
Các hạng mục vi phạm gồm: công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự án Khu dân cư thương mại dịch vụ Đông Bình Dương có hiện trang san nền đạt khoảng 90%, san nền các tuyến đường đạt khoảng 90%; giao thông đã đầu tư bó vỉa, nền hạ cấp phối, chưa đầu tư vỉa hè, tỷ lệ đạt khoảng 60% (trong đó đã thảm nhựa một số tuyến đường tỷ lệ đạt khoảng 10% - Khu 1A).
Trong khi đó, hệ thống thoát nước mưa, nước thải và cấp nước: chưa đầu tư hoàn chỉnh, tỷ lệ đạt khoảng 60%; hệ thống cấp điện, thông tin liên lạc: đã đầu tư ông chờ, chưa luồn dây, tỷ lệ đạt khoảng 60%; hệ thống chiếu sáng: đã thi công một số tuyến đường tỷ lệ đạt khoảng 10% (Khu 1A); công viên cây xanh: chưa đầu tư.
Do vậy, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, Công ty Đông Bình Dương phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng. Hết thời hạn, doanh nghiệp này không xuất trình người có thẩm quyền xử phạt giấy phép xây dựng được điều chỉnh, thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần sau công trình xây dựng vi phạm theo quy định.
Sau khi được cấp giấy phép xây dựng, Công ty Đông Bình Dương cũng phải tháo dỡ công trình, phần công trình không phù hợp với giấy phép xây dựng được cấp thì mới được thi công xây dựng.
Trước đó, ngày 13/01/2020, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương đã ban hành quyết định số 25/QĐ-XPVPHC, xử phạt Công ty Đông Bình Dương với vi phạm tương tự, số tiền xử phạt là 40 triệu đồng.
Như vậy, chỉ sau 8 tháng, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương Lê Hữu Nhơn đã ban hành liên tiếp 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Đông Bình Dương. Ở lần xử phạt thứ 2, Sở Xây dựng tỉnh này vẫn không áp dụng biện pháp cưỡng chế.
Gần đây, có nhiều thông tin trên mạng xã hội cho rằng Giám đốc và Chánh thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương từng “làm luật” doanh nghiệp. Tuy nhiên, vụ án nhận hối lộ tại Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương đã diễn ra từ năm 2004.
Tình tiết liên quan đến ông Lê Hữu Nhơn, đang là Chánh thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, được báo chí ghi nhận lại, cho biết: "Nguyễn Văn Quý khai nhận vào tháng 10/2004, Quý cùng vợ là Nguyễn Thu Dung đến gặp Lê Hữu Nhơn, (cán bộ thanh tra Sở Xây dựng) để nhờ hướng dẫn làm thủ tục cấp phép xây dựng khách sạn Ngọc Minh. Lê Hữu Nhơn đồng ý giúp Quý làm thủ tục xin thẩm định về địa chất, phòng cháy, chữa cháy. Khách sạn Ngọc Minh đang xây dựng, thời gian làm thủ tục cấp giấy phép kéo dài nên Nguyễn Văn Quý thỏa thuận sẽ chi cho Lê Hữu Nhơn 15 triệu đồng, trong đó đưa ngay 10 triệu đồng tại quán cà phê Trung Nguyên, thị xã Thủ Dầu Một. Lê Hữu Nhơn đã giao bộ hồ sơ xin cấp phép cho Nguyễn Thành Nhơn kèm theo 10 triệu đồng.
Lê Hữu Nhơn thừa nhận có hướng dẫn, giúp đỡ Nguyễn Văn Quý nhưng cho rằng không nhận tiền và hồ sơ xin cấp phép xây dựng từ Quý để giao cho Nguyễn Thành Nhơn. Từ đó, Cơ quan Điều tra cho rằng “lời khai của Quý và Thành Nhơn chưa có cơ sở chấp nhận” đã không truy tố Lê Hữu Nhơn".
"Đến lần xử phạt thứ 2 phải cưỡng chế phần xây dựng không có giấy phép" Đó là khẳng định của Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM. “Về nguyên tắc khi hết hạn 60 ngày của lần xử phạt trước đó, thì chính quyền phải lập biên bản, ghi nhận việc đã cho thời hạn 60 ngày. Đến lần xử phạt thứ 2 thì không áp dụng cho thêm thời hạn 60 ngày nữa, mà phải thực hiện cưỡng chế phần xây dựng không có giấy phép”, Luật sư Trần Đức Phượng nói. Theo Luật sư Trần Đức Phượng, về bản chất, chức năng của hình thức xử phạt bổ sung là bổ trợ cho hình thức xử phạt chính để ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm hành chính tiếp tục xảy ra trong tương lai. Tuy nhiên, trong các điều Luật về xử phạt vi phạm hành chính và các Nghị định không quy định rõ trong việc áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung. Điều này đã tạo ra những kẽ hở, tạo sự linh động cho chính những người xử phạt. Thậm chí, một số địa phương đã mượn việc áp dụng xử phạt để hợp thức hóa cho vi phạm, đặc biệt là trong xây dựng không phép, sai phép. Với trường hợp của Công ty Đông Bình Dương, tháng 1/2020, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng đã ra quyết định xử phạt và cho doanh nghiệp thực hiện việc xin cấp giấy phép xây dựng. Nếu tại quyết định lần 1 có cho doanh nghiệp thời hạn 60 ngày, mà sau đó doanh nghiệp vẫn tiếp tục thi công, thì lần thứ 2 này chỉ áp dụng xử phạt và cưỡng chế chứ không cho thêm thời hạn. Còn ở đây, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng lại tiếp tục ban hành quyết định xử phạt mới, cho thêm thời hạn 60 ngày, không áp dụng biện pháp gì thêm thì chưa đủ sức răn đe, chưa thể hiện hết sự nghiêm minh. Như vậy, dù không chấp hành quyết định xử phạt trước đó, nhưng doanh nghiệp chỉ phải nộp thêm tiền phạt và được tồn tại công trình thêm 60 ngày nữa. |
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/chanh-thanh-tra-le-huu-nhon-lan-thu-2-xu-phat-cong-ty-dong-binh-duong-a58338.html