Mặc dù chính quyền khẳng định, không có dự án nào tên “Đức Anh Future New” và “Minh Thành New City” trên địa bàn, nhưng Công ty cổ phần Địa ốc Đức Anh vẫn “vẽ” ra hai dự án này để huy động vốn trái phép từ khách hàng, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro?
“Vẽ” dự án “ma”?
Theo Tạp chí Thương hiệu và Công luận, dự án “Đức Anh Future New” nằm tại địa bàn xã Nha Bích, còn dự án “Minh Thành New City” nằm trên địa xã Minh Thành của huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Dương. Cả hai dự án này đều giới thiệu do Công ty cổ phần Địa ốc Đức Anh, có trụ sở chính tại số 102 quốc lộ 13, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, Bình Phước làm chủ đầu tư.
Như để “nhử” khách hàng, tại một số trang mua bán bất động sản và mạng xã hội facebook, Công ty cổ phần Địa ốc Đức Anh tung “chiến dịch” quảng cáo dự án “Minh Thành New City” có đầy đủ cơ sở pháp lý, có thổ cư và xây dựng tự do.
Riêng dự án “Đức Anh Future New” được giới thiệu hình ảnh vị trí dự án, giấy quyết định xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, sơ đồ phân lô, giá bán từ 600 triệu đồng/lô, hỗ trợ vay ngân hàng từ 40-50%.
Đức Anh Future New” và “Minh Thành New City” được quảng cáo rầm rộ trên mạng.
Mặc dù quảng cáo rầm rộ và hoành tráng như vậy, song tại vị trí dự án có tên “Đức Anh Future New” ở xã Nha Bích PV ghi nhận, hiện vẫn đang là bãi đất trống, được đóng cọc phân lô với diện tích khoảng 200m2/lô. Khu vực đất này còn vô cùng vắng vẻ, ít bóng nhà dân. Tương tự, tại vị trí dự án được quảng cáo là “Minh Thành New City” ở xã Minh Thành cũng chỉ là một khu đất mọc đầy cỏ dại, không có dấu hiệu của việc thi công.
Đến ngày 15/11/2020, nhiều khách hàng xuống tiền tại vị trí đất giới thiệu là dự án “Minh Thành New City” - lô đất do Công ty cổ phần Địa ốc Đức Anh tự “vẽ” ra.
Như để tạo niềm tin cho khách hàng, doanh nghiệp này ngang nhiên đưa một số máy móc đến để san ủi mặt bằng, làm sạch cỏ dại mọc trên các lô đất.
Thậm chí, Công ty cổ phần Địa ốc Đức Anh đã dựa vào giấy trích lục thửa đất, “bán” cho khách hàng thông qua Hợp đồng Quyền sử dụng đất, Hợp đồng đầu tư quyền sử dụng đất và Biên bản thỏa thuận đặt cọc với số tiền từ 50 triệu đồng đến hơn 200 triệu đồng.
Liên quan đến sự việc trên, cả lãnh đạo hai xã Nha Bích và Minh Thành đều khẳng định, địa phương không có dự án nào tên “Đức Anh Future New” và “Minh Thành New City”. Thậm chí, xã còn không biết đến Công ty cổ phần Địa ốc Đức Anh.
Địa ốc Đức Anh vi phạm pháp luật thế nào?
Dưới góc độ pháp lý của sự việc trên, trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định của pháp luật các dự án kinh doanh bất động sản phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư, phải có quyết định phê duyệt dự án của cấp có thẩm quyền. Dự án đó phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và quá trình triển khai thực hiện dự án phải có sự quản lý của cơ quan quản lý đất đai. Việc phân lô bán nền phải được phép của cơ quan chức năng.
Trong sự việc trên, bước đầu lãnh đạo hai xã Nha Bích và Minh Thành đều khẳng định với báo chí, địa phương không có dự án nào tên “Đức Anh Future New” và “Minh Thành New City”.
Thậm chí, xã còn không biết đến Công ty cổ phần Địa ốc Đức Anh. Như vậy, có nghĩa là Công ty cổ phần Địa ốc Đức Anh đã “vẽ” ra dự án, tự đặt tên dự án và tự phân lô bán nền đất mà không được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền, đây là thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của nhiều khách hàng.
Luật sư Cường phân tích: Với thửa đất chưa có dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không được phép tách thửa, thậm chí có thể chưa chuyển mục đích sử dụng đất thì không được phép tự ý thực hiện các giao dịch về bất động sản như vậy. Bởi vậy, sự việc có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc điều tra, xác minh.
Cụ thể, cơ quan điều tra sẽ làm rõ những thông tin, thủ đoạn gian dối mà Công ty cổ phần Địa ốc Đức Anh đã đưa ra đối với những khách hàng trong các giao dịch về bất động sản. Đồng thời, sẽ phải làm rõ từng giao dịch đối với từng khách hàng để xác định giao dịch nào có dấu hiệu gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản, giao dịch cao là quan hệ dân sự đơn thuần.
Trường hợp cơ quan điều tra có tài liệu, chứng cứ để chứng minh doanh nghiệp đã có thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản thì sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 174 bộ luật hình sự năm 2015.
Trong trường hợp người mua bất động sản biết rõ là dự án này chưa hợp pháp, chưa được cấp có thẩm quyền cho phép nhưng vẫn cố tình thực hiện giao dịch mà không chứng minh được thủ đoạn gian dối của các đối tượng trong Công ty này thì giao dịch đó sẽ là quan hệ dân sự và có thể bị tòa án tuyên bố vô hiệu.
Riêng với các giao dịch đặt cọc, mua bán mà đối tượng của giao dịch làm bất động sản chưa được phép tham gia giao dịch, không được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền, giấy tờ về dự án là giả mạo thì hành vi có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bởi vậy, cơ quan điều tra cũng phải làm rõ đối với từng đối tượng trong Công ty này, đối với từng khách hàng trong từng giao dịch để xác định yếu tố gian dối và mục đích chiếm đoạt tài sản được thực hiện như thế nào.
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/dia-oc-duc-anh-ve-du-an-ma-o-binh-phuoc-cau-khach-vi-pham-phap-luat-a58301.html