Hàng chục triệu m2 đất cổ phần hóa được các ông lớn 'hô biến' thế nào?

Từ 66 doanh nghiệp nhà nước, thành phố Hà Nội đã cổ phần hóa với 383 điểm đất, tổng diện tích trên 5.576.000 m2. Bên cạnh đó còn có hàng trăm doanh nghiệp trung ương trên địa bàn cổ phần hóa đang quản lý trên 4.565.000 m2 đất.

Từ 66 doanh nghiệp nhà nước, thành phố Hà Nội đã cổ phần hóa với 383 điểm đất, tổng diện tích trên 5.576.000 m2. Bên cạnh đó còn có hàng trăm doanh nghiệp trung ương trên địa bàn cổ phần hóa đang quản lý trên 4.565.000 m2 đất.

Nhiều bất cập đất đai của các DNNN khi thực hiện cổ phần hóa. Ảnh minh họa)

“Hô biến” sang đất thương mại, dịch vụ

Theo Kiểm toán Nhà nước (KTNN) khu vực IV, phần lớn những doanh nghiệp được kiểm toán thực hiện cổ phần hóa trong giai đoạn trước năm 2018 đều được giao quản lý, sử dụng một diện tích đất tương đối lớn, hoặc nắm giữ một số khu đất có lợi thế thương mại cao.

Cơ quan kiểm toán viện dẫn số liệu từ Sở TN&MT Hà Nội, trước và trong giai đoạn 2011- 2017, thành phố Hà Nội đã thực hiện cổ phần hóa được 66 doanh nghiệp nhà nước thuộc thẩm quyền của UBND thành phố quản lý, sử dụng 383 điểm đất với trên 5.576.000 m2. Riêng các DNNN Trung ương trên địa bàn có 115 DN cổ phần hóa đang quản lý sử dụng 288 điểm đất với tổng diện tích trên 4.565.000 m2.

 Điều đáng nói là, sau khi thực hiện cổ phần hóa, được tư nhân nắm giữ cổ phần chi phối, sau đó đã “hô biến” chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất thương mại dịch vụ. Trường hợp nhà nước nắm cổ phần chi phối thì thực hiện liên doanh liên kết với doanh nghiệp bên ngoài để thực hiện các dự án thương mại - dịch vụ.

Nghị quyết 60 của Quốc hội, chỉ qui định đất doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng nếu chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái với phương án cổ phần hóa mới phải thu hồi tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Theo KTNN, đây chính là một “kẽ hở” để các đại gia thâu tóm những doanh nghiệp có quỹ đất giá trị sinh lời cao, nhằm chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà không phải đấu giá. Từ đó dẫn đến việc xác định giá đất không qua đấu giá sẽ không sát giá thị trường, có nguy cơ gây thất thoát ngân sách.

KTNN cũng chỉ ra rằng, trong thời gian dài trước đó cho đến hết năm 2017, thành phố Hà Nội chưa chỉ đạo các doanh nghiệp (ngoại trừ Tổng công ty Harpro) xây dựng phương án sử dụng đất riêng trước khi xác định giá trị doanh nghiệp; không kiên quyết thu hồi những diện tích đất chưa phù hợp với phương án hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của doanh nghiệp.

Thậm chí còn có trường hợp thành phố cho phép thay đổi mục đích sử dụng từ trụ sở làm việc sang kinh doanh thương mại, dịch vụ không đúng theo phương án cổ phần hóa. Đã vậy còn cho phép doanh nghiệp cổ phần hóa hợp tác bằng giá trị tài sản trên đất thành lập pháp nhân mới chưa phù hợp với tình hình thực tế (đã góp vốn thành lập công ty liên doanh từ trước đó).

Ngoài ra, còn có tình trạng ban hành quyết định thu hồi đất đang có người sử dụng để giao đất cho người khác không đúng theo quy định Luật Đất đai; chưa quản lý, theo dõi, quyết toán chi phí đền bù di dời; chưa đôn đốc nộp về Nhà nước đối với các trường hợp đã chuyển sang công ty cổ phần.

Kiến nghị Hà Nội thu hồi hàng chục héc ta đất

Không chỉ dừng lại ở đó, một số doanh nghiệp còn không xây dựng phương án sử dụng đất riêng để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định trước khi xác định giá trị doanh nghiệp. Có trường hợp xây dựng và phê duyệt Phương án sử dụng đất chưa phù hợp với quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ… Hàng loạt những bất cập trong cổ phần hóa vừa qua đã tạo kẽ hở dẫn đến tình trạng thất thoát, tham nhũng.

Cá biệt, có doanh nghiệp khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép đã thực hiện bàn giao trên 2.600 m2 đất đang quản lý cho doanh nghiệp khác để thực hiện dự án khu nhà ở tái định cư và kinh doanh.

Bên cạnh đó, còn một số doanh nghiệp có các điểm đất được giao, cho thuê nhưng chưa thực hiện các thủ tục ký hợp đồng thuê đất với tổng diện tích trên 782.000 m2. Có 9 doanh nghiệp với 21 điểm đất, tổng diện tích đất quản lý 221.843 m2 đã hết thời hạn thuê đất theo hợp đồng cũ. Tuy nhiên, những “ông lớn” này lại chưa làm thủ tục điều chỉnh gia hạn, bổ sung phụ lục hợp đồng thuê đất. Vậy mà thành phố vẫn không thực hiện xem xét, thu hồi theo luật định.

Ngược lại, còn một số doanh nghiệp sở hữu hàng trăm nghìn m2 đất đã được chấp thuận chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất làm dự án, đã giao đất chuyển đổi (không qua đấu giá), hoặc chưa thực hiện giao đất, song đến nay chưa triển khai thực hiện dự án chuyển đổi, đất đai đang được sử dụng theo mục đích cũ, hoặc sử dụng cho mục đích khác.

Từ việc phát hiện những bất cập, hạn chế việc quản lý, sử dụng đất trong và sau quá trình cổ phần hóa DNNN trên địa bàn Hà Nội, KTNN đã đưa ra các kiến nghị, thu nộp NSNN và xử lý hàng nghìn tỷ đồng. Đồng thời kiến nghị UBND thành phố Hà Nội thu hồi hàng chục héc ta đất, chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, kiểm tra, xử lý các sai phạm được phát hiện qua kiểm toán. Có dự án KTNN đã chuyển hồ sơ cho cơ quan công an để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo Luân Dũng/Tiền phong

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/hang-chuc-trieu-m2-dat-co-phan-hoa-duoc-cac-ong-lon-ho-bien-the-nao-a58088.html