Người dân Thủ Thiêm mong chờ một kết thúc có hậu

Trao đổi với PV Tiền Phong trước thềm buổi đối thoại với Thanh tra Chính phủ (TTCP) và UBND TPHCM, nhiều người dân Thủ Thiêm (quận 2, TPHCM) bày tỏ mong muốn các cơ quan có thẩm quyền giải quyết thấu tình đạt lý, sớm kết thúc vụ việc…

Trao đổi với PV Tiền Phong trước thềm buổi đối thoại với Thanh tra Chính phủ (TTCP) và UBND TPHCM, nhiều người dân Thủ Thiêm (quận 2, TPHCM) bày tỏ mong muốn các cơ quan có thẩm quyền giải quyết thấu tình đạt lý, sớm kết thúc vụ việc…

Căn nhà của vợ chồng bà Nguyễn Thị Giáp (80 tuổi) nằm giữa khu đất hoang, thường xuyên bị ngập nước)

Ðừng để bà con lặn lội đi khiếu kiện nữa!

Trưa ngày 25/11, chúng tôi gặp bà Lê Thị The (75 tuổi, nguyên cán bộ Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam, ở nhà số A1/3G, khu phố 1, phường Bình An, quận 2). Bà The đang soạn hồ sơ chuẩn bị cho buổi đối thoại sắp tới. Bà The là một trong 38 người dân ở Thủ Thiêm ra Hà Nội kêu cứu, vừa trở về để tham dự buổi đối thoại. “Cũng mỏi mòn lắm rồi nhưng vẫn phải đi vì nhà cửa cả đời tạo dựng, mất rồi thì con cháu biết ở đâu. Tiền bồi thường không đủ mua nhà khác để ở thì chúng tôi khó chấp nhận”, bà The nói.

Theo bà Lê Thị The, người dân sẵn sàng bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án, chỉ cần Thành phố xác định nhà đất ở 5 khu phố thuộc 3 phường nằm ngoài ranh quy hoạch và có chính sách bồi thường thỏa đáng theo đúng quy định của pháp luật. Người dân mong sớm ổn định cuộc sống nhất là khi Tết cổ truyền sắp đến.

“Chúng tôi chưa tin lắm! Thông báo Kết luận số 1483 của TTCP chỉ ra nhiều cái sai nhưng chỉ làm sáng tỏ một phần. Nội dung khiếu nại của bà con về 5 khu phố ngoài ranh quy hoạch TTCP không kết luận, chỉ nói trong phạm vi 5 khu phố 3 phường có khu 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch. Người dân đang hoang mang không biết TTCP sẽ kết luận như thế nào. Nếu giải quyết công bằng thì bà con được nhờ, còn như những lần trước thì sẽ rất buồn, nhưng người dân sẽ không chùn bước, sẽ tiếp tục đòi công lý”, bà The nói.

Bà Hồ Thị Mai (ngụ tại C.29/2, phường Bình Khánh, quận 2) cũng vừa trở về từ Hà Nội sau khi biết tin có buổi đối thoại. “Tôi mong những người đối thoại lần này thực tâm muốn giải quyết, đừng để bà con lặn lội đi khiếu kiện nữa. Bà con ai cũng mỏi mòn và mong một kết thúc có hậu để sớm ổn định cuộc sống”, bà Mai nói.

Chờ kết thúc có hậu

Bà Lê Thị The chuẩn bị hồ sơ cho buổi đối thoại với Thanh tra Chính phủ và UBND TPHCM)

Từ một người khá giả với 2 căn nhà, trong đó một căn có vị trí mặt tiền đường Lương Định Của và một ki-ốt cho thuê kinh doanh vàng trong chợ An Khánh cũ, bà Hồ Thị Mai trắng tay khi dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm được triển khai. Bà phải ở nhờ nhà mẹ già 90 tuổi trong khu tạm cư. Hai suất tái định cư, bà đem “bán lúa non” để lo thuốc thang chữa bệnh và làm đám tang cho con. “Tôi chỉ mong đối thoại công bằng, có kết quả, giải quyết xong các khiếu kiện để người dân sớm ổn định cuộc sống”, bà Mai nói.

Men theo con đường lầy lội ghé vào nhà bà Nguyễn Thị Giáp (80 tuổi), chúng tôi chứng kiến bà đang vận chiếc áo rách vai ngồi đút từng thìa cháo cho chồng. Căn nhà lọt thỏm trong khu đất hoang, giữa những bức tường bê tông bị đập phá nham nhở. Lau sậy mọc cao quá đầu người. Chồng bà Giáp, ông Huỳnh Văn Lực (90 tuổi, 50 tuổi Đảng) bị tai biến, nhiều năm qua nằm một chỗ, mọi sinh hoạt cá nhân trông cậy hết vào người vợ.

Bà Nguyễn Thị Giáp kể: Người ta giải tỏa hết công trình thoát nước. Mỗi lần mưa xuống thì trong nhà, ngoài ngõ bị ngập sâu. Nhà không được sửa chữa, bị dột khắp nơi mỗi khi trời mưa, bà phải thức suốt đêm lau dọn. Muỗi, rắn rết ở đây nhiều. Tuổi già, gần đất xa trời rồi, không biết chúng tôi còn chịu đựng cảnh này bao lâu nữa!

Bà Nguyễn Thị Giáp cũng rất muốn đến buổi đối thoại. “Nếu chính quyền cho ở lại thì chúng tôi sẽ ở lại. Nếu phải đi thì bồi thường sao cho vợ chồng tôi có thể tìm được nơi ở mới, chúng tôi sẵn sàng giao mặt bằng để rời đi. Cứ nhùng nhằng không giải quyết người dân rất khổ. Tiền bồi thường không đủ để mua một căn hộ chung cư thì chúng tôi biết đi đâu... Chúng tôi mong lần này giải quyết cho xong để yên ổn, không suy nghĩ gì nữa. Tuổi già mà lúc nào cũng suy nghĩ chuyện nhà cửa, lo đến khi nhắm mắt không còn nhà để về thì khổ sở lắm”, bà Giáp bày tỏ.

Theo bà The, bà con đi kêu cứu đều nghèo, ra Hà Nội là việc chẳng đặng đừng vì rất tốn kém. Như đợt vừa rồi 38 người ra, đến ngày cuối cùng chỉ còn hơn 20 vì nhiều người hết tiền phải về trước. Bản thân bà The phải đi vay mượn khắp nơi để có lộ phí. “Từ lâu lắm rồi, tôi có lương hưu mà đâu được ăn. Lãnh bao nhiêu phải trả tiền lãi vay hết, hằng ngày tôi phải ăn nhờ cơm của con”, bà The nói thêm.

Ngày 27/11, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ và UBND TPHCM sẽ cùng chủ trì buổi đối thoại với người dân 5 khu phố thuộc 3 phường tại khu đô thị mới Thủ Thiêm. Lịch đối thoại với người dân trước đây bị hoãn lại nhiều lần bởi nhiều lý do khác nhau.

Theo Huy Thịnh-Văn Minh/Tiền phong

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/nguoi-dan-thu-thiem-mong-cho-mot-ket-thuc-co-hau-a58081.html