Sau khi nghiên cứu hồ sơ mời thầu (HSMT), các doanh nghiệp đã gửi đơn tới Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng về một số vấn đề bất thường trong gói thầu thiết bị số 62 – Dự án đầu tư xây dựng công trình Bệnh viện đa khoa tỉnh Trà Vinh.
Nhiều thiết bị lỗi đang thu hồi
Phản ánh tới Báo Công lý, các doanh nghiệp cho biết: Ngày 14/9/2020, Sở Y tế Trà Vinh đăng tải thông báo mời thầu Gói thầu số 62 với tên gọi Thiết bị hồi sức cấp cứu, gồm 24 thiết bị (gọi tắt là Gói thầu số 62) cho Dự án đầu tư xây dựng công trình Bệnh viện đa khoa tỉnh Trà Vinh. Gói thầu nhận từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và ngân sách tỉnh, giá dự toán hơn 72 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu hồ sơ mời thầu (HSMT), các doanh nghiệp gửi đơn tới Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chỉ ra những vấn đề bất thường về tính năng kĩ thuật của một số trang thiết bị trong HSMT.
Theo tìm hiểu của PV, Chính phủ đã phê duyệt đầu tư xây dựng mới nhiều bệnh viên đa khoa cấp tỉnh, trong đó có Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh. Trong quá trình thực hiện, các doanh nghiệp cho rằng, việc xây dựng các cấu hình thiết bị y tế để thực hiện đấu thầu mua sắm đã và đang xảy ra nhiều bất cập.
Cụ thể, trong bộ cấu hình do đơn vị tư vấn lập cấu hình và dự toán là Liên danh Công ty TNHH Nghiên cứu chế tạo và chuyển giao công nghệ thiết bị y tế và Công ty Cổ phần Asiatech Việt Nam (đơn vị tư vấn lập cấu hình) có nhiều thiết bị đang bị Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ - FDA, Bộ Y tế Canada cảnh báo, khuyến nghị về các lỗi kỹ thuật có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng bệnh nhân.
Trong đơn, các doanh nghiệp nêu ví dụ như: Hệ thống máy siêu âm của hãng Phillips với các models EPIQ 5G, EPIC 5C, EPIQ 5W… đã bị FDA bắt đầu thu hồi từ cuối tháng 4/2019. Tổng cộng tới nay đã thu hồi trên 3.100 thiết bị vì lý do bị lỗi trong phần mềm hiển thị kết quả bệnh nhân (kết quả siêu âm của bệnh nhân này có thể bị hiển thị nhầm sang thành kết quả của bệnh nhân khác, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chẩn đoán).
Chưa kể tới, hệ thống máy siêu âm của hãng Phillips với các model: EPIQ 7, Affiniti 70, EPIQ 5, EPIQ Cvxi còn bị lỗi không tự đồng làm mát đầu dò siêu âm tim qua thực quản, có thể gây phỏng cho bệnh nhân. Khuyến cáo này được FDA đưa ra từ 1/5/2020.
Ngoài ra, hơn 2.200 thiết bị của hệ thống siêu âm của hãng Siemens với nhiều model chứa nhiều phiên bản phần mềm bị thu hồi từ cuối tháng 1/2019 do lỗi phần mềm khiến điện áp tại các đầu dò vượt quá ngưỡng an toàn, gây nguy hiểm cho bệnh nhân…
Đáng lưu ý, hệ thống gây mê Carestation 620/650/650c A1 của hãng GE Healthcare bị thu hồi mức độ nghiêm trọng nhất vì lý do có khả năng kết nối bên trong hệ thống máy gây ra việc thông khí ngừng hoạt động. Việc sử dụng sản phẩm có thể khiến bệnh nhân có lượng oxy trong máu thấp, dẫn tới tổn thương mô hoặc các cơ quan hoặc tử vong. FDA cũng đã khuyến cáo thu hồi sản phẩm trên từ ngày 7/2/2020, tới nay thu hồi 3.599 thiết bị…
Các doanh nghiệp cũng cho hay, HSMT đưa ra một số thiết bị trong bộ cấu hình có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng như ghi xuất xứ Thụy Sỹ nhưng trụ sở chính của chủ sở hữu thiết bị ở Đài Loan, Trung Quốc, nhà máy sản xuất lại ở Serbia; hay có những thiết bị sử dụng công nghệ cũ; hệ thống xạ trị do đơn vị tư vấn lập cấu hình xây dựng thiếu toàn bộ phần mặt nạ che chắn bức xạ cho bệnh nhân trong điều trị, vi phạm nghiêm trọng quy định về bảo đảm an toàn bức xạ trong y tế theo quy định của Bộ Khoa học, Công nghệ Việt Nam…
Dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng Luật Đấu thầu
Theo phản ánh từ các doanh nghiệp, một số thiết bị do đơn vị tư vấn lập cấu hình xây dựng mang tính chỉ định cụ thể vào thiết bị của hãng Philips, không hãng thiết bị nào khác có thể đáp ứng.
Đơn cử như một loạt yêu cầu kỹ thuật đối với thiết bị Đầu dò siêu âm nội mạch (IVUS) điện tử chỉ định thẳng kích thước dây dẫn hướng tương thích là 0.014 inches, đường kính quét ≥ 3.5F, chiều dài làm việc ≥ 150 cm… Hay như các yêu cầu kỹ thuật liên quan đến Đầu dò đo phân suất trữ lượng mạch vành như kích thước đường kính chỉ định 0.014 inches, chiều dài hoạt động ≥ 185 cm…
Tất cả những yêu cầu kỹ thuật trên đều là những đặc tính kỹ thuật chỉ có thiết bị siêu âm nội mạch Model Core Mobile của hãng Philips có thể đáp ứng.
Các doanh nghiệp cho rằng, điều này vi phạm nghiêm trọng với tinh thần của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 và Nghị định 63/2014/NĐ-CP hướng dẫn về Luật đấu thầu có nêu rõ “trong hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.”
Các doanh nghiệp cho biết, trong gói thầu số 62, xuất hiện rất nhiều điểm nghi vấn trong Thư Uỷ quyền bán hàng của nhà sản xuất cho một đơn vị dự thầu (gọi là Công ty cổ phần A).
Cụ thể, Công ty A. đã dự thầu thiết bị Máy siêu âm nội mạch là của hãng Philips, đơn vị nhập khẩu là Philips Việt Nam, model Core Mobile. Vậy nhưng trong Thư ủy quyền của nhà sản xuất lại là của hãng Volcano kí, trong khi Tập đoàn Philips đã hoàn tất toàn bộ việc mua lại hãng Volcano từ tháng 2/2015.
Chưa kể tới, trụ sở chính của hãng Volcano đặt ở Mỹ, nhà máy sản xuất theo giấy phép nhập khẩu ở Costarica nhưng con dấu trên Thư ủy quyền sản phẩm của Volcano cho Công ty A. lại của Volcano Bỉ, không kèm theo văn bản nào chứng minh sự liên hệ.
Khi Sở Y tế Trà Vinh phát đi công văn yêu cầu các doanh nghiệp phải nộp bản gốc Thư ủy quyền để làm rõ hồ sơ thì Công ty A. lại chỉ nộp một bộ hồ sơ xin giấy phép nhập khẩu thiết bị trên, là bản sao.
Văn phòng Chính phủ ra chỉ đạo
Trong cuộc họp vào ngày 11/9/2020 giữa UBND tỉnh Trà Vinh, Sở Xây dựng và chủ đầu tư dự án – Sở Y tế Trà Vinh, các nội dung này đều được yêu cầu xem xét thay đổi.
Ngày 28/10/2020, Bộ Y tế cũng có công văn gửi cho Sở Y tế Trà Vinh yêu cầu chủ đầu tư cần đề xuất điều chỉnh để dự án đạt hiệu quả và không làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu.
Tới ngày 10/11, Sở Y tế Trà Vinh đã có văn bản số 2862/SYT-KHTC gửi Công ty Liên danh TNHH Tư vấn Y tế Mediconsult Việt Nam. Trong đó lưu ý những nội dung mang tính chỉ định thầu; đề nghị cân nhắc, tránh mua thiết bị y tế không đảm bảo chất lượng.
Liên quan tới vụ việc, ngày 11/11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã ký công văn gửi UBND tỉnh Trà Vinh với nội dung: Theo đơn kiến nghị của doanh nghiệp về những bất cập trong việc xây dựng các cấu hình thiết bị y tế để thực hiện đấu thầu mua sắm Dự án Bệnh viện Đa khoa 706 giường tỉnh Trà Vinh, căn cứ Nghị quyết số 35 của Chính phủ năm 2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Quyết định số 574 năm 2017 của Thủ tướng ban hành Quy chế tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại công văn số 9800 năm 2016 về việc tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ đã chuyển văn bản kiến nghị của doanh nghiệp đến UBND tỉnh Trà Vinh để xem xét, xử lý trả lời doanh nghiệp theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Thời hạn để UBND tỉnh Trà Vinh trả lời vụ việc này là trước 5/12/2020.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/nhieu-bat-thuong-tai-goi-thau-thiet-bi-so-62-benh-vien-da-khoa-tra-vinh-a58062.html