Đi vào hoạt động từ năm 2013, nhưng đến nay Nhà máy Thủy điện Khe Bố (thuộc Công ty cổ phần Phát triển Điện lực Việt Nam) vẫn chưa giải quyết xong việc đền bù, di dân tái định cư, khiến người dân hết sức bức xúc.
[caption id="attachment_57880" align="aligncenter" width="533"] Thủy điện Khe Bố.[/caption]
Thông tin từ UBND huyện Tương Dương (Nghệ An), liên quan đến Thủy điện Khe Bố còn có 7 nội dung lớn, 45 vấn đề tồn đối với 6 xã gồm Tam Đình, Tam Quang, Tam Thái, Xá Lượng, Yên Thắng và thị trấn Thạch Giám. Những vướng mắc mà đến nay chưa giải quyết xong như đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư...
Kiến nghị cũng vô tác dụng?
Đơn cử như tại xã Yên Thắng, ông Vi Xuân Phóng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Trên địa bàn còn 12 hộ dân chưa được Thủy điện Khe Bố đền bù, bồi thường, hỗ trợ về đất. Cụ thể, tại Bản Pủng, có 48 thửa đất đã được đo đạc bản đồ địa chính, nhưng do chồng lấn trên thửa đất lâm nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận cho hộ khác.
Bản Cành, có 2 hộ thuộc diện di dân tự do, nhưng chưa được bồi thường về đất ở đối với phần diện tích còn lại. Bản Lườm, có 2 thửa đất đã được đo đạc bản đồ địa chính, nhưng do chồng lấn trên thửa đất lâm nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận cho hộ khác...
Ông Lô Xuân Tiến (ở bản Pủng) cho biết: “Họ kiểm đếm từ năm 2008, tính tổng gần 345 triệu đồng mà thủy điện phải chi trả. Sau khi kiểm đếm xong, họ tạm hỗ trợ cho gia đình 97 triệu đồng. Từ đó đến nay, gia đình vẫn chưa được nhận thêm đồng nào, kiến nghị nhiều lần nhưng không có tác dụng, trong khi thủy điện đã vận hành hơn 7 năm nay”.
Còn hai gia đình ông Đặng Văn Hoan, ông Lô Hợi Dương (cũng ở bản Pủng), đến nay cũng chưa chấp nhận giá đền bù do chủ đầu tư đưa ra vì cho rằng mức áp giá đền bù thấp.
Đó cũng là tình trạng chung của 5 xã còn lại chịu ảnh hưởng của thủy điện Khe Bố. Cụ thể, xã Tam Thái có 17 hộ với 17 thửa đất đã được đo đạc bản đồ địa chính, nhưng chưa được lập hồ sơ bồi thường. Tại thị trấn Thạch Giám có 50 hộ với 50 thửa chưa được lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ về đất nông nghiệp.
Tại xã Tam Quang có 44 hộ với 86 thửa chưa lập hồ sơ bồi thường dù đã công khai diện tích và xác minh nguồn gốc đất... Trong khi đó, tại xã Xá Lượng có 52 thửa đất vẫn chưa được lập hồ sơ bồi thường. Ngoài ra, còn có 4 hộ thuộc diện ảnh hưởng lũ lụt năm 2018 đã được hỗ trợ 50% kinh phí, phần còn lại chưa chi trả do chủ sử dụng đất chưa di dời.
Hứa đến bao giờ?
Vừa qua, huyện Tương Dương đã có buổi làm việc với các xã bị ảnh hưởng, đại diện chủ đầu tư để có hướng giải quyết dứt điểm những vướng mắc nói trên. Theo ông Nguyễn Văn Hải, Bí thư Huyện ủy Tương Dương, Thủy điện Khe Bố để lại tồn tại quá lớn, ảnh hưởng quyền lợi hợp pháp chính đáng của người dân.
Cụ thể như có những hộ dân nhường đất thực hiện dự án, nhưng đến nay vẫn chưa được bồi thường, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống.
“Chủ đầu tư thiếu trách nhiệm, đã cố tình thực hiện không đúng quy trình, quy định của Nhà nước; công tác phối hợp giữa chủ đầu tư với chính quyền các cấp chưa tốt; có những cán bộ của chủ đầu tư xem nhẹ quyền lợi của dân; chủ đầu tư cố tình đưa ra những lý do không phù hợp như khó khăn về vốn để nhằm chây ì việc chi trả”, ông Hải nhấn mạnh.
Về vấn đề này, đại diện các xã, thị trấn đã có nhiều kiến nghị, khẳng định: Chủ đầu tư thiếu trách nhiệm giải quyết các tồn tại vướng mắc liên quan đến việc bồi thường - giải phóng mặt bằng cho dân và công tác đầu tư xây dựng phục vụ di dân tái định cư.
Ông Lô Văn Huy, Bí thư Đảng uỷ xã Tam Thái cho biết, do lời hứa của thủy điện thực hiện chậm, nên cuộc họp nào dân cũng có ý kiến. Còn ông Vi Xuân Phóng, Chủ tịch UBND xã Yên Thắng nói: Chủ đầu tư quá chậm trong chi trả tiền đền bù, hỗ trợ cho dân, khiến người dân bức xúc, xã đã kiến nghị nhiều lần nhưng không hiệu quả.
Ông Phan Thế Chuyền, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Điện lực Việt Nam (chủ đầu tư Thủy điện Khe Bố) đồng ý với việc còn nhiều vướng mắc, tồn tại nhưng lại cho rằng do khối lượng công việc lớn, có những vấn đề phải có thời gian rà soát, xin ý kiến của cấp trên. Đồng thời, hứa sẽ cố gắng giải quyết từng phần việc, với mốc thời gian hoàn thành từ cuối 2020 đến hết năm 2021.
Ông Chuyền biện bạch chỉ là một chuyện, còn thì đã 7 năm trôi qua kể từ ngày công trình này đi vào vận hành, nó đã làm lợi cho doanh nghiệp không biết bao nhiêu tỷ đồng, nhưng tại sao lại bỏ mặc quyền lợi của dân như vậy?
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/thuy-dien-khe-bo-bo-mac-dan-a57879.html