Chiều 18-11, UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức họp báo thông tin về một số dự án đầu tư trên địa bàn không đấu giá quyền sử dụng đất đang được dư luận quan tâm.
Bốn dự án đầu tư ngoài ngân sách đang được quan tâm tại Bình Thuận do liên quan đến hình thức giao đất, gồm: dự án khu du lịch cộng đồng Biển Quê Hương; dự án lấn biển, bố trí sắp xếp dân cư và chỉnh trang đô thị phường Đức Long (TP Phan Thiết); dự án khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 và dự án Trường mầm non Lê Quý Đôn tại phường Phú Thủy (TP Phan Thiết).
Nhiều cơ quan báo chí tham dự họp báo để nghe thông tin về 4 dự án không đấu giá đất tại Bình Thuận
Đối với dự án Khu du lịch cộng đồng Biển Quê Hương có tổng diện tích hơn 125.000m2 kéo dài ven biển từ xã Thuận Quý (huyện Hàm Thuận Nam) đến xã Tiến Thành (TP Phan Thiết), dư luận đặt câu hỏi vì sao không đấu giá quyền sử dụng đất mà giao không cho doanh nghiệp và số cây rừng trồng trên diện tích dự án bị chặt phá sẽ ảnh hưởng như thế nào?
Đại diện các sở, ngành của tỉnh Bình Thuận cho biết đối với phần diện tích của dự án nằm trên địa bàn xã Tiến Thành (hơn 20.000m2) chỉ xây dựng công trình phục vụ mục đích công cộng, không kinh doanh nên thuộc trường hợp nhà nước giao đất không thu tiền tại Khoản 2, Điều 54 Luật Đất đai năm 2013. Riêng phần diện tích hơn 104.000m2 tại xã Thuận Quý thuộc địa bàn ưu đãi đầu tư, được miễn tiền thuê đất nên không thuộc trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất.
Đối với phần diện tích 7,17 ha cây phi lao nằm trong khu vực dự án bị chặt hạ, đại diện UBND tỉnh Bình Thuận giải thích đây là số cây nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng, được trồng năm 1995 và không phải là rừng phòng hộ. "Khi nhà đầu tư vào phải thực hiện đầy đủ các quy định về trồng rừng thay thế. Phần rừng trên đất cũng được đấu giá, chứ không giao không cho doanh nghiệp" – ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, nhấn mạnh.
Đối với dự án Lấn biển, bố trí sắp xếp dân cư và chỉnh trang đô thị phường Đức Long (TP Phan Thiết, còn được biết đến với tên gọi dự án Hamubay) có tổng diện tích hơn 1,2 triệu m2. UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng gần 270.000m2 dự án hiện trạng chỉ là mặt nước ven biển, không có đất nên không đưa ra đấu giá; riêng phần diện tích gần 960.000m2 đất còn lại phải thực hiện thu hồi, bồi thường. "Không có đất sạch nên không đủ điều kiện để đấu giá đất theo Điều 119 Luật Đất đai năm 2013" – văn bản của UBND tỉnh Bình Thuận nêu.
[caption id="attachment_57600" align="aligncenter" width="640"] Một góc dự án lấn biển Hamubay[/caption]
Về dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2, Sở TN&MT Bình Thuận cho biết đã thông báo bán đấu giá khu đất này tới 6 lần nhưng không có ai tham gia. "Trước đó, một số nhà đầu tư đã ra khu vực dự án này tìm hiểu nhưng đều không đầu tư do đây là khu mồ mã dày đặc, nhiều hố sâu. Đến cuối năm 2016, Công ty CP Tân Việt Phát xin giao đất không qua hình thức đấu giá đối với 3 lô đất số 18, 19 và 20 thuộc quỹ đất hai bên đường ĐT.706B. Đây là khu đất thuộc trường hợp không có người tham gia đấu giá, vì vậy nó rơi vào Khoản 3 Điều 118 Luật Đất đai năm 2013 là giao đất không qua đấu giá" – đại diện Sở TN&MT Bình Thuận thông tin.
Riêng dự án Trường mầm non Lê Quý Đôn tại phường Phú Thủy (TP Phan Thiết), UBND tỉnh Bình Thuận cho biết căn cứ Điều 110, Điều 118 Luật Đất đai năm 2013, việc đầu tư dự án trường mầm non trên khu đất do nhà nước quản lý thuộc trường hợp ưu đãi đầu tư, được miễn tiên thuê đất có thời hạn, không phải qua đấu giá quyền sử dụng đất.
"Để chặt chẽ về pháp lý đối với dự án trường mầm non rộng 5.000m2 tại trung tâm TP Phan Thiết, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN&MT có văn bản hỏi Bộ TN&MT và được trả lời: "Miễn tiền thuê đất đối với dự án sử dụng đất để xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh (xã hội hóa) thuộc lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường thực hiện theo quy định của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường". Trên cơ sở đó, Sở TN&MT thẩm định đủ điều kiện giao thuê đất không qua đấu giá quyền sử dụng đất mà nhà nước cho thuê để thực hiện dự án" - văn bản của UBND tỉnh Bình Thuận lý giải.
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Đức Hòa mong muốn các cơ quan báo chí khi thông tin về những dự án đầu tư trên địa bàn cần minh bạch, nêu cụ thể những dự án sai phạm theo căn cứ pháp lý nào để địa phương phối hợp giải quyết. Ông Hòa cũng đề nghị các sở, ngành của tỉnh chủ động cung cấp thông tin cho báo chí để những phản ánh về các dự án đầu tư được kịp thời, chính xác.
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/binh-thuan-thong-tin-ve-4-du-an-lum-xum-giao-dat-khong-qua-dau-gia-a57598.html