Sau màn kịch “hô biến” TPCN Đại tràng Ông Lạc thành thuốc chữa bệnh, tiếp hành trình đi tìm bản chất sự việc, “ma trận” kinh doanh hết sức tinh vi khác cũng dần lộ sáng.
Để lột tả chân thực bức tranh kinh doanh thực phẩm chức năng (TPCN) Online mang thương hiệu Đại tràng Nhiệt Ông Lạc và Đại tràng Hàn Ông Lạc, PV Chất lượng Việt Nam Online (VietQ) đã thâm nhập vào đại bản doanh của đơn vị phân phối - Công ty CPTM Dược phẩm USAN Việt Nam (ngõ 19, đường Chùa Võ, phường Dương Nội, quận Hà Đông). Qua đó, tận thấy những mảng sáng, tối về hoạt động kinh doanh TPCN Online lâu nay của công ty được che khuất bởi sự hào nhoáng của quảng cáo mà người tiêu dùng không hề biết.
Nhiều góc khuất lộ sáng
Như đã phản ánh trong các bài viết trước, vào vai người tới xin việc PV đã thâm nhập cơ sở kinh doanh nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Đại tràng Ông Lạc tại địa chỉ của Công ty USAN (phòng 6a, tầng 6, tháp B số 18 đường Phạm Hùng, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Trong hành trình đi tìm bản chất thực sự chiêu trò kinh doanh TPCN online của Công ty USAN, PV phát hiện tại cơ sở này, những nhân viên kinh doanh bằng “công thức” dựa trên kịch bản có sẵn đóng vai “bác sỹ” online bắt bệnh, phán bệnh và “hô biến” TPCN Đại tràng Ông Lạc có tác dụng như thuốc chữa bệnh. Không những thế, PV còn phát hiện nhiều góc khuất mà người tiêu dùng không hề hay biết.
Theo tìm hiểu, Công ty USAN được thành lập năm 2017 do ông Nguyễn Văn Định làm đại diện theo pháp luật, đăng ký kinh doanh tại địa chỉ số nhà 2, ngách 19/8, ngõ 19 đường Chùa Võ, phường Dương Nội, quận Hà Đông. Tuy nhiên, theo tìm hiểu thì địa chỉ kinh doanh của Công ty USAN lại ở Tháp B, tòa nhà BigTower, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, chính là nơi PV đã thâm nhập tìm hiểu.
Sau khi loạt bài viết phản ánh về những góc khuất, dấu hiệu lừa dối khách hàng trong hoạt động kinh doanh online của công ty này được đăng tải, tòa soạn VietQ đã nhận được phản hồi tích cực từ các độc giả. Một độc giả cho biết, chị đã phản ánh những vấn đề mà VietQ đăng tải tới một số Fanpage đang kinh doanh sản phẩm Đại tràng Ông Lạc trên mạng xã hội, tuy nhiên chị lại nhận được những lời tư vấn đầy bao biện của nhân viên công ty. Cụ thể, một Fanpage Đại tràng Ông Lạc phản hồi rằng sản phẩm của công ty là thuốc.
Thậm chí, nhân viên của Fanpage còn hướng dẫn khách hàng nên xem Báo của Bộ Y tế có TS. BS Lê Mạnh Cường, công tác tại BV Y học cổ truyền Trung ương đưa tin. "Bác sỹ Cường là đại diện cho sản phẩm, chỉ cần để lại thông tin, bác sỹ sẽ gọi điện trực tiếp tư vấn. Chị tin báo hơn bác sỹ thì tùy chị thôi", người này nói. Sau khi tiếp nhận phản hồi từ độc giả, PV thử để lại thông tin liên lạc nhằm kiểm chứng. Quả nhiên, một nhân viên nữ gọi điện cho PV để tư vấn nhưng không phải là bác sỹ Cường. Chẳng lấy làm lạ, PV biết đó chính là một trong số những “người quen” mà mình mới biết trong thời gian thâm nhập vào công ty để làm việc. Tới đây, mọi thông tin đã dần lộ sáng.
Bộ sản phẩm Đại tràng hàn Ông Lạc và Đại tràng nhiệt Ông Lạc được đăng ký là TPBVSK, có chung tác dụng: Hỗ trợ tỳ vị và tăng cường sức khỏe, hỗ trợ giảm rối loạn tiêu hóa do viêm đại tràng. Thực tế là vậy nhưng trên một số trang web, mạng xã hội, nhiều hình ảnh, thông tin tư vấn quảng cáo lại tung hô như thuốc điều trị bệnh đại tràng nhằm lừa người tiêu dùng “sập bẫy” là có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật.
Lộ diện “ma trận” kinh doanh tinh vi
Trong thời gian tìm hiểu, thâm nhập với vai trò là nhân viên xin việc làm tại Công ty USAN, PV còn phát hiện ra những góc khuất khác về mạng lưới, hệ thống như “ma trận” nhằm “giăng bẫy” người tiêu dùng. Lần thứ nhất, sau khi điền thông tin vào CV do bộ phận nhân sự Công ty USAN gửi tới, PV được một nhân viên phòng nhân sự hẹn tới địa chỉ P3001, tầng 30, Tòa nhà chung cư Usilk, 103 Văn Khê, phường La Khê, Hà Đông để phỏng vấn xin việc. Qua tìm hiểu, PV biết rằng nhân viên này lại thuộc biên chế của một công ty khác.
Đúng hẹn, PV có mặt tại địa chỉ nêu trên thì phát hiện đây là trụ sở của Công ty TNHH dược phẩm Alanta (Công ty Alanta), trụ sở chính ở TP.Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, không phải Công ty USAN như giới thiệu ban đầu. Tuy nhiên, sau này tìm hiểu, PV mới biết Công ty Alanta có văn phòng đại diện trùng với địa chỉ đăng ký dinh doanh của Cty USAN ở Hà Nội như nêu trên. Trong buổi phỏng vấn hôm đó, PV được người đàn ông tên Vũ Trọng Du (như đã nêu ở các bài viết trước đó) phỏng vấn. Lần khác, cũng trong vai xin việc vào Công ty USAN, PV lại được hẹn tới Tháp B, tòa nhà BIGTOWER như đã nêu trên để phỏng vấn. Và không ai khác chính người đàn ông tên Du kia một lần nữa phỏng vấn PV. Việc người đàn ông tên Du cùng xuất hiện trong cả 2 lần phỏng vấn PV chắc hẳn không phải sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Qua tìm hiểu thông tin PV mới được biết sự thực khác là 2 công ty trên chỉ khác nhau tên gọi, còn chúng được giới thiệu là “cơ sở 1” và “cơ sở 2” trong cùng hệ thống mà người đàn ông tên Du là “mắt xích” liên quan đầu tiên. Và vì thế, trong hoạt động kinh doanh TPCN mang thương hiệu “Đại tràng” cũng có những mối quan hệ hết sức khăng khít, mà chỉ khi thâm nhập, tìm hiểu PV mới có cơ hội phân tích, đối chiếu và so sánh để tìm ra sự thực.
Thứ nhất, ngoài sự trùng hợp về địa chỉ, người đàn ông tên Du phỏng vấn… thì sự trùng hợp giữa bộ sản phẩm mang thương hiệu “Đại tràng” do 02 công ty này phân phối mới là vấn đề, cho thấy việc tinh vi trong việc lập ra “ma trận” để lừa dối khách hàng đáng để phơi bày.
Qua tìm hiểu, Công ty Anlanta kinh doanh sản phẩm mang thương hiệu “Đại tràng Trần Quý”, bao gồm bộ 2 sản phẩm Đại tràng Trần Quý thể Hàn – Nhiệt. Còn Công ty USAn kinh doanh sản phẩm Đại Tràng Ông Lạc cũng có thể Hàn và Nhiệt.
PV so sánh 02 sản phẩm của 02 công ty nêu trên thì ngoài tên gọi khác nhau thì tất cả thành phần, công dụng, cách quảng cáo, giới thiệu được sao chép gần như cùng nguyên mẫu. Điều đó cho thấy dấu hiệu 02 bộ sản phẩm này thực chất chỉ là một nhưng được biến tấu sang những tên gọi khác nhau để kinh doanh.
Thông tin khác để chứng minh, trong thời gian vào làm nhân viên thử việc ở Công ty USAn, PV còn được phát một kịch bản mô phỏng tình huống tư vấn cho khách hàng mang “dấu hiệu” của Công ty Alanta. Hơn nữa, chính người đàn ông tên Du trong quá trình đào tạo cho PV còn hướng dẫn cách xử lý tình huống, tư vấn cho khách hàng để không nhầm lẫn, trùng lặp với sản phẩm Đại tràng mang thương hiệu “Trần Quý”. Và phải tới sau này, khi sâu chuỗi các sự kiện trong suốt quá trình tìm hiểu, thâm nhập PV mới đúc kết được mối liên hệ giữa 02 bộ sản phẩm cùng mang thương hiệu “đại tràng” của 02 công ty nêu trên, nhưng có một mắt xích chung chính là người đàn ông tên Du.
Tới đây, những thông tin về bản chất của sản phẩm mang thương hiệu Đại tràng Ông Lạc dần được lộ sáng với chiêu trò kinh doanh hết sức tinh vi, nếu không có cơ hội được thâm nhập thì PV và những người tiêu dùng đang “vái tứ phương” chữa bệnh chỉ sẽ mù quáng tin vào những lời quảng cáo “gió mây” mà “sập bẫy” mua bộ sản phẩm này để sử dụng với hi vọng sẽ chữa khỏi bệnh đại tràng chỉ là hư vô.
Chất lượng Việt Nam Online sẽ phối hợp với Cục An toàn thực phẩm- Bộ Y tế để làm rõ những thông tin trên và tiếp tục truyền tải đến bạn đọc!
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/phoi-bay-ma-tran-kinh-doanh-tpcn-dai-trang-ong-lac-bai-4-a57376.html