Tuyến đê Hà Nam, tại thị xã Quảng Yên, là tuyến đê cấp III duy nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Đê dài 33,67 km, bảo vệ cho hơn 6 vạn dân và trên 5 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp, thuộc 8 xã, phường khu vực đảo Hà Nam. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tuyến đê đang bị hàng chục hộ dân xâm phạm.
Theo số liệu Báo cáo của UBND thị xã Quảng Yên về tổng kết công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2020, từ đầu năm đến nay, thị xã Quảng Yên đã xử lý 33 vụ việc vi phạm Luật Đê điều. Đa số các vụ vi phạm đều liên quan đến tuyến đê Hà Nam - cũng là tuyến đê cấp III duy nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Theo thống kê sơ bộ, hiện nay, có tới hơn 400 hộ dân thuộc 2 phường Phong Hải và Nam Hòa sinh sống bám sát tuyến đê Hà Nam.
Để tìm hiểu thực hư tình trạng này, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã nhiều lần đi thực tế và “mục sở thị” hàng loạt các hộ dân sinh sống cả bên trong và bên ngoài đê đều “tranh thủ” xây tường rào, xây bể nước, xây cổng, thậm chí dựng nhà khung sắt mái tôn để làm quán bán hàng. Đặc biệt, có hộ để tránh lực lượng chức năng kiểm tra, lập biên bản xử phạt chuyển từ xây dựng ban ngày sang làm ban đêm.
Ông Nguyễn Văn Sánh, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê thị xã Quảng Yên cho biết, thời gian gần đây, có nhiều hộ dân, trong đó tập trung nhiều nhất tại phường Phong Hải và phường Nam Hòa tiến hành xây dựng tường rào, nhà khung sắt mái tôn để làm hàng quán, xâm phạm hành lang tuyến đê Hà Nam, vi phạm Luật Đê điều. Trong đó, chỉ tính trong 2 tháng 8 và tháng 9 đã có 12 vụ việc vi phạm Luật Đê điều, đều tập trung ở 2 phường Nam Hòa và Phong Hải. Điển hình như gia đình ông Trần Xuân Hùng, tại khu 7, phường Nam Hòa, đã tự ý dựng cột, xây dựng nhà khung sắt mái tôn trong phạm vi bảo vệ đê với diện tích gần 40 m2.
Hầu hết các trường hợp bị lập biên bản vi phạm pháp luật về đê điều tại tuyến đê Hà Nam, tại thị xã Quảng Yên, đều ghi ý kiến trong biên bản vi phạm theo dạng “Tôi không có ý kiến gì” hoặc “Tôi lợp tôn lại và đua ra một ít, bao giờ Nhà nước có dự án vào thì tôi tháo dỡ”... và cũng chỉ dừng lại ở mức đề nghị chính quyền các xã, phường xử phạt hành chính rồi cho tồn tại. “Vi phạm thì đã rõ, song, các vi phạm này đều không dễ xử lý. Bởi lẽ, các khu dân cư này đều được hình thành từ rất lâu đời, chính tổ tiên của các hộ dân cũng là những người góp phần bồi đắp đê, thậm chí trước khi có Luật Đê điều, cũng như Luật Đất đai”- ông Nguyễn Văn Sánh cho biết thêm.
Tình trạng hàng chục hộ dân tự ý xây dựng các công trình tạm như dựng khung sắt bắn mái tôn sát mép đường cơ đê, thậm chí có hộ còn che cả mặt đê để làm quán nước đã trở lên “nóng” trong thời gian gần đây. Nhiều hộ trong quá trình xây dựng nhà, làm quán đổ luôn cả gạch, ngói, vật tư, xe vận tải đỗ luôn trên mặt đường cơ đê và mặt đê làm ảnh hưởng đến giao thông đi lại, cũng như công tác kiểm tra đê của lực lượng chức năng, gây mất an toàn giao thông và ảnh hưởng tới môi trường sống.
Trao đổi với phóng viên về tình trạng này, Phó Chủ tịch UBND thị xã Quảng Yên, ông Nguyễn Văn Bắc cho biết: thời gian tới, thị xã chỉ đạo các xã, phường đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến người dân hiểu, chấp hành tốt Luật Đê điều. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến đê điều, xây dựng và đất đai. Đồng thời nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các xã, phường với phòng chuyên môn của thị xã trong việc trao đổi thông tin, kiểm tra, xử lý vi phạm về pháp luật đê điều.
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/quang-ninh-nong-tinh-trang-xam-pham-hanh-lang-tuyen-de-ha-nam-a57180.html