Chỉ số xác định bệnh tiểu đường
Đái tháo đường (tiểu đường) là một bệnh mãn tính với biểu hiện lượng đường trong máu của người bệnh luôn cao hơn mức bình thường. Điều này xảy ra là do cơ thể bị thiếu hụt hoặc đề kháng với Insulin, dẫn đến rối loạn chuyển hóa đường trong máu.
Cụ thể, khi mắc ĐTĐ, cơ thể người bệnh không thể chuyển hóa các chất bột đường từ thực phẩm tiêu thụ hàng ngày một cách hiệu quả để tạo ra năng lượng. Do đó gây ra hiện tượng lượng đường tích tụ tăng dần trong máu. Lượng đường trong máu thường xuyên ở mức cao qua thời gian làm tăng nguy cơ các bệnh tim mạch, gây ra tổn thương ở các cơ quan khác như: mắt, thận, thần kinh và các bệnh lý nghiêm trọng khác. Một người được chuẩn đoán mắc ĐTĐ khi đường máu lúc đói ≥ 7.0 mmol/l hoặc đường máu sau ăn 1- 2h ≥ 11.1 mmol/l. Hoặc đường máu đo tại thời điểm bất kỳ trong ngày ≥ 11.1 mmol/l.
Biến chứng của bệnh tiểu đường.
Đối với ĐTĐ tuýp 1, người mắc bệnh có sự liên quan tới sự thiếu hụt insulin, thường là kết quả của sự phá hủy tự miễn các tế bào Beta của tụy; chiếm khoảng 10% tổng số bệnh nhân ĐTĐ. Dạng ĐTĐ này thường gặp ở người trẻ và người có thể trạng gầy. Còn đối với tuýp 2, ĐTĐ không phụ thuộc insulin chiếm tới 90% tổng số bệnh nhân ĐTĐ nguyên phát, thường gặp ở người béo. Tuy nhiên, người có thể trạng gầy cũng gặp khoảng 15 – 20%. Một số tuýp khác của ĐTĐ: bệnh ở tụy (sỏi tụy, viêm tụy, phẫu thuật tụy); do nội tiết; do dùng thuốc corticoid, lợi tiểu thải kal; ĐTĐ thai kỳ (rối loạn dung nạp glucose trong thời kỳ mang thai)…
Trong đó, ĐTĐ tuýp 2 liên quan nhiều tới chế độ dinh dưỡng và lối sống. Và giai đoạn tiền ĐTĐ (xảy ra trước ĐTĐ tuýp 2), đường máu có thể điều chỉnh về mức bình thường bằng các chế độ ăn uống hợp lý và luyện tập phù hợp.
Dinh dưỡng cho người bệnh tiểu đường
Theo các bác sĩ của Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng - Bệnh viện Bạch Mai, trong việc điều trị bệnh ĐTĐ, chế độ dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nó đảm bảo cung cấp đủ, cân bằng cả về số lượng và chất lượng các thành phần dinh dưỡng để có thể vừa điều chỉnh được đường huyết, duy trì cân nặng theo mong muốn, vừa đảm bảo sức khỏe cho người bệnh đủ để hoạt động phù hợp. Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh ĐTĐ có những nguyên tắc nhất định: đủ nhu cầu năng lượng; hàm lượng (đạm, béo, bột đường, vitamin, muối khoáng) với tỷ lệ hợp lý; không làm tăng đường máu sau bữa ăn và hạ đường máu lúc xa bữa ăn; hạn chế các rối loạn chuyển hóa; duy trì cân nặng ở mức hợp lý và các hoạt động thể lực hàng ngày; phù hợp với tập quán ăn uống của địa phương và đặc biệt là đơn giản, tiệt lợi, không quá đắt tiền.
Người bệnh ĐTĐ cũng có nhu cầu năng lượng gần giống như người bình thường, khoảng 25 – 35 kcal/kg cân nặng lý tưởng/ngày. Tuy nhiên nhu cầu này tăng hay giảm còn phụ thuộc vào tuổi, thể trạng béo hay gầy, mức độ hoạt động, bệnh lý kèm theo… Bên cạnh đó, chế độ ăn của người bệnh ĐTĐ phải hạn chế glucid (bột, đường), tuy nhiên không được giảm quá nhiều. Tỉ lệ năng lượng do glucid được chấp nhận là 50 - 60% (người bình thường là 65%) tổng số năng lượng của khẩu phần. Hạn chế các loại đường đơn và thức ăn có hàm lượng đường cao (đường, bánh, mứt, kẹo, nước ngọt).
Tỷ lệ năng lượng do glucid được chấp nhận là 50 - 60%.
Ngoài ra, người bệnh ĐTĐ cần phải quan tâm tới chỉ số đường huyết (CSĐH) để lựa chọn thực phẩm phù hợp. (CSĐH là mức đường huyết 2 giờ sau khi ăn một lượng thức ăn nhất định nghiên cứu so sánh với mức đường huyết 2 giờ sau khi ăn một lượng thức ăn được coi là chuẩn (bánh mì trắng là 100%)). Không ăn thực phẩm có CSĐH cao đơn độc mà cần phối hợp với thực phẩm có CSĐH thấp hoặc rất thấp. Ví dụ: Gạo là thực phẩm có CSĐH cao, nên ăn phối hợp với rau và ăn rau trước khi ăn cơm sẽ làm giảm CSĐH của gạo.
Lựa chọn thực phẩm có CSĐH thấp.
Song song với đó, người bệnh ĐTĐ còn có nhu cầu dinh dưỡng đối với chất đạm (protein). Nên sử dụng phối hợp cả protein động vật (thịt, cá, trứng, sữa) với protein thực vật (vừng lạc, đậu, đỗ) vì các loại đậu, lạc có chỉ số đường huyết thấp hơn. Giảm chất béo (lipid), giảm mỡ động vật vì dễ gây xơ vữa động mạch. Cần đảm bảo đủ các vitamin và khoáng chất. Các thành phần này thường có trong rau quả tươi. Và cuối cùng là chất xơ. Bệnh nhân ĐTĐ nên tăng cường chất xơ 30 – 40g chất xơ/ngày (trung bình 100g rau có khoảng 3g chất xơ). Chất xơ có tác dụng chống táo bón, giảm tăng đường huyết và cholesterol sau bữa ăn.
Lượng đạm nên đạt được 15- 20% năng lượng khẩu phần.
Để đảm bảo không bị tăng đường huyết sau bữa ăn và hạ đường huyết xa bữa ăn, nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày dựa trên tổng số năng lượng cả ngày. Bệnh nhân ĐTĐ nên ăn các món luộc, hấp và hạn chế các món chiên, rán. Các loại khoai củ không nên chế biến dưới dạng nướng vì có chỉ số đường huyết cao. Đặc biệt, người bệnh ĐTĐ nên ăn quả chín cả múi, miếng để có chất xơ, hạn chế nước ép hoa quả. Ngoài ra, việc vận động thể lực giúp tăng sức chịu đựng cho tim và giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn. Hoạt động thể lực ít nhất 30 phút/ngày đều đặn qua các bộ môn đi bộ, xe đạp, bơi lội… và lựa chọn bài tập, cường độ tập phù hợp với thể trạng người bệnh. Cần kiểm tra đường huyết trước và sau khi tập để điều chỉnh thuốc hoặc chế độ dinh dưỡng.
Số bữa ăn trong ngày.
Thực đơn mẫu
Năng lượng: 1600Kcal/ngày (Glucid: 55 - 60%), cho người có cân nặng chuẩn 50-55kg.
Tổng thực phẩm trong ngày:
Ngũ cốc: Gạo tẻ 180g (= 1 miệng + 2 nửa bát con cơm); bánh phở 160g
Thịt, cá: thịt nạc 100g; trứng gà 1 quả; đậu phụ 1 bìa
Sữa: 1 cốc 250ml (nên dùng sữa không đường)
Quả chín (ít ngọt): 150 – 200g
Rau: 500 – 600g
Dầu ăn: 20 – 25ml
Muối: dưới 6g/ ngày
Thực đơn phân chia các bữa trong ngày
Thực đơn phân chia các bữa ăn trong ngày cho bệnh nhân ĐTĐ.
Như Quỳnh - Theo baosuckhoecongdong
https://baosuckhoecongdong.vn/che-do-an-cho-nguoi-benh-tieu-duong-139827.html