Chấp hành viên bán nhầm tài sản đang thế chấp, nhiều người vạ lây

Dù bà Yến đã mang mảnh đất đi thế chấp rồi cấn trừ nợ cho phía ngân hàng nhưng Chấp hành viên - Chi Cục THADS quận Bình Tân, TP.HCM vẫn kê biên và bán đấu giá tài sản này để thi hành án cho một vụ án khác

Dù bà Yến đã mang mảnh đất đi thế chấp rồi cấn trừ nợ cho phía ngân hàng nhưng Chấp hành viên - Chi Cục THADS quận Bình Tân, TP.HCM vẫn kê biên và bán đấu giá tài sản này để thi hành án cho một vụ án khác

TAND TP.HCM chuẩn bị mở phiên phúc phẩm vụ “Tranh chấp kết quả bán đấu giá tài sản, tuyên bố hợp đồng mua bán tài sản đấu giá vô hiệu và bồi thường thiệt hại” giữa nguyên đơn là ông Hoàng Tuấn Tú, chấp hành viên-Chi cục Thi hành án dân sự quận Bình Tân (Chi cục THADS) và bị đơn là Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM.

Liên quan đến vụ việc này, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn.

Tài sản thế chấp bị đem bán đấu giá

Theo bản án sơ thẩm, Chi cục THADS quận Bình Tân tổ chức THA bản án của TAND TP.HCM tuyên bà Tống Thị Bạch Yến (ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) phải trả ông Nguyễn Văn Công (ngụ quận 7, TP.HCM) hơn 2,5 tỉ đồng.

Do bà Yến không tự nguyện THA (vì địa bàn Bình Tân không còn tài sản) nên Chấp hành viên là ông Đào Văn Bằng (Chi cục THADS quận Bình Tân) đã xác minh điều kiện THA tại địa phương khác.

Chấp hành viên mang mảnh đất đang được thế chấp đi bán đấu giá)

Qua xác minh, ông Bằng phát hiện thấy bà Yến có 2 mảnh đất tại huyện Củ Chi, tổng diện tích hơn 26.000 m2.

Ông Bằng đã kê biên tài sản là hơn 25.000 m2 đất trồng cây lâu năm tại xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi để thi hành án. Sau đó thẩm định giá và ký hợp đồng ủy quyền cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM tổ chức bán đấu giá tài sản THA.

Ngày 14/1/2014, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM đã tổ chức bán đấu giá tài sản này và người trúng đấu giá là ông Nguyễn Hồng Đức (ngụ quận 4, TP.HCM).

Sau khi ông Bằng tiến hành giao tài sản cho ông Đức thì ngày 2/4/2014, bất ngờ bà Yến có Đơn cứu xét gửi Chi cục THADS quận Bình Tân cho rằng, mảnh đất mà ông Bằng vừa mang bán đấu giá trên, bà đã thế chấp tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn từ năm 2008.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn chi nhánh Chợ Lớn cũng có đơn xác nhận đang nhận thế chấp tài sản của bà Yến là sổ đỏ mảnh đất này. Đồng thời Ngân hàng này có đơn khiếu nại đề nghị Chi cục THADS quận Bình Tân hủy kết quả bán đấu giá tài sản là mảnh đất trên.

Sau khi xác minh, Chi cục THADS quận Bình Tân đã có Quyết định trả lời khiếu nại của Ngân hàng TMCP Sài Gòn chi nhánh Chợ Lớn khẳng định, việc Chấp hành viên Đào Văn Bằng ban hành quyết định kê biên và thực hiện kê biên mảnh đất ở xã An Nhơn Tây là chưa phù hợp với quy định của pháp luật.

Chi cục THADS quận Bình Tân thừa nhận Ngân hàng TMCP Sài Gòn đã thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định khi ký kết hợp đồng vay vốn tài sản có đảm bảo.

Sau đó, Chi cục THADS quận Bình Tân đã ủy quyền cho Chấp hành viên Hoàng Anh Tú khởi kiện Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM, tuyên bố hợp đồng mua bán tài sản đấu giá vô hiệu và bồi thường thiệt hại.

Tại phiên sơ thẩm, ông Hoàng Anh Tú khẳng định, Chấp hành viên Đào Văn Bằng đã nóng vội trong quá trình xác minh, khi chưa có kết quả trả lời của cơ quan có thẩm quyền đã vội kê biên tài sản. Hơn nữa, tài sản là bất động sản tại huyện Củ Chi nhưng chấp hành viên Bằng không ủy thác về Chi cục THADS huyện Củ Chi kê biên.

Còn người trúng đấu giá là ông Nguyễn Văn Đức cho rằng, mua theo đúng quy định tài sản là mảnh đất trên; hiện ông đã thanh toán đủ tiền sau khi mua trúng tài sản bán đấu giá. Ông Đức yêu cầu tòa không chấp nhận khởi kiện của nguyên đơn.

Nếu tòa hủy kết quả bán đấu giá tài sản thì ông yêu cầu tòa buộc Chi cục THADS quận Bình Tân bồi thường cho ông hơn 35,9 tỉ đồng.

Phía bị đơn là Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM cũng không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn vì cho rằng quá trình bán đấu giá diễn ra đúng trình tự và quy định của pháp luật. Đề nghị tòa giữ nguyên kết quả bán đấu giá tài sản.

Nếu tòa tuyên hủy kết quả bán đấu giá tài sản thì Trung tâm không đồng ý với yêu cầu độc lập của ông Đức về việc yêu cầu Trung tâm liên đới cùng với Chi cục THADS quận Bình Tân bồi thường thiệt hại.

Phía ngân hàng TMCP Sài Gòn đề nghị tòa chấp nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn, tuyên hủy kết quả bán đấu giá tài sản trên.

Sau khi xem xét, tại phiên sơ thẩm, TAND quận Tân Bình xét thấy việc Chấp hành viên đưa tài sản ra kê biên là đúng theo quy định nên đã không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Sai phạm của Chấp hành viên khiến lợi ích của người dân, ngân hàng bị xâm phạm

Tỏ ra khá bức xúc với bản án sơ thẩm, ông Lương Đức Tâm (đại diện Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn) cho hay, trong suốt quá trình Chấp hành viên tiến hành kê biên, bán đấu giá tài sản là mảnh đất mà bà Yến đã thế chấp, phía ngân hàng không hề nhận được bất cứ thông báo nào.

Trong khi đó, trong phần nhận định, Tòa lại cho rằng trong quá trình kê biên, bán đấu giá phía ngân hàng không có “động thái gì” là phiến diện.

Theo luật sư Bùi Quang Thu (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), việc mang đấu giá tài sản đã được đem thế chấp vay vốn tại ngân hàng từ năm 2008 là vô lý. Bởi lẽ, tài sản này đã được thực hiện bằng một giao dịch dân sự khác, trước đó.

Tuy nhiên, cơ quan bán đấu giá tài sản không xem xét toàn diện nên đã xâm phạm quyền lợi ích hợp pháp của ngân hàng, của bà Yến và của người trúng đấu giá.

Việc, TAND quận Tân Bình đã bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đã xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan trong vụ án này.

Theo Thanh Phương/Vietnamnet

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/chap-hanh-vien-ban-nham-tai-san-dang-the-chap-nhieu-nguoi-va-lay-a56998.html