Chính sự tắc trách này của hội đồng xét xử phúc thẩm, mà chủ yếu là thẩm phán Trần Thị Thu Thủy – chủ tọa phiên tòa - đã gây nên nhiều hệ lụy sau này.
Mặc dù Tòa án nhân dân tối cao đã có quyết định giám đốc thẩm, tuyên hủy toàn bộ nội dung của án sơ thẩm và phúc thẩm, giao hồ sơ cho TAND tỉnh Lâm Đồng xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm nhưng nhiều người vẫn ngang nhiên xây dựng trên đất đang tranh chấp mà không bị chính quyền ngăn chặn.
Qua phiên xét xử sơ thẩm của TAND tỉnh Lâm Đồng ngày 29/01/2016 cũng như phiên phúc thẩm của TAND Cấp cao tại Tp.HCM ngày 18/01/2018 thì bà Lê Thị Kim Loan được sở hữu căn nhà gắn liền quyền sử dụng đất tại địa chỉ 413 Lạc Long Quân, P.5, Q.11, Tp.HCM nhưng phải thanh toán cho ông Hung Ching Huei số tiền gần 2,1 tỷ đồng. Tạm giao diện tích đất hơn 84 ngàn m2 tại xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm cho ông Hung Ching Huei quản lý, sử dụng. Tạm giao toàn bộ nhà xưởng, thiết bị máy móc tại Công ty Hùng Tổng Thực Nghiệp và hơn 98 ngàn m2 đất tại xã Lộc Châu, Tp. Bảo Lộc cho ông Hung Ching Huei quản lý, sử dụng. Hủy nhiều giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND thị xã Bảo Lộc (trước đây) cấp cho bà Lê Thị Kim Loan…
Trong bản án dân sự phúc thẩm số 11/2018/DS-PT ngày 18/01/2018 của TAND Cấp cao tại Tp.HCM có ghi rõ: Ông Hung Ching Huei có nghĩa vụ liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện việc đăng ký, kê khai quyền sử dụng đất và thực hiện nghĩa vụ của chủ sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Bản án này của TAND Cấp cao tại Tp.HCM đã vi phạm điều 5, Luật đất đai năm 2013, quy định rõ là cá nhân người nước ngoài không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không được đứng tên chủ quyền đất. Chính sự tắc trách này của hội đồng xét xử phúc thẩm, mà chủ yếu là thẩm phán Trần Thị Thu Thủy – chủ tọa phiên tòa - đã gây nên nhiều hệ lụy sau này.
Xây dựng trên đất tranh chấp – chính quyền nói gì?
Không đồng tình với nội dung bản án phúc thẩm, phía bị đơn, bà Lê Thị Kim Loan, đệ đơn lên tòa giám đốc thẩm. Trong 02 ngày, 13 - 14/7/2020, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao (gồm 14 thành viên) do Chánh án Nguyễn Hòa Bình chủ tọa, sau khi xem xét toàn bộ chứng cứ, nội dung của 02 phiên sơ thẩm, phúc thẩm, nhận thấy có nhiều điểm vi phạm Luật tố tụng, bản thân các giao dịch trước đó của ông Hung Ching Huei và bà Lê Thị Kim Loan đều vi phạm điều cấm của pháp luật Việt Nam (theo điều 137 và 146 – Bộ Luật dân sự năm 1995) nhưng không được 02 cấp tòa xem xét, tuyên vô hiệu mà lại tạm giao các diện tích đất đang tranh chấp cho ông Hung Ching Huei quản lý, sử dụng là không đúng, vì vậy phiên giám đốc thẩm đã ban hành Quyết định số 33/2020/DS-GĐT tuyên hủy toàn bộ các bản án dân sự sơ thẩm, phúc thẩm trước đó, giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh Lâm Đồng xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm, đúng quy định của pháp luật.
Sẽ không có gì đáng nói nếu các bên tuân thủ đúng quy định và thực hiện nghiêm túc quyết định giám đốc thẩm. Tuy nhiên, như đã nêu ở trên, vì phán quyết sai lầm của chủ tọa tòa phúc thẩm, ông Hung Ching Huei đã thuận lợi làm giấy tờ chuyển nhượng hết các mảnh đất ở xã Lộc Tân và Xã Lộc Châu (gồm 43 thửa) cho ông Nguyễn Văn Tư – trú tại Tp. Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng – và ông Tư đã được UBND Tp. Bảo Lộc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào tháng 12/2019 nhưng không căn cứ vào Quyết định Kháng nghị giám đốc thẩm số 01/2019/KN-DS ngày 18/11/2019 của TAND Tối cao. Sau đó ông Nguyễn Văn Tư lại bán các lô đất này cho nhiều người.
Trong một diễn biến khác, sau khi TAND Tối cao có quyết định giám đốc thẩm thì sau đó 01 tháng, ngày 14/8/2020, Phó chủ tịch UBND Tp. Bảo Lộc – ông Phan Văn Cương – lại ký văn bản số 1725/UBND-TNMT trả lời đơn kiến nghị của bà Lê Thị Kim Loan về nội dung đề nghị kiểm tra việc hợp thức hóa cấp GCNQSDĐ và chuyển nhượng QSDĐ đối với diện tích đất đang tranh chấp và đã được tòa án tạm đình chỉ thi hành án, cho rằng UBND Tp. Bảo Lộc cấp GCNQSDĐ cho ông Nguyễn Văn Tư là đúng quy định của Luật Đất đai (!). Đây là một sai lầm sơ đẳng của cán bộ phòng Tài nguyên và Môi trường Tp. Bảo Lộc khi tham mưu để trình ký văn bản này vì một người ngoài ngành cũng biết rằng ông Hung Ching Huei là người nước ngoài, không được đứng tên và không được quyền chuyển nhượng đất đai của nhà nước Việt Nam cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào, mà tại sao cán bộ phòng Tài nguyên và Môi trường và Phó chủ tịch UBND Tp. phụ trách mảng địa chính lại không biết điều đó?
Tuy nhiên, vì sợ trách nhiệm và thiếu hiểu biết pháp luật nên các cán bộ ở đây cho rằng UBND Tp. phải gởi văn bản lên TAND tỉnh Lâm Đồng để chờ phản hồi, sau đó mới có cách giải quyết (!). Thực tế, tòa án là cơ quan thụ lý hồ sơ, không giải quyết tranh chấp khi bản án chưa được ban hành. Chính quyền chỉ cần căn cứ vào điều 17 của Nghị định số 180/2007/NĐ-CP thì UBND cấp xã đã có quyền ban hành Quyết định đình chỉ thi công xây dựng đối với công trình xây dựng vi phạm thuộc địa bàn mình quản lý; Quyết định cưỡng chế, phá dỡ đối với công trình xây dựng vi phạm thuộc địa bàn do mình quản lý. Nếu các cá nhân, tổ chức vi phạm không chấp hành thì căn cứ điều 2 và điều 4 của Nghị định số 37/2005/NĐ-CP thì Chủ tịch UBND cấp xã có quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với công trình xây dựng trái phép thuộc địa bàn mình quản lý.
Việc UBND xã Lộc Châu và UBND Tp. Bảo Lộc không nhanh chóng sửa sai chắc chắn sẽ gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc. Việc tranh chấp sau này sẽ không còn nằm trong phạm vi của ông Hung Ching Huei và bà Lê Thị Kim Loan mà sẽ kéo theo nhiều người khác, làm xáo trộn tình hình an ninh chính trị trên địa bàn, phá vỡ quy hoạch của thành phố, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường dân cư.
Môi trường & Đô thị điện tử sẽ tiếp tục thông tin.
Nguyên Vũ - Theo MT&ĐT
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/lam-dong-can-ngan-chan-viec-xay-dung-tren-dat-dang-tranh-chap-a55580.html