Rộ chiến dịch thu hồi dự án bất động sản bê trễ

Hàng loạt địa phương phía Nam đang có động thái mạnh tay với những dự án chậm tiến độ trên địa bàn, song để thu hồi các dự án này không đơn giản.

Hàng loạt địa phương phía Nam đang có động thái mạnh tay với những dự án chậm tiến độ trên địa bàn, song để thu hồi các dự án này không đơn giản.

Dự án của Đất Xanh Long An bị đề nghị thu hồi. Ảnh: Việt Dũng)

Nhiều dự án bị “khai tử”

Mới đây, UBND tỉnh Long An đã có quyết định thu hồi chủ trương đầu tư, chấm dứt hoạt động của 10 dự án chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh này.

Điểm đáng lưu ý trong danh sách các dự án bị “khai tử” là có sự hiện diện của Công ty cổ phần Tập đoàn Địa ốc Cát Tường (Cát Tường Group) với tư cách chủ đầu tư dự án Khu đô thị mới Bắc Tân An (TP.Tân An). Lâu nay, Cát Tường Group thường được biết đến là một doanh nghiệp lớn với nhiều dự án đã đầu tư thành công tại Long An như Khu đô thị Cát Tường Phú Sinh, Cát Tường Phú Nguyên, Cát Tường Phú Nam…

Thậm chí, không dừng lại ở địa bàn Long An, Cát Tường Group còn chứng tỏ tiềm lực bằng việc đang rầm rộ triển khai các dự án ở một số địa phương lân cận lân cận như Khu đô thị Cát Tường Western Pearl (tỉnh Hậu Giang), Cát Tường Phú Hưng (tỉnh Bình Phước).

Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà doanh nghiệp này lại bỏ bê dự án Khu đô thị mới Bắc Tân An để rồi UBND tỉnh Long An phải ra quyết định thu hồi. Để có thông tin đa chiều, phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán đã nhiều lần liên lạc với ông Trần Quốc Việt, Tổng giám đốc Cát Tường Group nhưng kết quả nhận được chỉ là sự im lặng, giống như sự im lìm của Khu đô thị mới Bắc Tân An mà chúng tôi có dịp thực địa mới đây.

Thực ra, cũng dễ hiểu khi các chủ doanh nghiệp có dự án bê trễ chọn thái độ “im lặng là vàng” khi chắc chắn sẽ có những câu chuyện khó nói đằng sau, nhưng với những chủ đầu tư đang cần quỹ đất triển khai dự án thì dự án bê trễ bị thu hồi sẽ mở ra cơ hội mới cho cả thị trường lẫn các doanh nghiệp như ông Hà Văn Thiện, Phó tổng giám đốc kinh doanh Trần Anh Group chia sẻ rằng, “chắc chắn Trần Anh Group sẽ rất quan tâm nếu tỉnh Long An có quyết định thu hồi và đấu giá lại các lô đất này”.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, địa phương này cũng đang tiến hành rà soát lại các dự án chậm tiến độ và cho biết sẽ ra quyết định thu hồi nếu chủ đầu tư chây ì, không đủ năng lực tiếp tục triển khai dự án. Theo một nguồn tin, hai dự án lớn có khả năng bị “rút thẻ đỏ” là Dự án khu dân cư - du lịch Lộc An và dự án khu nhà ở thương mại cao cấp Sao Mai.

Cụ thể, Dự án khu dân cư - du lịch Lộc An nằm trên địa bàn xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc có diện tích hơn 13 ha được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu cho Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Hoàng Gia vào năm 2014 và gia hạn chủ trương đầu tư lần 2 vào năm 2015.

Tuy nhiên, sau khi được chấp thuận chủ trương, chủ đầu tư chỉ mới phối hợp với UBND huyện Xuyên Mộc triển khai thủ tục lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, thực hiện đo đạc, trích lục bản đồ địa chính và vẫn chưa hoàn tất các thủ tục chuẩn bị đầu tư.

Còn tại dự án Khu nhà ở thương mại cao cấp Sao Mai diện tích 19,5 ha tại phường Tân Phước, thị xã Phú Mỹ, do Công ty cổ phần Tập đoàn Sao Mai làm chủ đầu tư. Dự án được UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 vào năm 2017, nhưng đến nay, Công ty vẫn chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.

Dự án Alpha Town chưa có dấu hiệu thi công sau nhiều năm. Ảnh: Trọng Tín)

Vẫn chây ì

Tại TP.HCM, nơi được xem là “tấc đất, tấc vàng” nhưng cũng đang tồn tại hàng trăm dự án bỏ hoang, gây lãng phí. UBND TP.HCM đã nhiều lần ra văn bản, yêu cầu các sở, ngành tiến hành rà soát, quyết tâm thu hồi các dự án bê trễ, nhưng đến nay vẫn còn hàng loạt dự án có vị trí đắc địa nằm “trơ gan cùng tuế nguyệt”.

Chẳng hạn, tại khu đất rộng khoảng 60 ha ngay góc đường Lê Văn Lương với hẻm 1079 (huyện Nhà Bè) do Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) làm chủ đầu tư, một dự án được cho là có vị trí vàng trên địa bàn huyện Nhà Bè, nhưng đã lâu chỉ thấy cỏ mọc um tùm.

Tương tự, Dự án Alpha Town, tọa lạc trên khu đất số 289 Trần Hưng Đạo (quận 1) vẫn án binh bất động suốt nhiều năm trời, bên trong hàng rào của dự án, từng đống sắt thép nằm “phơi nắng phơi mưa”.

Theo tìm hiểu, lô đất hơn 4.000 m2 này vốn là một chung cư đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, buộc phải di dời các hộ dân, ban đầu được UBND TP.HCM giao Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn. Năm 2007, khu đất được phê duyệt thành Dự án Khu trung tâm thương mại - dịch vụ - văn phòng cho thuê và căn hộ, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Đức Khải. Đến năm 2010, Dự án được khởi công, nhưng không lâu sau đó đã tạm ngưng. Năm 2017, UBND TP.HCM điều chỉnh chức năng khu đất này thành Dự án Thương mại - dịch vụ - văn phòng, không còn chức năng căn hộ.

Tuy nhiên, sau 3 năm đổi chủ, khu đất này lại đang được quảng bá là dự án toà nhà văn phòng hạng A có tên Alpha Town do Alpha King làm chủ đầu tư. Trải qua rất nhiều lần thay chủ đầu tư, nhưng có vẻ như dự án này chưa được “đổi vận” là bao.

Phân tích trình tự giao đất làm dự án, luật sư Nguyễn Bích Trâm, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, thông thường, một dự án khi được phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư sẽ có thời hạn 12 tháng để bắt tay triển khai hoặc có được gia hạn thì tối đa cũng chỉ là 48 tháng.

Song quy định pháp luật không đơn giản như vậy khiến việc thu hồi các dự án “đắp chiếu” không hề đơn giản. Chẳng hạn, chỉ việc xác định nguyên nhân dự án chậm tiến độ do yếu tố chủ quan từ các chủ đầu tư hay do sự thay đổi của chính sách đất đai, chính sách quy hoạch, giải phóng mặt bằng đã khó, chưa kể trong quá trình rà soát, UBND các quận, huyện, sở, ngành báo cáo chưa đầy đủ về thông tin, tính pháp lý của dự án.

Ở một góc nhìn khác, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM mặc dù cho rằng việc cương quyết thu hồi các dự án chậm triển khai, dự án để hoang gây lãng phí đất là cần thiết bởi hiện nay nguồn lực về đất đai ngày càng eo hẹp, nhưng đề xuất “chỉ xem xét thu hồi những dự án được Nhà nước giao cho doanh nghiệp mà họ không làm”.

Dù theo quy định của Luật Đất đai, khi giao đất cho doanh nghiệp thực hiện dự án, trong thời gian khoảng 4 năm mà không thực hiện, Nhà nước có quyền thu hồi mà không bồi thường về đất và tài sản trên đất, nhưng quy định này được cho là chưa công bằng và khó thực hiện.

“Với những dự án doanh nghiệp tự đi mua quyền sử dụng đất mà thu hồi, liệu có ổn?”, ông Châu đặt câu hỏi và kiến nghị, Nhà nước cần phân làm hai nhóm để thu hồi. Trong đó, với nhóm đất Nhà nước giao cho doanh nghiệp, nếu chậm có thể thu hồi nhưng phải bồi thường công lao tôn tạo, tài sản trên đất cho doanh nghiệp. Đối với đất của doanh nghiệp tự đi thương lượng đền bù để lập dự án, nếu thu hồi phải bồi thường cho doanh nghiệp.

Những dự án bị thu hồi tại Long An

- Dự án Khu dân cư nhà ở công nhân thuê (xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa) của Công ty TNHH Amongland.

- Dự án Khu dân cư Hựu Thạnh (xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa) của Công ty cổ phần Western River.

- Dự án Khu dân cư Đất lành (xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa) của Công ty TNHH MTV Bất động sản Đất lành Long An.

- Dự án khu dân cư ấp mới 2 (xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa) của Công ty cổ phần Địa ốc Mỹ Hạnh Đức Hòa.

- Dự án Mỹ Hạnh Nam (xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa) của Công ty TNHH MTV Bất động sản Đất Xanh Long An.

- Dự án Khu dân cư dành cho người thu nhập thấp (xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc) của Công ty cổ phần Bất động sản Đại Ngàn.

- Dự án Khu dân cư Phước Hậu (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc) của Công ty TNHH Thương mai - Dịch vụ - Xây dựng Hoàng Hoa.

- Dự án Long Thượng (xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc) của Công ty TNHH AnTay.

- Dự án Khu đô thị mới Bắc Tân An (TP. Tân An) của Công ty cổ phần Tập đoàn Địa ốc Cát Tường.

- Dự án Khu dân cư chỉnh trang đô thị Trung tâm thị trấn Tân Trụ 1 (huyện Tân Trụ) của Công ty cổ phần May - Diêm Sài Gòn.

Trọng Tín - Việt Dũng - Theo TNCK

Link gốc

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/ro-chien-dich-thu-hoi-du-an-bat-dong-san-be-tre-a55246.html