Vụ sai phạm tại 4 Công ty của đại gia Phạm Thị Hường: Thanh tra Chính phủ nói gì?

Liên quan đến dấu hiệu sai phạm trong phân lô bán nền và việc thực hiện các dự án do 4 công ty của nữ đại gia Phạm Thị Hường tại Bình Dương đã loạt vào “tầm ngắm” của Thanh tra Chính phủ.

Liên quan đến dấu hiệu sai phạm trong phân lô bán nền và việc thực hiện các dự án do 4 công ty của nữ đại gia Phạm Thị Hường tại Bình Dương đã loạt vào “tầm ngắm” của Thanh tra Chính phủ.

Vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã báo cáo phúc đáp cho Văn phòng Chính phủ một số nội dung liên quan đến báo cáo kết quả kiểm tra, rà soát phản ánh của báo chí, đơn thư về vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng tại Bình Dương.

Theo đó, vấn đề phân lô bán nền tại thị xã Thuận An (nay là Tp.Thuận An) đang được UBND tỉnh Bình Dương giao cho các sở, ban ngành và UBND Tp.Thuận An tổ chức thực hiện, báo cáo kết quả về UBND tỉnh trong tháng 10/2020. Vụ việc này thuộc Thẩm quyền giải quyết của địa phương và đang trong quá trình giải quyết nên Thanh tra Chính phủ chưa có ý kiến.

Liên quan đến sai phạm tại 17 dự án do gia đình bà Phạm Thị Hường làm chủ đầu tư, Thanh tra Chính phủ cho rằng có nhiều dấu hiệu sai phạm. “Các dự án chuyển nhượng đất có nguồn gốc chuyển đổi mục đích từ đất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hoá sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở có nhiều nội dung có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đất đai và quy phạm pháp luật về quy hoạch quản lý sử dụng đất tại đô thị theo Nghị quyết 116NQ-CP ngày 6/12/2019 của Chính phủ”, văn bản của Thanh tra Chính phủ nêu rõ.

Bộ Công an điều tra 17 dự án phân lô bán nền ở Bình Dương)

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cho rằng đây là vụ việc phức tạp, được công luận phản ánh nhưng trong báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương gửi Văn phòng Chính phủ chưa thể hiện rõ hết nội dung trong đơn thư phản ánh của báo chí. Thanh tra Chính phủ cũng khẳng định, vụ sai phạm tại 4 Công ty của đại gia Phạm Thị Hường nằm trong kế hoạch Thanh tra 2020 của Thanh tra Chính phủ. Thời gian dự kiến triển khai Thanh tra tại tỉnh Bình Dương vào Quý IV năm 2020.

“Thanh tra trách nhiệm về việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC, PCTN, công tác quản lý, sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hoá sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2017. Thanh tra các dự án, công trình có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quy hoạch quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị và Thanh tra việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất ở tại khu vực đô thị”, Thanh tra Chính phủ khẳng định.

Như Tài chính Doanh nghiệp đã thông tin trước đó, ngày 26/6, nguồn tin từ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu- Bộ Công an (C03) cho hay đang xác minh vụ việc có dấu hiệu sai phạm liên quan đến việc phân lô bán nền và việc thực hiện các dự án của các công ty tại tỉnh Bình Dương.

Theo đó, 4 công ty nằm trong danh sách điều tra của Bộ Công an bao gồm: Công ty TNHH bất động sản Phú Hồng Thịnh; Công ty TNHH Quản lý đầu tư phát triển đô thị Việt Nam; Công ty cổ phần Phú Gia Khiêm Land; Công ty TNHH thương mại dịch vụ Bất động sản Phú Phong.

Để phục vụ công tác xác minh điều tra, C03 Bộ Công an đề nghị UBND tỉnh Bình Dương cung cấp toàn bộ hồ sơ liên quan đến kết luận kiểm tra số 250/KL-UBND ngày 13/11/2014 của UBND tỉnh về việc phân lô bán nền trên địa bàn thành phố Thuận An.

Theo đó, bà Hường còn dính đến vụ “xẻ thịt” 1,63ha đất công viên mà năm 2014 từng có kết luận sai phạm. Theo kết luận kiểm tra, những hành vi sai phạm này đã giúp bà Hường hưởng lợi số tiền hơn 41 tỷ đồng chuyển mục đích sử dụng đất. Vì không lập dự án nhà ở, bà Hường còn được hưởng một khoản lợi không nhỏ nữa là không phải bỏ tiền ra để xây dựng cơ sở hạ tầng cho các khu dân cư có tổng cộng 1059 căn nhà.

Kết luận này khẳng định, không lập dự án, không đầu tư cơ sở hạ tầng, không cần UBND thị xã Thuận An phê duyệt, hơn 10ha đất nông nghiệp và công viên cây xanh vẫn được tách thửa “miễn phí” cho vợ chồng bà Hường.

Chiêu thức gia đình này thực hiện là sau khi nhận chuyển nhượng những khu đất trên, họ làm thủ tục phân chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân thành nhiều khu có diện tích dưới 2.000m2. Sau khi tách thành nhiều khu như vậy, vợ chồng bà Hường tiếp tục tặng cho các con và phân chia tài sản, để tách thành nhiều thửa nhỏ diện tích 42,3m2 – 136,2m2.

Chỉ từ ngày 29/4/2010 – 20/5/2011, bằng phương thức này lặp đi lặp lại, vợ chồng bà Hường, ông Đức và hai con Phạm Trọng Khiêm, Phạm Đức Huy đã được cấp 1.059 sổ đỏ. Số sổ đỏ này được tập trung ký trong khoảng hơn 30 ngày. Có ngày 17/1/2011, ông Đặng Văn Ba (Phó Chủ tịch thị xã Thuận An thời điểm đó) ký đến 107 sổ đỏ cấp cho gia đình bà Hường.

4 công ty của nữ đại gia Phạm Thị Hường tại Bình Dương đã loạt vào “tầm ngắm” điều tra của Thanh tra Chính phủ.)

Theo tìm hiểu của PV Tài chính Doanh nghiệp, cả 4 doanh nghiệp này có liên quan đến nữ đại gia Phạm Thị Hường. Thời gian vừa qua, dư luận đang xôn xao về tình trạng giao đất, cho thuê đất không đúng quy hoạch, giao đất cho doanh nghiệp tư nhân mà không qua đấu giá tại tỉnh Bình Dương. Nổi lên là hoạt động “thôn tính” quỹ đất đai rộng lớn của nhóm công ty Phú Hồng Thịnh và bà Phạm Thị Hường diễn ra công khai, ngang nhiên, bất chấp vi phạm quy định pháp luật.

Trong giai đoạn 2017-2019, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành nhiều quyết định giao đất, cho thuê đất đối với nhóm Công ty Phú Hồng Thịnh, Công ty TNHH TMDV Bất động sản Phú Phong, Công ty TNHH Quản lý đầu tư & Phát triển Đô thị Việt Nam mà không qua đấu giá đất với tổng diện tích hơn 500.000m2 để làm dự án nhà ở thương mại. Thậm chí, cho phép chuyển đổi cả đất sản xuất, đất thuê của nhà nước, đất công viên cây xanh… thành đất ở để phân lô bán nền.

Trên thực tế, qua kiểm tra, Kiểm toán Nhà nước năm 2018 đã chỉ rõ 6 dự án lớn được tỉnh Bình Dương tính giá thu tiền sử dụng đất theo phương pháp so sánh, khiến số tiền sử dụng đất phải nộp cho nhà nước bị thấp hơn tới 867% so với khi xác định giá đất theo phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất.

Đây chính là lỗ hổng rất lớn trong quản lý đất đai, xác định tính thuế đất tại Bình Dương, tạo cơ hội cho hành vi giao đất sai quy định, xác định tiền sử dụng đất thấp hơn để tạo ra chênh lệch địa tô rất lớn, nhằm trục lợi cá nhân, còn Nhà nước bị thiệt hại thất thu ngân sách rất lớn…

Nếu như nhóm công ty Phú Hồng Thịnh được Bình Dương giao đất không qua đấu giá và tính giá đất thấp hơn rất nhiều lần theo quy định, cách rất xa giá thị trường, thì số tiền thuế mà Nhà nước bị thất thu có thể lên tới cả nghìn tỉ đồng.

Chưa kể, doanh nghiệp của bà Hường còn được “cho không” cả nghìn m2 đất kèm trong một số quyết định giao đất, đơn cử: dự án khu nhà ở thương mại Phú Hồng Đạt được tạo thành từ 4 khu đất thuê của Nhà nước, đất trồng cây lâu năm, đất công… có tổng diện tích cả khu đất là 29.556,6m2. Sau này, UBND tỉnh Bình Dương lại báo cáo tổng diện tích dự án là 30.400m2, tức là “dôi” thêm hơn 840m2.

Định An - Theo Tài chính & Doanh nghiệp

Link gốc

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/vu-sai-pham-tai-4-cong-ty-cua-dai-gia-pham-thi-huong-thanh-tra-chinh-phu-noi-gi-a55127.html