Bán tháo khách sạn sang vẫn tiếp tục

Đúng như dự báo của các chuyên gia, càng về cuối năm, làn sóng bán tháo khách sạn càng diễn ra mạnh mẽ, tiến đến dần khu vực khách sạn hạng sang 4 - 5 sao.

Đúng như dự báo của các chuyên gia, càng về cuối năm, làn sóng bán tháo khách sạn càng diễn ra mạnh mẽ, tiến đến dần khu vực khách sạn hạng sang 4 - 5 sao.

[caption id="attachment_54683" align="aligncenter" width="533"] Khách sạn 4 sao Fusion Suites Saigon (Q.1, TP.HCM) đang được rao bán với giá gần 1.200 tỉ đồng - ẢNH: ĐỘC LẬP[/caption]

Từ vài trăm tỉ đến hàng ngàn tỉ đồng

Tìm kiếm trên Google với từ khóa “rao bán khách sạn tại TP.HCM”, hàng trăm kết quả tương ứng với hàng trăm khách sạn đang có nhu cầu chuyển nhượng. Tại thời điểm đó, không ít chuyên gia khẳng định việc hàng loạt khách sạn ồ ạt bán tháo, bán lỗ vì dịch bệnh, chỉ xảy ra tại phân khúc gia đình nhỏ lẻ 2 - 3 sao. Thế nhưng, sau đó chỉ 1 tháng, danh sách khách sạn 4 - 5 sao đăng tin rao bán ngày càng xuất hiện nhiều hơn.

Có giám đốc ngân hàng gọi cho tôi hỏi vì sao tài sản đã hạ giá 2 lần mà vẫn không bán được. Chưa nói đến giá thế nào, giờ nhu cầu mua của các nhà đầu tư cũng rất thấp. Trước đây đăng tin, họ vào xem rồi khảo sát giá. Bây giờ tin đăng không có người hỏi luôn. Giai đoạn này, các nhà đầu tư vẫn chưa mặn mà với các tài sản giá trị cao, thanh khoản thấp.

Ông Nguyễn Chí Hiếu

Mới đây nhất, thông tin rao bán khách sạn 4 sao Fusion Suites Saigon (Q.1, TP.HCM) với giá gần 1.200 tỉ đồng đang xuất hiện khá nhiều ở các trang môi giới, mua bán bất động sản. Khách sạn này có diện tích hơn 900 m2 gồm 2 hầm, 10 tầng và 84 phòng. Thực ra từ hồi đầu năm, khách sạn này đã được rao nhưng đến giờ dường như vẫn chưa tìm được người mua. Hay thông tin rao bán khách sạn 5 sao P. tại trung tâm Q.1 với giá 135 triệu USD. Tuy nhiên, khi chúng tôi liên hệ, khách sạn này không xác nhận thông tin. Hàng loạt khách sạn nhỏ ở các khu vực như Thủ Khoa Huân, Lê Thánh Tôn... cũng đang được nhiều môi giới rao bán.

Theo chuyên trang Deal Street Asia, Công ty TNHH Strategic Property Investors (trụ sở tại Thái Lan) đang rao bán 100% cổ phần tại 3 khách sạn ở VN và Indonesia. Trong đó, có 2 khách sạn ở VN là Ibis Saigon (Q.Tân Bình, TP.HCM), Capri by Frasers (Q.7, TP.HCM). Vào tháng 4, công ty LT Rubicon Limited đến từ Anh đề nghị mua lại 3 khách sạn với giá 118 triệu USD. Tuy nhiên gần đây, con số này đã giảm còn 105 triệu USD (gần 2.500 tỉ đồng). Doanh nghiệp này cho biết số tiền thu được sẽ dùng để thanh toán khoản nợ phải trả và các chi phí chưa thanh toán. Họ cũng có nguy cơ đối mặt với các vụ kiện bởi đối tác và những người cho vay.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển VN (BIDV) thông báo đấu giá hàng loạt khoản nợ “khủng”. Trong đó, một khoản nợ được nhà băng này đấu giá với mức hơn 377,98 tỉ đồng liên quan đến Trung tâm hội nghị tiệc cưới Crystal Palace tại Q.7, TP.HCM. Đáng chú ý, hồi cuối năm 2019, tòa nhà này được rao bán với giá gần 540 tỉ đồng.
Không chỉ ở TP.HCM, rất nhiều khách sạn vài trăm tỉ đồng tại Hà Nội cũng đang được rao bán. Đơn cử, một khách sạn cao cấp phố Hàng Chuối đang được rao bán với giá trên 450 tỉ đồng; 2 khách sạn ở phố Hàng Bông được rao bán với giá lần lượt 380 tỉ đồng và 510 tỉ đồng...

Hiếm nhà đầu tư mặn mà

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định do ảnh hưởng dịch Covid-19, du lịch lữ hành đều ngưng hoạt động nên các khách sạn vắng khách, thậm chí đóng cửa nghỉ hẳn dài ngày. Từ đó áp lực nợ vay lẫn dòng tiền lên các ông chủ khách sạn rất lớn nên việc rao bán là dễ hiểu. Nhưng trong tình hình này để kiếm được người mua không dễ.
Theo ông Hiển, khách sạn càng quy mô lớn với giá trị vài trăm tỉ đến cả ngàn tỉ đồng càng khó bán hơn là những khách sạn mini tầm giá 20 tỉ đồng trở xuống. Khi người mua bỏ ra khoảng 100 tỉ đồng để mua khách sạn thì phải tính đến bài toán có thể 5 - 6 tháng nữa mới kỳ vọng có khách du lịch trở lại bình thường nếu dịch Covid-19 được kiểm soát tốt trên toàn cầu. Trong thời gian đó họ phải gánh chịu lãi vay, chi phí nhân viên để duy trì...
Ông Nguyễn Chí Hiếu, Giám đốc Công ty CP bán đấu giá Lam Sơn, cho biết các ngân hàng đang rao bán đấu giá tài sản, các khoản nợ quá hạn rất nhiều. Trên trang rao bán đấu giá chính thức của Bộ Tư pháp, mỗi ngày có hàng ngàn tin được đăng tải. Tuy nhiên đầu ra hiện nay tương đối khó, khó tìm nhà đầu tư, đặc biệt là đối với các tài sản giá trị lớn vài trăm tỉ đồng.
Nguyên nhân, thứ nhất, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp; thứ hai, các nhà đầu tư dường như không quan tâm đến các tài sản này.
Mai Phương - Theo Thanh niên
Link gốc

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/ban-thao-khach-san-sang-van-tiep-tuc-a54682.html