Tại TPHCM, nhiều người dân sẵn sàng nhường phần diện tích đất vàng của mình để mở rộng lối đi chung, trong khi không ít “đại gia” lại đang chiếm đường, lập trạm gác để người dân không thể đi lại. Nhiều con hẻm dẫn ra sông Sài Gòn đang bị “tư hữu” hóa theo cách này.
Dân mở hẻm, đại gia chiếm hẻm!
Tháng 9.2019, người dân TPHCM nức lòng với chuyện người dân thuộc 8 phường ở quận 3, đã cùng tham gia ngày hội “Người dân hiến đất mở rộng hẻm”. Có 10 con hẻm được khởi công mở rộng từ phần đất mà nhiều chục năm qua bà con vẫn sinh sống, sử dụng.
Một báo cáo từ quận 3 cho hay, tính từ đầu nhiệm kỳ 2015 – 2020 tới nay, trên địa bàn quận đã có 34 tuyến hẻm được mở rộng, tổng diện tích đất được mở rộng là gần 9.400m2, tương ứng với số tiền là 445 tỉ đồng với 1.172 hộ dân cùng tham gia thực hiện.
Trong khi không ít người dân hiến cả chục mét vuông đất vàng để mở rộng hẻm thì cũng có nhiều “đại gia” ở TPHCM lại tìm cách biến hẻm thành lối đi riêng cho gia đình mình.
Sau nhiều ngày đi dọc tuyến đường Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền (quận 2), phóng viên Báo Lao Động đã ghi nhận một thực tế là có những con hẻm nối từ đường Nguyễn Văn Hưởng ra bờ sông Sài Gòn chỉ dành cho “đại gia” đi lại.
Dọc tuyến đường Nguyễn Văn Hưởng chạy song song với sông Sài Gòn, thuộc phường Thảo Điền, quận 2 là hàng loạt công trình thương mại, nhà ở biệt thự, chung cư cao cấp,… mọc kín các lối đi và che khuất hết tầm nhìn ra sông.
Trên tuyến đường này, chỉ có 5 con hẻm được cho là lối đi công cộng nối ra sông Sài Gòn như hẻm 197, hẻm 189C, hẻm 189D,… Cuối những con hẻm này là những căn biệt thự nguy nga, khách sạn, quán cà phê chắn ngay cuối hẻm. Người dân không được tự do đi vào những con hẻm này, nếu không phải là cư dân của các căn biệt thự trên hoặc là khách hàng của những cơ sở dịch vụ ven sông.
Phóng viên Báo Lao Động “thử đi” một vòng đường Nguyễn Văn Hưởng tìm lối ra sông Sài Gòn hóng mát. Đi vào con hẻm 189D để đến bờ sông, khi đến cuối con hẻm cũng là bờ sông, chúng tôi phát hiện bên tay trái con hẻm là tòa nhà của ông Nguyễn Quang Minh – Tổng Giám đốc Công ty Cát Tiên Sa. Tòa biệt thự này có diện tích hàng nghìn mét vuông, được xây ở vị trí độc chiếm bờ sông Sài Gòn, kèm theo những bờ kè và khuôn viên lấn ra sát sông.
Vừa đứng ngắm sông vài phút, chúng tôi bị bảo vệ tòa nhà của ông Minh yêu cầu rời khỏi con hẻm. Người bảo vệ nói, ông chủ (ông Minh – PV) có bảo không được cho bất kỳ ai vào con hẻm này, chỉ có những người nhà của gia đình ông Minh, và những gia đình khác trong hẻm thì mới được vào.
Anh Nguyễn Văn Thắng, sinh viên trường Cao đẳng Hàng Hải 2, phường Thảo Điền, quận 2 đang chở bạn đi vào hẻm 198 để ra bờ sông, cũng bị bảo vệ ngăn lại không cho vào và buộc phải quay ra. “Tôi không hiểu sao những con hẻm nối ra sông lại không được đi vào, ai cho phép họ cấm chúng tôi?” – anh Thắng chia sẻ.
Đại gia bỏ tiền ra trồng hoa thì được lấy hẻm?
Khi phóng viên Lao Động lấy điện thoại ra chụp cảnh sông thì bị bảo vệ ngăn cản và yêu cầu không được chụp hình. Đây là khu vực bờ sông, hẻm công cộng, không phải là khu vực quân sự và không có biển cấm chụp hình quay phim thì sao không được chụp? Người bảo vệ lại nói, đây là quy định của ông chủ, yêu cầu không cho ai chụp hình và không cho ai đi vào. Sau đó, người bảo vệ này liên tục đuổi chúng tôi ra khỏi con hẻm này.
Trao đổi với Lao Động về những quy định “khó hiểu” trên, ông Nguyễn Quang Minh – Tổng Giám đốc Công ty Cát Tiên Sa, đồng thời là ông chủ căn biệt thự trên xác nhận là có đưa ra quy định đó với bảo vệ, bởi trước đây là hẻm, nhưng ông và hộ dân ở đây bỏ tiền ra đầu tư trồng cây hoa từ đầu hẻm ra đến bờ sông, nên giờ hẻm này chỉ là lối đi dành riêng cho ông và 2 hộ dân ở đây.
“Chỉ có người của ở đây mới được đi vào. Bờ sông đấy tôi và một số hộ khác bỏ tiền ra làm bờ kè, khuôn viên nên cũng không ai được đến đó. Người ngoài đâu có liên quan gì thì vào đây làm chi, vào chỉ có trộm cắp thôi chứ vào làm gì” – ông Minh lý giải.
Về công trình xây sát bờ sông và đang đóng cọc xây dựng cả trên sông, ông Minh nói do xói lở nên ông và ông Hạnh thi công làm bờ kè chắn sông cho an toàn và đã được cấp phép chứ không phải xây trái phép.
Ai cho phép các “đại gia” chiếm đoạt hẻm làm của riêng?
Điều làm phóng viên ngạc nhiên là không riêng gì con hẻm 198, mà những con hẻm khác cũng gặp cảnh tương tự. Tại những con hẻm này, chỉ có cư dân sinh sống ở đây mới đi vào, còn người dân vào sẽ bị “hỏi thăm” ngay. Có con hẻm trên danh nghĩa là nối ra bờ sông, nhưng khi đi vào thì lại bị một căn biệt thự nằm chình ình chắn ngay cuối hẻm, có muốn đi ra tới bờ sông cũng không được.
Có một con hẻm được xem là người dân có quyền tự do đi vào là hẻm 197, tuy nhiên muốn đi vào hẻm này thì người dân phải sử dụng dịch vụ tại 2 nhà hàng và quán bar ven sông nằm cuối hẻm này – 2 nhà hàng Villa Sông Sài Gòn xây lấn chiếm sát sông. Muốn vào đây ngồi ngắm sông thì phải uống ly nước với giá thấp nhất cũng hết 75.000 đồng, còn những loại thức ăn và thức uống khác thì có giá tiền trăm tiền triệu.
Trao đổi với Lao Động, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, giảng viên Đại học Bách khoa TPHCM cho rằng, để hai bên bờ sông Sài Gòn cho tư nhân xây dựng làm của riêng như hiện nay là do chính quyền TPHCM quản lý yếu kém. Chính vì vậy, thành phố phải có trách nhiệm lấy lại khoảng trống hai bên bờ sông, để phục vụ chung cho mọi người dân, không để một cá nhân nào được quyền chiếm hữu riêng.
Cá nhân chiếm lối đi chung là trái phép
Ngày 21.10, trao đổi với phòng viên Báo Lao Động, bà Lâm Thị Tươi – Trưởng Ban điều hành Khu phố 6 xác nhận, con hẻm 189D là hẻm công cộng của người dân trên địa bàn phường và có từ nhiều năm qua.
“Các hẻm 197, 189C, 189D, 189B và hẻm 177 trên đường Nguyễn Văn Hưởng nối ra sông Sài Gòn là thuộc khu phố 6. Tất cả hẻm này là của công cộng và của nhà nước chứ không phải của tư nhân nào cả. Vì vậy, mọi người dân đều có quyền đi lại vào con hẻm này, nên việc cá nhân đứng ra ngăn cản là trái phép và không một ai có quyền làm điều này” – bà Tươi khẳng định.
Về việc hẻm 189D và hẻm 189C lắp thanh chắn và lập chốt bảo vệ trước hẻm, bà Tươi xác nhận có việc này. Theo bà Tươi, chủ các hộ này trình bày với khu phố, với phường lắp như thế là để đảm bảo an ninh trật tự và ngăn ôtô đi vào, chứ bà không biết là họ ngăn cả dân đi vào.
Lãnh đạo UBND Phường Thảo Điền, quận 2 cũng xác nhận với phóng viên Báo Lao Động, tất cả những con hẻm nêu trên, đều là của Nhà nước và nằm trong quy hoạch được Kiến trúc sư trưởng thành phố phê duyệt. Do vậy, việc tổ chức hay cá nhân nào chiếm dụng làm của riêng là trái với quy hoạch và trái với pháp luật.
“Trên địa bàn phường Thảo Điền có hơn 60 dự án đang xây dựng ven sông, về nguyên tắc hẻm là của công cộng, của nhà nước nên không một ai có quyền sở hữu riêng. Tuy nhiên, trên thực tế một số chủ dự án ven sông đã dùng những con hẻm này làm rối đi riêng cho công trình hay nhà ở của riêng mình, bằng cách thành lập chốt bảo vệ riêng. Phường sẽ cho kiểm tra và xử lý nghiêm vấn đề này, nếu chủ đầu tư lấn chiếm con hẻm và cải tạo con hẻm thành của riêng” – lãnh đạo UBND phường Thảo Điền cho biết.
CAO HUÂN - Theo Báo Lao Động
https://laodong.vn/xa-hoi/dan-nhuong-dat-mo-hem-dai-gia-chiem-duong-di-rieng-761506.ldo