Chỉ đạo quyết liệt để dự án Sân bay Long Thành hoàn thành đúng tiến độ

Chiều 24-10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV, Quốc hội nghe báo cáo thẩm tra về nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành giai đoạn 1. Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung làm việc

Chiều 24-10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV, Quốc hội nghe báo cáo thẩm tra về nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành giai đoạn 1. Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung làm việc.

Đại biểu Dương Trung Quốc (thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
Đại biểu Dương Trung Quốc (thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

* Kiến nghị điều chỉnh diện tích đất xây Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1

Tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Giao thông - vận tải Nguyễn Văn Thể, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1.

Dự án Cảng HKQT Long Thành gồm 3 giai đoạn đầu tư với mục tiêu khi hoàn thành sẽ đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Giai đoạn 1 đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm với tiến độ chậm nhất đưa vào khai thác trong năm 2025.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: Chính phủ đề xuất Quốc hội thông qua nghị quyết giao Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (AVC) đầu tư các hạng mục chính giai đoạn 1 gồm: công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước, công trình thiết yếu của cảng hàng không... với tổng mức đầu tư 4,8 tỷ USD (khoảng 111 ngàn tỷ đồng). Còn các công trình phục vụ quản lý bay được đề nghị giao cho Tổng công ty quản lý bay Việt Nam (VATM) trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp.

Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội điều chỉnh diện tích đất xây sân bay giai đoạn 1 thêm 645 hécta (từ 1.165 hécta lên 1.810 hécta); điều chỉnh 1.050 hécta đất quốc phòng thành 570 hécta đất dùng riêng cho quốc phòng và 480 hécta đất dùng chung quốc phòng và dân dụng; bổ sung hai tuyến đường bộ vào dự án Cảng HKQT Long Thành.

* Ủy ban Kinh tế tán thành quy mô giai đoạn 1; sớm nghiên cứu và đầu tư giai đoạn 2, giai đoạn 3

Trình bày báo cáo thẩm tra tại hội trường, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, đối với các nội dung Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua, Ủy ban Kinh tế cho rằng, theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 của Nghị quyết số 49/2010/QH12 về dự án, công trình quan trọng quốc gia thì trường hợp dự án, công trình có tổng vốn đầu tư rất lớn, thời gian thực hiện kéo dài trong nhiều năm thì Quốc hội có thể xem xét, quyết định chủ trương đầu tư chung, sau đó trên cơ sở dự án đầu tư (báo cáo nghiên cứu khả thi), Quốc hội sẽ quyết định chủ trương đầu tư cụ thể.

Nghị quyết số 94/2015/QH13 ngày 25-6-2015 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án Cảng HKQT Long Thành đã quy định: “Chính phủ chỉ đạo lập báo cáo nghiên cứu khả thi đối với từng giai đoạn của dự án và báo cáo Quốc hội thông qua trước khi quyết định đầu tư”. Vì vậy, việc Chính phủ trình Quốc hội Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1 trước khi quyết định đầu tư là phù hợp.

Tuy nhiên, để Quốc hội có cơ sở thông qua thì Hội đồng Thẩm định phải có báo cáo đầy đủ các nội dung và chỉ tiêu cụ thể nhưng cho đến nay Hội đồng Thẩm định chưa có báo cáo đầy đủ, chưa làm rõ một số nội dung theo Nghị quyết 94 như: tổng mức đầu tư, hiệu quả kinh tế - xã hội và tài chính của dự án, công nghệ chính, quản lý vận hành, khai thác và đào tạo nguồn nhân lực, cơ chế chính sách đặc thù, do đó không có đủ cơ sở và căn cứ để Quốc hội xem xét quyết định.

Luật Đầu tư công cũng không quy định Quốc hội phải thông qua Báo cáo nghiên cứu khả thi và Nghị quyết 94 không quy định nội dung cụ thể của Báo cáo nghiên cứu khả thi Quốc hội phải thông qua, do đó đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế đề nghị Quốc hội chỉ xem xét quyết định các đề xuất trong Tờ trình của Chính phủ và những nội dung quan trọng của dự án. Sau khi Hội đồng Thẩm định có báo cáo, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét quyết định đầu tư dự án giai đoạn 1 theo quy định của pháp luật.

Ủy ban Kinh tế tán thành quy mô giai đoạn 1 của dự án đã được nghiên cứu theo Nghị quyết 94, tuy nhiên đề nghị Chính phủ cần sớm nghiên cứu và đầu tư giai đoạn 2, giai đoạn 3 của dự án để vừa bảo đảm tính cạnh tranh với các cảng hàng không trong khu vực, vừa có thêm đường cất hạ cánh dự phòng cho đường cất hạ cánh thứ nhất để quá trình khai thác được liên tục, hiệu quả.

Về kiến nghị điều chỉnh nhu cầu sử dụng đất, Ủy ban Kinh tế nhận thấy, nếu bổ sung diện tích đất thu hồi vào Nghị quyết 53 thì trình tự, thủ tục phức tạp, ảnh hưởng đến tiến độ của dự án, do đó đề nghị đưa diện tích đất thu hồi vào giai đoạn 1 của dự án Cảng HKQT Long Thành để thi công nhanh 2 tuyến giao thông kết nối, trước mắt là đường công vụ phục vụ cho việc thi công các hạng mục của sân bay; kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư lấy từ vốn đầu tư giai đoạn 1 của dự án.

UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo khung chính sách được Chính phủ phê duyệt khi thực hiện Nghị quyết 53 của Quốc hội. Đồng thời, Ủy ban Kinh tế tán thành với việc sử dụng diện tích đất dùng chung quốc phòng và dân dụng (480 hécta).

Việc dùng chung diện tích đất này vừa bảo đảm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, vừa bảo đảm thực hiện kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng. Việc quản lý, sử dụng diện tích đất dùng chung thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về hàng không dân dụng Việt Nam.

* Đề nghị Chính phủ có các giải pháp, chỉ đạo quyết liệt

Về hiệu quả kinh tế, hiệu quả tài chính, Ủy ban Kinh tế nhận thấy, nếu xét các thông số của báo cáo thì dự án có hiệu quả kinh tế và hiệu quả tài chính. Tuy nhiên, cần lưu ý doanh thu, lợi nhuận còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố như: sản lượng hành khách của Cảng HKQT Long Thành, sản lượng ngành hàng không và mức tăng trưởng GDP, trong khi những thông số này biến động phụ thuộc nhiều biến số, kể cả biến động kinh tế quốc tế, khả năng cạnh tranh với các cảng hàng không trong khu vực và trên thế giới.

Hơn nữa, tỷ suất nội hoàn kinh tế được tính trên cơ sở tổng mức đầu tư do Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam lập và với điều kiện không tăng vốn trong quá trình đầu tư xây dựng. Nếu nhà đầu tư không phải là Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam hoặc trong quá trình đầu tư xây dựng làm tăng tổng mức đầu tư thì tỷ suất nội hoàn có thể thay đổi.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, nhiều ý kiến băn khoăn về tiến độ hoàn thành vì sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt, tiếp tục phải lập, phê duyệt thiết kế kỹ thuật dự án, sau đó mới khởi công, thời gian cần thiết để hoàn thành còn khá dài. Mặt khác, công tác đền bù giải phóng mặt bằng theo Nghị quyết 53 của Quốc hội đang được UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện, tính đến tháng 8-2019 việc giải ngân mới chỉ đạt 1,07% mức vốn được giao. Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ có các giải pháp, chỉ đạo quyết liệt để dự án hoàn thành đúng tiến độ khi đã được Quốc hội thông qua.

* Phải có sự phối hợp đồng bộ giữa Trung ương và địa phương

Phát biểu tại phiên họp tổ, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng (đoàn Đồng Nai) đề nghị làm rõ hơn trong báo cáo nghiên cứu khả thi về một số vấn đề như: vấn đề kết nối giao thông với sân bay, diện tích bổ sung thu hồi đất và giải phóng mặt bằng.

Đại biểu Võ Văn Thưởng phân tích: “Để ưu tiên giải phóng mặt bằng, Quốc hội đã đồng ý tách ra thành một dự án riêng, trong đó không có mấy trăm hécta đất tăng thêm này. Nếu diện tích đất tăng thêm mà đưa vào giải phóng mặt bằng theo Nghị quyết 53 thì phải điều chỉnh dự án về giải phóng mặt bằng; nếu đưa vào dự án của giai đoạn 1 thì dẫn tới tình trạng phát sinh chênh lệch chính sách trong quá trình triển khai tại địa bàn. Như vậy cũng là trong dự án Cảng HKQT Long Thành mà lại có 2 diện tích đất có chính sách giải phóng mặt bằng khác nhau, như vậy sẽ khó và vướng trong quá trình thực hiện”.

Liên quan các thủ tục bố trí vốn, tái định cư, giải phóng mặt bằng cho người dân, đại biểu  Võ Văn Thưởng cho rằng cần sự hỗ trợ tích cực từ Trung ương, tỉnh Đồng Nai phải hết sức nỗ lực.

Đồng ý với quan điểm này, đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) cho rằng phải có sự phối hợp đồng bộ giữa Trung ương và địa phương, có lộ trình thực hiện phù hợp. Tuy nhiên, đại biểu nhấn mạnh vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng cần phải “càng làm tập trung càng tốt”, không nên kéo dài thành nhiều giai đoạn, hoặc chia thành nhiều dự án.

“Chúng ta phải lường trước từ khâu quản lý, vận hành đến khâu quy hoạch, có lộ trình phù hợp bởi khi triển khai những dự án lớn như thế này không chỉ là bề bộn trong quy hoạch mà còn những phát sinh liên quan đến đời sống của người dân” - đại biểu Dương Trung Quốc chia sẻ.               

Lâm Viên (tổng hợp) - Theo baodongnai

http://www.baodongnai.com.vn/chinhtri/201910/ky-hop-thu-8-quoc-hoi-khoa-xiv-chi-dao-quyet-liet-de-du-an-san-bay-long-thanh-hoan-thanh-dung-tien-do-2970386/

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/chi-dao-quyet-liet-de-du-an-san-bay-long-thanh-hoan-thanh-dung-tien-do-a5316.html